+
Aa
-
like
comment

Người Gò Vấp giúp nhau vượt đại dịch

07/06/2021 06:15

Để kịp hơn 800 suất cơm tặng cho lực lượng ở chốt chống dịch và người dân nghèo trong quận Gò Vấp, bếp anh Chơn phải kho các món mặn từ đêm hôm trước.

Mới 3h chiều nhưng gần chục thanh niên trong quán ăn của anh Dương Thiện Chơn trên đường Quang Trung đã bắt tay chuẩn bị nguyên liệu cho bữa trưa ngày mai.

Sau một tuần nấu cơm miễn phí cho những chốt chống dịch và người dân khó khăn trong quận, nhu cầu suất ăn đã tăng từ 160 lên đến 850 phần. Phải nấu một số lượng cơm lớn, nhân lực lại ít nên anh Chơn quyết định chỉ tặng phần ăn gồm cơm và món mặn những vẫn đảm bảo đủ no và tươi ngon.

Có nhiều người đến sau không còn thức ăn, anh em trong quán vào chiên trứng làm cơm tặng họ, anh Chơn chia sẻ.
“Có nhiều người đến sau không còn thức ăn, anh em trong quán vào chiên trứng làm cơm tặng họ”, anh Chơn chia sẻ.  

Trước ngày Gò Vấp thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, nhà hàng của anh cũng ngừng kinh doanh. Đêm đó, nhân viên trong quán ngồi lại nói chuyện với nhau: “Mình là dân bếp mà sắp tới cũng chẳng có ăn huống gì là người lao động nghèo”. Nghe vậy, ông chủ nhà hàng quyết định khởi xướng việc nấu cơm từ thiện.

“Nhà hàng đóng cửa nhưng tôi nghĩ mình cũng còn khả năng, vẫn lo liệu được thì nên làm điều gì đó giúp đỡ mọi người. Mỗi người giúp một ít, sẽ giảm áp lực cho lực lượng tuyến đầu”, ông chủ 38 tuổi chia sẻ.

Thực đơn các món được thay đổi hàng ngày, cơm tặng lực lượng chiến sĩ ở chốt chống dịch cũng giống cơm tặng cho bà con nghèo. Thấy việc làm của anh, đội bóng anh thường tham gia đã tặng một tấn gạo, những mạnh thường quân, bạn bè cũng gửi tặng hàng trăm vỉ trứng và khô cá…

“Tiền chợ mỗi ngày phải đến chục triệu, nhưng tôi không đơn độc”, ông chủ nhà hàng nói.

Buổi tối, những thành viên của quán ngồi cho nước tương vào những túi nhỏ để tặng kèm cơm hộp. Mấy hôm đầu, ai cũng mỏi cổ và đau lưng vì phải ngồi quá lâu. 6 giờ sáng, hai đầu bếp đã phải thức dậy nấu cơm. Anh Chơn không kịp chuẩn bị nồi nấu chuyên dụng nên trong buổi sáng, họ phải nấu 3 lần mới đủ số lượng. Trong lúc đó, những người khác đã vội hâm đồ ăn lại cho thật thấm, nóng rồi múc dần vào hộp.

Từ 9h, nhiều người đã đến xếp hàng trước cửa chờ nhận cơm. Cũng lúc này, lực lượng tình nguyện của các phường cũng cho người đến lấy cơm đi phát cho các điểm chốt chống dịch trong địa bàn phường mình.

Thấy anh Chơn có căn bếp rộng, nên ngày 5/6, chị Viola Nguyễn, 39 tuổi đã mượn bếp nhà hàng để nấu 1.000 suất cháo chay tặng người dân Gò Vấp ăn tối. Những phần cháo với đủ các loại rau củ, và nấm, thêm củ cải muối ăn kèm được 6 người chuẩn bị chỉ trong một buổi chiều.

“Tuần tới, tôi định sẽ nấu bánh canh hoặc lagu ăn với bánh mì để tặng mọi người để đổi món. Tuy là đồ chay nhưng vẫn đảm bảo luôn đủ dinh dưỡng”, chị nói.

