+
Aa
-
like
comment

Người đi lao động từ nước ngoài về phải báo chính quyền trong 30 ngày

21/05/2020 15:30

Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Chiều 21-5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề chính, trong đó có nhiều nội dung về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người đi lao động từ nước ngoài về phải báo chính quyền trong 30 ngày - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung – Ảnh: T.GIÁP

Đặc biệt có quy định người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước, để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật…

Theo đó, bổ sung quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn chủ sỡ hữu không thấp hơn 5 tỉ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Doanh nghiệp cũng phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định, thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động

Theo đó, sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ để bảo đảm minh bạch và giảm thiểu chi phí cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bổ sung quy định về tiền dịch vụ: “Trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động”.

Dự thảo luật cũng bổ sung khái niệm về hợp đồng môi giới “là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động để giao kết Hợp đồng cung ứng lao động”.

Không sử dụng khái niệm “tiền môi giới” mà thay bằng khái niệm “thù lao theo hợp đồng môi giới” và quy định “Hai bên thỏa thuận về thù lao theo hợp đồng môi giới trong Hợp đồng môi giới nhưng không vượt quá mức trần theo quy định”.

Bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ tại quy định liên quan đến thù lao theo hợp đồng môi giới.

TIẾN LONG/TT

Bài mới
Đọc nhiều