Người khơi dậy khát vọng cho dân tộc Việt Nam
Đại hội Đảng lần thứ XIII chưa bắt đầu, song sự chuẩn bị cho sự thành công của Đại hội đã được các cơ quan chuyên trách của Đảng chuẩn bị từ rất lâu, rất công phu và chi tiết đến từng nội dung.
Điều đặc biệt của Đại hội lần thứ XIII này là trong các văn kiện chuẩn bị cho đại hội, chúng ta được nghe nhiều đến cụm từ “khơi dậy khát vọng”. Quả thật quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một trong những điểm nhấn. Bởi nó đánh trúng, đánh đúng tâm tư nguyện vọng của người dân, nó đánh trúng tâm huyết và quyết tâm của Đảng về một dân tộc luôn khao khát phát triển và thịnh vượng.
Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng một quốc gia, dân tộc. Khát vọng đó như một thứ kết dính tạo thành một nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động giúp dân tộc trở mình lớn lên như Phù Đổng Thiên Vương
Khát vọng và giấc mơ của mỗi con người riêng biệt thì ở thời điểm nào cũng có, thế hệ nào cũng có nhưng nó luôn riêng rẽ và tạo thành những sức mạnh cũng rất riêng rẽ. Khát vọng của mỗi cá nhân luôn là động lực giúp mỗi cá nhân có động lực để phấn đấu tốt lên để nuôi ước mơ chính đáng của cuộc đời.
Nhưng nếu thật là tuyệt vời khi lãnh đạo đất nước biết dùng những chiến lược của mình để hướng những khát vọng cá nhân thành khát vọng dân tộc bùng phát cùng một thời điểm, cùng chí hướng để giúp dân tộc biến giấc mơ thành hiện thực. Có được nguồn năng lượng vô song đó thì chẳng có khó khăn nào cản trở được con đường phát triển tiến đến thịnh vượng của một dân tộc.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc sinh thời đã từng nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công”. Chí hướng của một dân tộc nằm chính là ở sự đoàn kết. Đảng tiên phong của một dân tộc phải bằng mọi giá khơi dậy sức mạnh của nhân dân, hướng sức mạnh của nhân dân vào mục tiêu phát triển đất nước, lấy thành tựu đất nước để phục vụ lợi ích và hạnh phúc nhân dân. Một Đảng biết lo cho hạnh phúc nhân dân, biết đau cái đau của nhân dân, biết chia sẻ đùm bọc thương yêu nhân dân, thì Đảng đó sẽ được nhân dân bảo vệ, tôn thờ. Sức mạnh trong nhân dân lúc nào cũng có, cái dân cần ở Đảng là biết khơi dậy nguồn sức mạnh đó đúng lúc, đúng thời điểm để đưa đất nước tiến lên.
Nhìn lại những chặng đường lịch sử của Đảng ta, của dân tộc ta, chúng ta có thể tự hào nói rằng Đảng cộng sản Việt Nam chính là người đại diện chân chính duy nhất biết hướng khát vọng nhân dân vào những mục tiêu giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Hẳn chúng ta không bao giờ quên, ngay từ những ngày đầu mới thành lập nước năm 1945, khi đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, kinh tế đói kém ngân sách gần như trống rỗng. Nếu chúng ta không khôn khéo khơi dậy khát vọng nhân dân, dựa vào sức mạnh tiềm ẩn trong dân thì làm sao chúng ta có đủ nguồn lực và sức mạnh để bảo vệ chính quyền non trẻ. Tuần lễ vàng do Chính phủ lâm thời phát động đã đánh trúng khát vọng hòa bình của nhân dân. Đất nước không có hòa bình thì cuộc sống nhân dân làm sao được ấm no, hạnh phúc, lời kêu gọi của Bác “…Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” như một lời hiệu triệu giúp cả dân tộc ta bừng tỉnh. Khát vọng tự do như một nguồn sức mạnh vô song giúp một dân tộc đang rất nghèo đói trở nên mạnh mẽ, một dân tộc ốm yếu mang nặng tư tưởng nô lệ bỗng chốc bừng tỉnh. Khát vọng đó như một nguồn năng lượng từ chính nhân dân mình được Đảng và Bác Hồ khơi dậy, một nguồn sức mạnh nội sinh vô tận giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn và đi đến thắng lợi. Tinh thần và khát vọng của dân tộc Việt Nam được Đảng ta khơi dậy từ trong nhân dân qua những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thế mới biết sức mạnh của dân tộc là nguồn sức mạnh từ nhân dân, cái quan trọng là ai, là người có đủ đức hạnh, đủ phẩm chất để khơi dậy nguồn sức mạnh đó phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Trong suốt lịch sử phát triển đất nước, chúng ta đã tận mắt chứng kiến những bước thăng trầm trên con đường phát triển của dân tộc. Có những lúc nhân dân cũng phẫn uất vì nạn tham nhũng, vì sự nhũng nhiễu của một số quan chức chính quyền, là khi đó xã hội có những biểu hiện lúc bất ổn. Niềm tin của nhân dân vào Đảng bị giảm sút. Những lúc như vậy, Đảng ta lại nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm kỉ luật những người lợi dụng chức quyền ức hiếp nhân dân, tư lợi cá nhân, bòn rút tài sản nhân dân làm giàu cho bản thân và gia đình. Mỗi lần Đảng làm như vậy, là mỗi lần khoảng cách giữa Đảng và dân được gần lại, niềm tin của dân với Đảng lại được củng cố.
