+
Aa
-
like
comment

Người giàu trên thế giới và người giàu ở nước ta kiếm tiền như thế nào?

20/12/2021 06:26

Muốn có sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà, phải chăng chúng ta cần đội ngũ doanh nhân, một tầng lớp người giàu phát triển đúng quy luật, phát triển bền vững, không chỉ dựa vào đất đai, tài nguyên thiên nhiên..

Mấy ngày gần đây, trên báo và mạng xã hội bàn luận nhiều về chuyện đấu giá đất 2,4 tỷ/m2 ở Thủ Thiêm. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu nền kinh tế nước ta từ khi mở cửa phát triển thế nào, người giàu làm giàu từ đâu.

Tôi cũng tìm hiểu thêm về các tỷ phú, những người giàu trên thế giới, để từ đó so sánh ở Việt Nam ta làm ăn có khác với họ không. Tuy nhiên, ở xứ ta, câu trả lời thật chính xác về nguồn gốc làm giàu là rất khó.

Bởi nhiều người giàu không lên sàn, cả những người đã lên sàn chứng khoán cũng luôn có sự chuyển đổi từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác, khó xác minh. Đó là chưa kể sự thiếu minh bạch vốn tồn tại dai dẳng mà công luận đang lên tiếng. Ngay cả thứ đã công khai, số liệu, các loại thông tin nhiều khi cũng chỉ đúng một phần.

Bắt đất sinh vàng

Số liệu thống kê của 30 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán có trên 26% từ đất đai. Như vậy, hơn 1/4 trong số họ là hoàn toàn từ bất động sản. Đó là chưa tính những người có một phần, hay một nửa từ đất đai.

Nếu tính chuẩn, tính hết, có thể nói 2/3 người giàu ở nước ta là từ đất, từ “ông thần thổ địa” một thời bị lãng quên. Vì sao lĩnh vực bất động sản được nhiều người đầu tư, và nhiều người giàu lên từ đây?

Như tôi đã nhiều lần nói đến, suốt thời gian dài, do chiến tranh, cơ chế quan liêu bao cấp, do triết lý “mỗi tấc đất tư hữu đều có thể đẻ ra chủ nghĩa tư bản”, mà một thời ta coi tư bản như kẻ thù nên ăn cơm tập thể, ở nhà tập thể do nhà nước phân phối, đất đai là của hợp tác, dần dần trong tư duy của người dân, đất đai chẳng để làm gì.

Cho đến khi công cuộc đổi mới bắt đầu, công nhận tư hữu, chủ trương kinh tế nhiều thành phần…

Đó là vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, khi hàng triệu người còn ngơ ngác trước một cơ chế mới mà ta gọi là “cơ chế thị trường”, hầu như tất cả đang ở trên những căn hộ tập thể nhiều tầng với các dãy “chuồng cọp”, chưa kịp nhìn xuống đất, chưa kịp nhớ tới việc ngàn đời nay ông cha ta thường nói về một “mảnh đất cắm dùi” mà nhiều năm qua không ai dám nói đến.

Lúc đó, một số người đầu óc nhạy bén, và có tiền tích lũy (nhiều người tích lũy từ nước ngoài) liền nghĩ tới đất đai. Mua đất, mua nhà, lấp ao, san vườn với giá rất rẻ, rẻ như cho. Tiếp đến là biến những khu đất “vàng” ở trung tâm thành phố mà trước đó là khuôn viên nhà máy, xí nghiệp, hay các chung cư cũ nát thành khách sạn, siêu thị, tòa nhà hiện đại để cho các công ty nước ngoài hay tập đoàn trong nước thuê, hoặc bán đứt cho ngân hàng, cơ sở kinh doanh…

Phải nói rằng nhiều người giàu ở ta làm ăn chính đáng, kể cả họ làm giàu từ đất đai. Nhưng, cũng có không ít người như báo chí đưa tin, họ thiếu trung thực, lươn lẹo, thậm chí lừa đảo trong làm ăn, dùng nhiều thủ đoạn bất chính mà công luận đã lên tiếng.

Khi có chủ trương cho phân lô, bán nền, các nhà đầu tư bất động sản liền ồ ạt xây nhà ở, chung cư cao cấp, vì chỉ cần đầu tư ban đầu, san lấp nền và có bản vẽ “khu nhà tương lai” là người ta đổ xô vào mua. Mua không phải để ở mà để đầu cơ vì ai cũng nghĩ rằng “người thì ngày càng đẻ thêm nhưng đất đai vẫn vậy”. Và việc đó dẫn đến tình trạng giá đất, giá nhà đội lên cao vùn vụt. Bởi vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều biệt thự chỉ để “cho chuột ở”.

