+
Aa
-
like
comment

Người Kurd: Một dân tộc, bốn câu chuyện

18/10/2019 10:27

Người Kurd ngày càng giữ vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề nhạy cảm ở Trung Đông, từ giải quyết xung đột ở Syria đến cuộc chiến tiềm tàng chống Iran. Dù vậy, người Kurd vẫn mang danh là dân tộc không quốc tịch đông nhất thế giới.

Người Kurd: một dân tộc, bốn câu chuyện - Ảnh 1.
Một nữ chiến binh người Kurd ở Syria tham gia huấn luyện chống IS trong doanh trại của Iraq ở Nineveh cuối năm 2015 – Ảnh: ABC

Có đánh nhau, tất nhiên sẽ có người Kurd ở Syria chạy sang Iraq tị nạn. Như vậy, chiến dịch quân sự hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây bất ổn khu vực vào lúc IS đang tìm cách trỗi dậy.

Tiến sĩ sử học JORDI TEJEL GORGAS

Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ ba ở Trung Đông, sau người Ả Rập và người Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số ước tính từ hơn 35 triệu đến 45 triệu người, cư trú chủ yếu ở bốn quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ (40%), Iran (25%), Iraq (15%) và Syria (5-10%). Ngoài ra, còn có nhiều triệu người Kurd ở hải ngoại.

Một câu phương ngôn khẳng định: “Người Kurd không có bạn bè nào ngoài núi”. Lịch sử chứng minh người Kurd không có bạn bè vì sau thời gian hữu hảo với các quốc gia hùng mạnh, họ đã bị bỏ rơi một khi lợi ích của các quốc gia này được thỏa mãn.

Iraq – khu tự trị Kurdistan

Tại Iraq, phong trào giành độc lập của người Kurd bùng nổ trong thập niên 1980. Lần đầu tiên, thân phận người Kurd được phơi bày trước dư luận quốc tế sau khi quân đội Iraq mở chiến dịch Anfal trấn áp người Kurd năm 1988. Nhiều làng mạc bị phá hủy. Hàng triệu người Kurd phải tản cư hoặc thiệt mạng do chất độc hóa học.

Năm 1991, với sức ép của Mỹ sau Chiến tranh vùng Vịnh, Chính phủ Iraq đồng ý thành lập khu tự trị Kurdistan ở miền bắc. Hiến pháp năm 2005 thừa nhận khu tự trị Kurdistan với 4 triệu dân đặt thủ phủ ở Erbil. Khu tự trị có chính phủ khu vực Kurdistan (KRG), có quân đội riêng (Peshmerga), có cờ, quốc ca, nghị viện và đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên từ năm 2014, liên quân quốc tế chống IS đã viện trợ cho Peshmerga đánh đuổi IS đến tận biên giới Syria. Khu tự trị Kurdistan cũng đã trở thành nơi tìm đến của những người Kurd tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ – cuộc đối đầu đẫm máu

Người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ cư trú chủ yếu ở vùng núi đông nam. Từ ngày thành lập nước cộng hòa vào năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ chấp nhận dân tộc Kurd.

Năm 1978, Abdullah Öcalan thành lập Đảng Lao động Kurdistan (PKK) chủ trương đấu tranh giành độc lập cho người Kurd. Có thể nói PKK là phong trào người Kurd thống trị ở Trung Đông về quy mô hoạt động. PKK hoạt động tại bốn quốc gia có đông đảo người Kurd sinh sống. Sau khi thủ lĩnh Abdullah Öcalan bị bắt vào tháng 2-1999 và bị kết án tù chung thân, hoạt động của PKK đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu đều xem PKK là tổ chức khủng bố. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên mở chiến dịch chống nổi dậy và càn quét. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ còn đánh bom căn cứ của PKK ở Iraq.

Trong giai đoạn IS hoành hành, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ vai trò ngăn chặn IS xâm lấn. Năm 2014, PKK được người Kurd ở Iraq yểm trợ đã mở đường đưa hàng ngàn dân theo đạo Yazidis bị IS vây hãm ở Sinjar (Iraq) đến nơi an toàn.

Syria – khu tự trị Rojava

Tại Syria, vấn đề người Kurd bùng nổ năm 2004 ở Qamishli, sau khi hai nhóm cổ động viên bóng đá choảng nhau và quân đội Syria can thiệp dẫn đến biểu tình lan rộng.

Sau khi phe đối lập nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad năm 2011, Đảng Liên minh dân chủ (PYD) – chi nhánh của PKK Thổ Nhĩ Kỳ – đã thành lập cánh vũ trang mang tên Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). YPG nổi tiếng với trận đánh IS tại Kobanî giáp Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2014. Sau đó, với hậu thuẫn của Mỹ, YPG đã hợp sức đánh bật IS khỏi cứ địa Raqqa.

Từ tháng 11-2013, PYD tuyên bố ba khu vực do người Kurd quản lý ở miền bắc Syria là khu bán tự trị. Ba năm sau, PYD tuyên bố thành lập khu vực liên bang ở miền bắc Syria lấy tên là “Liên bang dân chủ Bắc Syria” (Rojava) với Qamishli là thủ phủ.

PYD đã thông qua hiến pháp xác định Rojava là một bộ phận không thể tách rời của Syria. Năm 2017, người Kurd đã bầu hội đồng địa phương. Khu tự trị Rojava có nguy cơ biến mất sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch hành quân tấn công người Kurd ở Syria để lập vùng đệm an toàn giáp biên giới.

Iran – người Kurd hoạt động từ Iraq

Có năm tổ chức của người Kurd Iran trú đóng trong khu tự trị Kurdistan ở Iraq, phụ trách các vụ tấn công quân đội Iran ở các tỉnh biên giới. Mạnh nhất là Đảng Dân chủ Kurdistan ở Iran (PDKI) gồm hàng ngàn tay súng Iran và Iraq. Từ tháng 4-2016, PDKI đã gia tăng tấn công chống quân đội Iran.

Lực lượng mạnh thứ hai là Đảng Vì cuộc sống tự do Kurdistan (PJAK) do PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. PJAK rất ít khi đối đầu trực tiếp với quân đội Iran.

Iran lo ngại Mỹ sử dụng PDKI như một lực lượng ủy nhiệm tiềm năng nếu chiến tranh với Iran bùng nổ. Do đó, với tinh thần “tiên hạ thủ vi cường”, tháng 5-2019 Iran đã tổ chức đàm phán với người Kurd ở Na Uy.

Người Kurd không phải là một tập hợp đồng nhất về ngôn ngữ và tôn giáo. Tiếng Kurd có nguồn gốc Ấn – Âu. Hai phương ngữ chính là kurmandji và soranî, song ở phía bắc Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ), người Kurd lại nói phương ngữ zazaki.

Người Kurd nói chuyện với nhau khó hiểu còn do tiếng Kurd viết bằng ký tự Ả Rập ở Iraq và ký tự Latin ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Phần lớn người Kurd theo Hồi giáo dòng Sunni. Tại miền bắc Iraq có 0,7 triệu người Kurd theo đạo Yazidis (một nhánh của Hồi giáo). Ngoài ra, số ít người Kurd theo Giáo hội Nestoriô (Kitô giáo) và đạo Tin Lành.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều