Người gốc Việt bị kỳ thị ở châu Âu vì virus từ Trung Quốc
Không ít người dân châu Âu đang đánh đồng tất cả những người da vàng là người Trung Quốc và kỳ thị họ như thể tất cả đang mang trong người virus corona. Nhiều người Việt ở Pháp đã phải nhận những lời khó nghe là vì thế.
Le Courier Picard, một tờ báo của Pháp, đã gây sốc khi đăng bức ảnh một người phụ nữ gốc Á đeo khẩu trang kèm theo dòng chữ “dịch bệnh da vàng” và “cảnh báo da vàng”.
Chủ bút sau đó phải lên tiếng xin lỗi nhưng vô ích vì cây đinh đã đóng vào cột khi rút ra vẫn còn lại những lỗ sâu hoắm.
Người gốc Việt bị kỳ thị ở châu Âu
“Cẩn thận, con nhỏ người Trung Quốc đó đang tiến lại gần mình”, chị Cathy Tran – một người Pháp gốc Việt – vẫn còn nhớ như in những gì người ta thì thầm khi thấy chị ở thị trấn Colmar của nước Pháp.
“Lúc tôi đi làm về, một người đàn ông chạy xe máy còn tạt ngang tôi rồi lên giọng nhắc rằng tôi nên có một cái khẩu trang trên mặt”.
Cô Shana Cheng, một người Pháp gốc Việt và Campuchia đang sống ở Paris, cũng rơi vào tình cảnh như thế. Cô nghe rõ mồn một những lời thóa mạ mình ngay trên xe buýt.
“Con nhỏ đó người Trung Quốc đó. Nó sẽ lây bệnh cho chúng ta mất. Lẽ ra nó nên biến về nước”, Shana ấm ức kể lại với đài BBC, “họ nhìn tôi như thể tôi là virus corona vậy”.
Một sinh viên Việt Nam ở Pháp chia sẻ nạn kỳ thị, phân biệt người da vàng đã tăng vọt không chỉ ở Pháp mà còn nhiều nước châu Âu khác như Đức, Anh và Ý sau khi dịch viêm phổi do virus corona bùng phát.
Dù Ý chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào dương tính với virus corona, sự kỳ thị da vàng đang tăng cấp theo từng ngày.
Các du khách da vàng bị cho là người Trung Quốc đã bị dân địa phương nhổ nước miếng khinh bỉ ở Venice, một gia đình bị cả khu phố ở Torino (Ý) cô lập chỉ vì màu da trong lúc những bà mẹ Ý dặn con mình hãy tránh xa những bạn da vàng trong lớp.
Và mới đây nhất, một du thuyền chở 7.000 người bị từ chối cập cảng Ý, phải lênh đênh trên biển sau khi một cặp vợ chồng người Trung Quốc nghi nhiễm bệnh được phát hiện.
Phân biệt chủng tộc không giúp bạn phòng bệnh
Trong lúc người da trắng kỳ thị tất cả người da vàng thì ở châu Á, tâm lý bài Hoa có thể bắt gặp ở nhiều nước.
Những lời chế nhạo cách ăn uống của người Trung Quốc đầy rẫy trên mạng xã hội, chẳng hạn “người Trung Quốc ăn bất cứ thứ gì có 4 chân – ngoại trừ cái bàn và họ ăn tất cả những gì bay được – ngoại trừ máy bay”.
Thậm chí, có người còn trấn an theo kiểu “đừng lo lắng, virus corona sẽ không sống lâu bởi vì nó được Made in China”.
Tại Singapore, một kiến nghị cấm cửa du khách Trung Quốc trên trang Change.org đã thu thập được hơn 118.000 chữ ký chỉ sau 3 ngày.
“Chúng ta không phải là bọn ăn thịt chuột hay thịt dơi nên đừng bắt người dân chúng ta chiến đấu với bệnh tật vì thói quen ăn uống của chúng”, một người dân Singapore tỏ ra bức xúc.
Tại Nhật Bản, một cửa hiệu treo bảng ghi hàng chữ: “Cấm người Trung Quốc. Tôi không muốn bị lây nhiễm virus” đã khiến giới chức ngành du lịch nước này phải lên tiếng xin lỗi.
Ở Malaysia, nhiều người tỏ ra hả hê trước dịch bệnh ở Trung Quốc và nói rằng người Trung Quốc đang bị quả báo vì đã đối xử tàn nhẫn với người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31-1 đã phát cảnh báo toàn cầu về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới, đồng nghĩa mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều có cùng nguy cơ bùng phát dịch.
Các chuyên gia hàng đầu của WHO trước đó cũng xác nhận loại virus corona chủng mới này có thể lây từ người sang người. Nghĩa là một người da trắng đã nhiễm bệnh vẫn có thể lây cho người da trắng khác. Không phải người da vàng nào cũng là người Trung Quốc và không phải ai cũng mang trên người virus corona.
Sự đề phòng của những người khỏe mạnh là điều dễ hiểu nhưng việc kỳ thị người da vàng, lôi sự khác biệt văn hóa ẩm thực và cả những vấn đề chính trị để nói rằng người Trung Quốc nói riêng và người gốc Á nói chung đáng bị như vậy thật sự không thể chấp nhận được.
Những người đã mắc bệnh nên được xem là một nạn nhân vô tội cần được cứu chữa, không phải là một mối đe dọa với xã hội bởi chẳng ai muốn mang trên người căn bệnh chưa có vắcxin điều trị.
BẢO DUY/TTO