Trung Hiếu tặng trà tắc cho những tình nguyện viên, chiến sĩ trực chốt chặn ở quận Gò Vấp trưa ngày 3/6. Ảnh: Hiếu Nguyễn.
Trung Hiếu tặng trà tắc cho những tình nguyện viên, chiến sĩ trực chốt chặn ở quận Gò Vấp trưa ngày 3/6. Chàng trai còn đến tận những điểm phong tỏa trong hẻm sâu ít nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.  

Cách nhà hàng của anh Chơn 3km, căn nhà nhỏ của Nguyễn Trung Hiếu trên đường Lê Lợi mấy hôm nay lúc nào cũng rôm rả. Từ sáng sớm, mọi thành viên trong nhà phụ nhau nấu nước trà tắc tặng các chiến sĩ đang trực ở các chốt chặn.

Sau những ngày chỉ nằm ở nhà vì quán ăn của gia đình đóng cửa, một đêm lướt Facebook, Hiếu thấy các chiến sĩ, tình nguyện viên trực chốt làm việc giữa trời nắng gắt. Lập tức, anh nảy ra ý định nấu trà tắc tặng họ.

Lấy xe rảo quanh một vòng đi ngang những điểm có chốt, Hiếu thấy những thùng nước suối đặt giữa trời nắng nóng hổi. Anh quyết định tìm chỗ mua tắc để nấu trà. Hiếu đăng tin lên một nhóm mua bán hỏi mua tắc tươi giá sỉ, lập tức có người phụ nữ ở Hóc Môn nhắn bảo sẽ tặng Hiếu 20 kg tắc tươi, một người ở Lâm Đồng cũng hứa sẽ gửi ngay xuống Sài Gòn 20 kg chanh dây để anh làm nước. Hôm sau, Hiếu còn nhận được một thùng đường phèn, 1.000 chai nhựa để đựng trà từ nhiều người không quen biết.

Hai hôm nay, mỗi ngày Hiếu nấu được hơn 100 lít trà tắc. Chàng trai đổ vào từng chai nhỏ loại 1 lít rồi ướp thùng đá, tình nguyện làm shipper đến từng điểm chốt.

“Có hôm vừa đến một chốt trong quận, em vừa xin anh chiến sĩ cho qua đồng thời cũng tặng ảnh chai trà tắc lạnh. Giữa trưa nắng, ảnh cầm chai nước uống một hơi hết gần phân nửa làm em xúc động lắm. Em sẽ tiếp tục nấu trà, dù không còn ai tặng tắc hay chanh nữa em vẫn sẽ mua và nấu”, Trung Hiếu nói.

Để đảm bảo an toàn cho mình và những người mình tiếp xúc, Hiếu chủ động trang bị khẩu trang, kính, nước rửa tay khô bên người. Khi tặng nước, anh cũng chủ động giữ khoảng cách. Về tới nhà, anh trai Hiếu đợi sẵn ở cửa, xịt khử khuẩn toàn thân cho cậu trước khi vào nhà. Lúc đi nhận tắc được cho, anh hẹn người tặng mang đến chốt chặn giao nhau giữa các quận bởi không ra khỏi Gò Vấp.

Gian hàng 0 đồng với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ hơn 70 hộ dân đang cách ly trong hẻm 17, đường Gò Dầu, quận Tân Phú. Ảnh: UBND quận Tân Phú.
Gian hàng 0 đồng với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ hơn 70 hộ dân đang cách ly trong hẻm 17, đường Gò Dầu, quận Tân Phú. 

Không chỉ ở trong địa bàn quận Gò Vấp, những ngày qua khi toàn thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 nhiều xuất hiện hàng chục điểm nấu cơm tặng người dân.

Tại khu vực phong tỏa trong hẻm 17, đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú một “gian hàng 0 đồng” cũng cung ứng nhu yếu phẩm tạm đủ cho hơn 300 nhân khẩu đang bị cách ly.

“Ngoài gia vị, mì gói, trứng thì mỗi này chúng tôi đều đặt lên gian hàng cả trăm ký rau củ các loại. Tuy được khởi xướng từ UBND phường nhưng thực phẩm ở gian hàng phong phú là nhờ sự hỗ trợ từ rất nhiều nhà hảo tâm”, bà Nguyễn Ngọc Trúc Linh, Chủ tịch Hội phụ nữ phường cho biết.

Diệp Phan

Từ khóa:
Bài mới
Đọc nhiều