Mỗi khi đất nước lâm nguy vì giặc ngoại xâm, do thiên tai địch họa, vì dịch bệnh khi Đảng biết lo cho tính mạng của nhân dân, biết chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân là Đảng biết lo cho chính tổ chức của mình, lo cho sức mạnh của một dân tộc mà ở đó Đảng là người cầm lái.
Hiểu được điều đó nên ngay từ giai đoạn đầu tiên xây dựng văn kiện Đại hội XIII, lãnh đạo Đảng và Tiểu ban văn kiện đã muốn đưa vào chủ đề Đại hội cụm từ “khơi dậy khát vọng” bởi đó là tinh thần, động lực rất mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Đường lối đúng đắn của Đảng thể hiện cụ thể trong nội dung các văn kiện của các hội nghị trung ương và đã được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thảo luận và nhất trí về việc đưa cụm từ “khơi dậy khát vọng” vào chủ đề Đại hội và đề nghị cần làm rõ ngay trong chủ đề nội hàm của cụm từ này. “Khát vọng là khát vọng gì? không thể nói là khơi dậy khát vọng mà không có mục tiêu. Và vì vậy, chủ đề Đại hội XIII khi công bố toàn văn có nêu là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước,”.
Khát vọng phát triển đất nước được thể hiện với 3 mục tiêu, tầm nhìn cụ thể. Đó là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn”Nó không chỉ là mục tiêu ghi trong văn kiện của Đại hội mà thể hiện ý chí của Đảng, của nhân dân hướng tới một mục tiêu phát triển đất nước một cách dài hạn và thịnh vượng. Chúng ta đã có thừa hiểu biết và thực tế để hiểu rằng “Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Trên thực tế, đất nước ta đã trải qua những giờ phút vô cùng khó khăn trong chiến tranh và xây dựng phát triển kinh tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta từng bước vượt qua khó khăn, vượt qua nghèo đói lạc hậu, chúng ta đã đoàn kết và chiến thắng, chúng ta đã biết vượt lên chính mình, vượt lên thế sự bằng khát vọng dân tộc, bằng sức mạnh của nhân dân.
Vì vậy Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng vậy. Đại hội nhấn mạnh đến cụm từ “khát vọng dân tộc” như một lần nữa khẳng định trước nhân dân là sức mạnh dân tộc Việt Nam là thuộc về nhân dân, dân tộc ta có trở nên giàu có và sánh vai với các cường quốc năm châu hay không là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Đảng là người chịu trách nhiệm hướng những khát vọng riêng rẽ trong mỗi người dân để tạo nên sức mạnh không gì cản nổi của một dân tộc, giúp đưa đất nước ngày mỗi tiến lên.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tới đây Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra, chúng ta đặt rất nhiều hi vọng vào tư duy và lãnh đạo sáng suốt của Đảng sẽ là sức mạnh vô song để khơi dậy khát vọng sẵn có trong mỗi người dân Việt Nam tạo nên nguồn sức mạnh dân tộc giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn xây dựng một Việt Nam phát triển và thịnh vượng.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả