Người “gác cổng” văn hóa lại không hiểu lịch sử- văn hóa nước nhà
Thay vì một lời xin lỗi, bà Hồng Ngát lại trách ngược người dân rằng “Đường lưỡi bò” chỉ có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên”
Mới đây, phim hoạt hình “Abominable” với tựa đề tiếng Việt “Everest: Người tuyết bé nhỏ”, sản phẩm hợp tác giữa DreamWorks Animation (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đã được công chiếu tại rạp. Bộ phim xoay quanh hành trình tìm đường về nhà của người tuyết tên Everest, chuyến đi được giúp đỡ bởi cô bé Yi và nhóm bạn nhận được sức hút từ dư luận.
Có điều, sự chú ý của công chúng, dư luận là vì trong bộ phim có xuất hiện “đường chín đoạn”, hay còn gọi là đường lưỡi bò khẳng định tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Kèm theo lời nói tùy tiện, vô trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia càng khiến cho dư luận chỉ trích dữ dội.
Trung Quốc có muôn kiểu tuyên truyền đường lưỡi bò là phi pháp
Trong bài viết về việc “đường lưỡi bò” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Trung Quốc như thế nào, Giáo sư Zheng Wang – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (Đại học Seton Hall) – Mỹ cho biết: Từ những năm 1940, các thế hệ người Trung Quốc đã được các sách giáo khoa địa lý tuyên truyền rằng “cực nam đất nước là Zengmu Ansha”.
Zengmu Ansha là cách Trung Quốc gọi bãi ngầm James (James Shoal) ở phía nam Biển Đông, rất gần bờ biển Malaysia. Từ bài học này, những đứa trẻ Trung Quốc bắt đầu hình thành nhận thức về cái gọi là “đường chín đoạn”. Một bài tập phổ biến với chúng là tính khoảng cách từ cực bắc đến cực nam Trung Quốc qua bản đồ và kết quả là 5.500 km.
Trung Quốc từ lâu đã ý thức được điều đó. Họ tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.
Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình “đường lưỡi bò”. Thế nhưng, Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền đối với người dân nước này. Họ đã tiến xa hơn.
Tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình “đường lưỡi bò” ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.
Mới nhất, kênh truyền hình thể thao ESPN không rõ vô tình hay cố ý sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trong chương trình phát sóng hôm 9/10, đã hứng chịu chỉ trích khi để hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong khi đưa tin, thậm chí sự việc đã khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ của nhà đài, cũng như của công ty mẹ – Disney..v..v.
“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Vụ việc một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của chính sách tuyên truyền mà Bắc Kinh đang thực hiện về một thứ mà thậm chí ngay cả bản thân họ cũng mơ hồ về nguồn gốc.
Người “gác cổng” văn hóa lại không hiểu lịch sử- văn hóa nước nhà
Liên quan đến vụ việc này, Công ty CJ CGV Việt Nam cho biết họ đã nhận được thông tin phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ có hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp. CGV đã có thông cáo về vụ việc: “Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim, nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước.”
Ấy thế mà, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia nói thế này: “Đường lưỡi bò” “chỉ có mấy giây thôi” và “mọi người cứ làm quá lên”.
Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình cho biết, ông cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đồng tình với trả lời của bà Hồng Ngát: “Đứng trước bộ phim có xuất hiện đường lưỡi bò, cho dù là cơ quan quản lý nhà nước hay người dân thì đều phải nêu cao ngọn cờ độc lập chủ quyền dân tộc lên hàng đầu.”
Đồng thời ông Bình cũng cho biết, có 10/11 thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia tham gia thẩm định bộ phim. Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc nghiêm trọng với phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “trách nhiệm thuộc về ngành điện ảnh”. Bộ đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng và kiên quyết xử lý nghiêm.
Còn nhớ, đây không phải là việc tuyên truyền sai trái về Biển Đông thông qua điện ảnh. Mà trong bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” từng được cấp phép phát hành tại Việt Nam năm 2018, cũng để xảy ra sai sót y như bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” vậy. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm cá nhân tập thể lại không được thi hành, không có một ai bị kỷ luật, nên dư luận lại hoài nghi về việc “kiên quyết xử lý nghiêm” theo kiểu “cứt trâu để lâu hóa bùn”.
Dưới góc nhìn của người dân thôi, không thể chấp nhận được một thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia lại phát biểu như thế. Bà có biết câu “cái sẩy nó nẩy cái ung không” thưa bà? Thay vì một lời xin lỗi, bà lại trách ngược người dân rằng “mọi người cứ làm quá lên”.
“Họ tuyên truyền như vậy, để sau này nếu không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thì sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi” – ông Hoàng Việt, chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Nói cách khác, người làm nhiệm vụ kiểm soát văn hóa phẩm, thẩm định văn hóa mà không hiểu lịch sử – văn hóa, lại còn có lời nói tùy tiện, xem nhẹ lãnh thổ đất nước. Đề nghị xem xét lại tư tưởng chính trị , tư cách và trách nhiệm của bà Hồng Ngát sau phát ngôn vô trách nhiệm với dân tộc và công sức của bao thế hệ đã giữ gìn biển đảo cho đất nước.
Trong cơ chế thị trường, sản phẩm văn hóa cũng là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt, vì chức năng của nó là đem lại tri thức, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, thẩm mỹ, tình cảm cao đẹp cho con người. Sản phẩm văn hóa phải là món ăn tinh thần bổ ích với sức hấp dẫn bằng nội dung và nghệ thuật chân chính. Vì mục đích lợi nhuận, các đơn vị sản xuất và kinh doanh dịch vụ văn hóa chạy theo các loại sản phẩm mang thị hiếu tầm thường xấu độc, hủy hoại đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc và tha hóa con người, nhất là lớp trẻ.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập hơn 200 phim ngoại. Không chỉ số lượng phim nhiều hơn, mà nội dung phim ngày càng phức tạp hơn, trong đó không ít sản phẩm được cài cắm những thông điệp chính trị tinh vi. Tất cả những chuyện người Trung đang làm đang làm thông qua những việc ngoài thực địa và điện ảnh mới đây là có ý đồ chính trị lòng ghép vào cả.
Tất cả nhằm phục vụ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc…họ đã rất tinh tế theo kiểu chậm chắc…ngấm lâu, ngấm sâu. Vì thế cần phải có chiến lược tuyên truyền ngược trở lại cho thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng để hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là công lý.
Sông Trà