+
Aa
-
like
comment

Người ‘hôi’ tiền ở Sài Gòn bị truy tìm

Trần Anh - 30/01/2021 11:39

Lãnh đạo Công an quận 7, TP HCM, cho biết đã giao lực lượng trích xuất camera xung quanh khu vực truy tìm, xử lý những người nhặt 30 triệu đồng cô gái làm rơi.

“Hành vi của những người này quá phản cảm, trái đạo đức, trái pháp luật gây bức xúc xã hội”, lãnh đạo Công an quận 7 nói, sáng 30/1.

Cơ quan điều tra cũng kêu gọi những người liên quan nộp lại tiền để trả cho cô gái 24 tuổi làm rơi trên đường số 4, phường Tân Hưng, hai hôm trước. Nếu họ cố tình không trả sẽ bị xem xét xử lý hình sự, hoặc hành chính tuỳ theo mức độ.

Trước đó, trình báo với cảnh sát, cô gái cho biết vừa rút tiền tại ngân hàng ở quận 1, trên đường chạy qua quận 7 để trả nợ thì cọc tiền trong túi áo khoác rơi ra. Khi được người đi đường báo, chị quay lại tìm nhưng không thấy. Biết nhiều người đã lấy số tiền này, chị năn nỉ thì được người bán hàng rong trả lại một ít.

Cô gái mất 30 triệu đồng đang trên đường trả nợ
Nhiều người tranh nhau nhặt tiền rơi trên đường.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM), hành vi của những người “hôi” tiền đã vi phạm pháp luật. Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định, người nào phát hiện tài sản người khác đánh rơi mà biết được địa chỉ của họ thì phải thông báo hoặc trả lại, nếu không biết thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an xã, phường nơi gần nhất.

Nếu nhặt được không trả lại, hoặc không báo cho cơ quan có thẩm quyền mà sử dụng trái phép tài sản đó, có thể bị phạt 1-2 triệu đồng (điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Tại khoản 1 Điều 166 BLDS cũng quy định, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp này, cô gái có quyền yêu cầu những người đã nhặt tiền trả lại nếu biết rõ danh tính, hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết (nếu chưa xác định rõ danh tính chủ thể đã nhặt). Nếu có căn cứ xác định các chủ thể đã nhặt tiền nhưng cố tình không trả, cơ quan chức năng có thể phạt 2-5 triệu đồng theo quy định tại Điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Về căn cứ để xử lý hình sự, luật sư Mạch dẫn Điều 176 BLHS quy định tội Tội chiếm giữ trái phép tài sản, cho rằng nếu số tiền cô gái làm rơi là 30 triệu đồng như trình báo, Công an quận 7 sẽ tùy thuộc vào lượng tiền từng người nhặt (tối thiểu là 10 triệu đồng) và thái độ, hành vi hợp tác để xem xét xử lý. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt 10-50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, hình ảnh trong camera thể hiện người phụ nữ chở đứa trẻ đến chỗ tiền rơi, cho em này xuống nhặt, được cho là hành vi “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” – là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS).

Bên cạnh trách nhiệm hình sự, theo luật sư Mạch, một trong những vấn đề đáng lên án là hành vi của người phụ nữ và những người khác, trước sự chứng kiến của trẻ em, là vi phạm đạo đức; sử dụng đứa trẻ như một công cụ, phương tiện phạm tội, gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ em – lứa tuổi còn quá non nớt về mặt nhận thức.

8 năm trước, trưa 4/12/2013, tài xế Hồ Kim Hậu, 30 tuổi, lái xe tải đi giao hơn 1.300 thùng bia từ TP HCM cho một đại lý ở tỉnh Bình Thuận. Đến vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), tài xế đang ôm cua thì chiếc xe bị nghiêng, thanh chắn gãy, đứt dây chằng khiến hơn 1.000 nghìn thùng bia rơi xuống đường.

Hàng chục người đã xông vào cướp bia. Ngoài số bia bị vỡ nằm lăn lóc dưới đất, phần còn lại bị những người này “dọn sạch”. Hành vi trục lợi trong lúc người khác gặp nạn này đã gây bức xúc trong dư luận.

Công an tỉnh Đồng Nai sau đó triệu tập nhiều người có tham gia. Hai người ở TP Biên Hoà bị tuyên phạt 6 tháng tù giam về hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hơn 10 người khác bị xử lý hành chính.

Quốc Thắng/VNE

Bài mới
Đọc nhiều