Người gây ô nhiễm môi trường phải bị truy tố trước pháp luật
Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường và đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết bền vững vấn đề môi trường trong tương lai.
Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại
Phân tích về vấn đề môi trường hiện nay, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn số liệu kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, trên 70% người dân quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều tồn tại, hạn chế dù đã được cơ quan chức năng chỉ đạo nhưng việc khắc phục còn chậm, nhiều nơi tập kết rác chính là nơi gây ô nhiễm. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao; tổ chức việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số nơi chưa xử lý dứt điểm.
Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, mới có 12,5% lượng nước thải đô thị loại 4 được xử lý và 46,5% các địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị, tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao. “Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) lưu ý, công tác quản lý nhà nước, cụ thể là quản lý nguồn nước ngọt và các nhà máy nước vừa qua đang có nhiều bất cập cả trong quy hoạch, khai thác và bảo vệ. Qua nhiều sự cố liên quan đến xả thải của các doanh nghiệp ra biển, các dòng sông đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Gần đây, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho người dân của Nhà máy nước sông Đà cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn sơ hở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), nếu như trước đây, ô nhiễm là vấn đề nhỏ lẻ thì đến nay đã trở thành nghiêm trọng. Tất cả những gì liên quan đến rác thải rắn, nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí trước mắt là vấn đề đời sống xã hội, nhưng sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề an ninh trật tự, hay nghiêm trọng hơn là vấn đề chính trị. Ô nhiễm ở ngay cả những vùng nông thôn, miền núi chứ không chỉ ở các đô thị lớn. Về việc xử lý rác thải sinh hoạt, đại biểu cho rằng, trong lúc nhiều ngành, lĩnh vực đang tiếp cận với sự tiến bộ khoa học, văn minh của thế giới, thì nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với vấn đề đốt rác chưa mang lại hiệu quả.
Có biện pháp bảo vệ nguồn nước cung cấp cho người dân
Để giải quyết bền vững vấn đề môi trường, theo đại biểu thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang, cần thực hiện nghiêm pháp luật về tài nguyên môi trường, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật môi trường, minh bạch thông tin, quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Cả cộng đồng cùng tham gia quản lý tài nguyên và môi trường sẽ mang lại hiệu quả cao.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương liên quan cần nghiêm túc xem xét, tổ chức thực hiện tốt các Luật: Tài nguyên nước 2012, Bảo vệ môi trường 2014, Thủy lợi 2017… Các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ nguồn nước cung cấp, bán cho dân. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát lại, báo cáo cụ thể về việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiến hành quy hoạch các nguồn nước theo Luật Quy hoạch để bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, có giải pháp chủ động ngăn chặn việc cố ý gây ô nhiễm, nhiễm độc cho nguồn nước thô; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho dân cư, phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu mỗi vùng, đặc biệt là vùng dân cư ven biển vốn thiếu nguồn nước ngọt.
Đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo việc tổng kết thực hiện các nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2020 trong năm 2020; bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, nhất là các giải pháp về vật liệu thay thế, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa; các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân. Theo đại biểu, cần tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng với kinh phí 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường nhiều nơi bố trí không đủ.
Để giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy tố trước pháp luật. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải; tổ chức biểu dương các sáng kiến hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhân dân hàng năm và định kỳ…
Đỗ Bình/ TTXVN