Tiếp đến là các dự án, có nhiều dự án với chủ đầu tư làm ăn chính đáng nhưng cũng có không ít dự án tiêu cực. Do cơ chế về đất đai ở nước ta còn rất nhiều kẽ hở, nên đã xuất hiện nhiều dự án mà báo chí gọi là “dự án nuốt đất của dân”, tức là biến đất đai tài sản công thành tài sản tư một cách hợp pháp. Tất nhiên là có nhiều cán bộ có chức, có quyền tiếp tay. Đó là những người biết chớp thời cơ khi đất đai còn rẻ, còn sẵn, còn cơ chế “xin cho” để kiếm lời.

Nhưng cái gì cũng vậy, đã có thời cơ thì ắt có lúc mất thời cơ. Thời cơ không vĩnh viễn tồn tại. Và thực tế xảy ra trong năm qua khi bất động sản giảm giá thê thảm, hay nói đúng hơn là trở về với giá thực như các chuyên gia về lĩnh vực này phát biểu trên báo chí.

Xem kỹ thống kê 100 gia đình giàu nhất Việt Nam thì thấy: Họ giàu lên từ bất động sản là chủ yếu. Thứ hai là từ tài chính, ngân hàng. Thứ ba là khai thác, chế biến khoáng sản, hải sản. Thứ tư là dịch vụ. Cuối cùng mới là công nghệ, truyền thông.

Ngay cả các tập đoàn nhà nước cũng thấy chủ yếu là khai thác tài nguyên thiên nhiên (như dầu khí, than khoáng sản hay đánh bắt chế biến hải sản, nông sản). Tìm một thương hiệu Việt Nam về khoa học công nghệ nổi tiếng trên thị trường thế giới hầu như không có!

Người giàu xứ ta kiếm tiền từ đâu?
“Đất vàng” tại khu đô thị mới Thủ Thiêm

Làm giàu bền vững

Ta thử nhìn rộng ra thế giới xem những người giàu, siêu giàu từ đâu? Tại diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), thống kê cho thấy tầng lớp này làm giàu từ công nghệ viễn thông là đầu tiên. Đó cũng là ngành kinh tế mang lại nhiều của cải nhất của thế giới hiện nay. Thứ hai là khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba là buôn bán (bán lẻ). Thứ tư là ngành tài chính, đầu tư. Không có những người siêu giàu từ đất đai (bất động sản).

Điều này khiến ta suy nghĩ hay không? Người giàu trên thế giới ngày nay luôn gắn với những sản phẩm nổi tiếng (máy bay, tàu thủy, các loại ô tô, các loại máy tính, điện thoại di động…)  gắn với khoa học, với công nghệ tiên tiến. Họ làm giàu chủ yếu từ CHẤT XÁM. Đúng ra là biết phát huy chất xám của những người tài.

Ta hãy lấy ví dụ tỷ phú Bill Gate. Sản phẩm của ông là hãng máy tính nổi tiếng Microsoft. Còn người giàu nhất Hàn Quốc là ông chủ của hãng Samsung. Tên tuổi Samsung gắn với các loại  tivi, máy tính, điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động.

Từ đó nói lên điều gì? Nói lên điều mà báo chí vẫn nói: Họ làm giàu bền vững.

Chẳng nói gì Âu, Mỹ xa xôi. Người Nhật, người Hàn đều xuất phát từ những nền kinh tế lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, họ đã đi lên bằng khoa học bằng công nghệ, bằng chất xám. Người Việt Nam không những cần cù, chịu khó mà còn rất thông minh. Chẳng phải năm nào thi quốc tế về toán, lý… học sinh Việt Nam đều nhất nhì thế giới đó sao. Chúng ta đã có những nhà khoa học tài năng. Vì sao chúng ta chưa có được những sản phẩm nổi tiếng thế giới từ khoa học công nghệ, từ chất xám?

Muốn có sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà, phải chăng chúng ta cần đội ngũ doanh nhân, một tầng lớp người giàu phát triển đúng quy luật, phát triển bền vững, không chỉ dựa vào đất đai, tài nguyên thiên nhiên hay nhân công giá rẻ mà phải huy động được nội lực, chất xám của con người Việt Nam để làm nên những sản phẩm trí tuệ.

Tôi thiển nghĩ, có như thế, nền kinh tế nước ta mới phát triển bền vững được.

Dương Xuân Nam 

Bài mới
Đọc nhiều