+
Aa
-
like
comment

Người dân vui mừng khi quán nhậu vắng khách, dân nhậu hết “quậy”

Quỳnh Quỳnh - 15/01/2020 11:29

Hơn 10 ngày nay, việc xử phạt các tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia đã khiến thói quen “nhậu sau giờ làm việc” giảm rõ rệt. Nhiều người dân đã không giấu nổi niềm vui khi quán nhậu vắng khách, cuộc sống yên bình hẳn, còn những bà vợ vui vẻ khi chồng về nhà sớm sau giờ làm việc.

Vợ vui vẻ, gia đình hạnh phúc khi chồng bớt nhậu

Bà Hà cười phấn khởi khi gần đây chồng bỏ các bữa nhậu, về phụ giúp việc gia đình.

Nhiều bà vợ khi nói chuyện về mức phạt đối với người uống rượu bia lái xe, ai cũng bày tỏ sự ủng hộ và không giấu nổi niềm vui khi hơn 10 ngày nay, giờ giấc của các ông chồng nghiêm ngắn hẳn.

Vừa nhanh tay sắp xếp lại miếng thịt lợn trên bàn, bà Nguyễn Thu Hà ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa phấn khởi nói: “Vui lắm, trước đây tuần nào cũng có ít nhất 1 bữa nhậu, nhiều hôm say không biết gì. Từ khi đọc trên báo, xem trên mạng thấy nhiều trường hợp chỉ uống 1-2 cốc bia mà bi phạt cả chục triệu đồng nên bây giờ sợ rồi”.

Giống bà Hà, chị Minh Thu (Đống Đa, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chiều nào cũng thấy chồng về sớm cùng làm việc nhà với mình. Tôi trêu “chiến hữu” đâu hết rồi, thì cười nói: Sợ công an phạt lắm”.

“Tôi tin rằng sau khi nghị định này được thi hành sẽ có rất nhiều người không còn lý do ép “bạn nhậu” uống. Và người bị ép cũng có lý do để từ chối. Tôi là một phụ nữ, người vợ, người mẹ… rất ủng hộ và tin rằng các chị em phụ nữ cũng sẽ đồng quan điểm với tôi”, chị Thu nói thêm.

Một đêm cách đây hơn tháng, chị Hồng Nhung, giáo viên tiểu học ở Hai Bà Trưng, Hà Nội được bố đẻ báo tin: “Chồng mày say, đang nằm ngoài đê đấy”. Dù rất bực nhưng Hiền vẫn phải gọi thêm cậu em trai đi cùng đón chồng. Hai người phải rất vất vả mới dìu được anh chồng về và trắng đêm thu dọn “chiến trường” nôn ói.

“Là vợ của người thích bù khú, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không quên cảm giác ngồi chờ chồng về từng đêm 2-3h sáng trong bộ dạng áo quần đầy mùi thuốc lá, nồng nặc rượu, dáng đi liêu xiêu, giọng điệu khệnh khạng, quát tháo… những điều khi tỉnh táo anh không thốt ra”, chị Nhung kể.

Đây không phải lần đầu tiên chị Nhung phải đi tìm chồng kiểu vậy. Mỗi tháng, khoảng năm lần anh say khướt, phải nhờ bạn đèo về, hoặc tự đi rồi nằm vật đâu đó. Có người gọi vào máy báo tin, chị Nhung lại tất tả đi tìm.

Khi nghị định 100 ra đời, anh chồng chủ động tuyên bố bỏ thói quen say sưa ở ngoài vì lý do khi say sẽ bị taxi hoặc xe ôm “chặt chém”, đồng thời “là công chức mà bị phạt vì rượu bia thì mất mặt”. Gần nửa tháng này, chồng chị không có hơi men. Tình cảm gia đình ấm hẳn lên. “Phạt thế vẫn còn ít, phải tăng nữa thì các gia đình mới yên ổn được”, chị Nhung nói.

Nhiều phụ nữ phấn khởi ra mặt, không phải chỉ riêng chuyện hết cảnh chờ cơm chồng, có chồng chia sẻ việc nhà, mà từ 10 ngày nay thoát cảnh nơm nớp lo sợ bất trắc, tai nạn giao thông khi tối nào chồng cũng đi nhậu về khuya trong tình trạng không tỉnh táo.

Khi nghị định 100 ra đời, anh chồng chủ động tuyên bố bỏ thói quen say sưa ở ngoài vì lý do khi say sẽ bị taxi hoặc xe ôm “chặt chém”

Cuộc sống yên bình hẳn khi quán nhậu vắng khách, dân nhậu hết “quậy”
“Nhà góc khuất nên khách uống bia hay chui vào đi tiểu tiện. Có đêm họ say, lao cái rầm vào cửa nhà mình”, anh Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Từ 1/1 đến nay, cuộc sống về đêm của gia đình Hùng êm đềm hẳn. “Sáng ra mở cửa, không khí vào nhà cũng trong lành hơn. Nếu cứ duy trì được thế này thì tốt quá”, anh nói.
Giống anh Hùng, từ lâu, phải sống chung với mùi nước tiểu, bãi nôn của dân nhậu trước cửa rất mệt mỏi, thế nhưng gần nửa tháng nay cuộc sống của gia đình ông Tuấn (Tạ Hiện, Hà Nội) như được giải thoát.
“Bị bao vây bởi các quán nhậu nên tuần nào nhà bà cũng vài lần chịu cảnh xú uế người say rượu nhả ra trước cửa nhà. Không thể nói lý với người say, tôi chỉ còn cách đành âm thầm dọn”, ông Tuấn nói.
Chưa hết, mùi đồ ăn, tiếng ồn, tiếng chửi tục, xe máy, bàn ghế lấn chiếm lối đi… ở phố bia nổi tiếng nhất Hà thành cũng khiến nhiều nhà dân như bà ngộp thở. “Mỗi lần ở đầu phố có loa, đài quảng cáo bia, rượu là tôi phải đưa mẹ chồng 90 tuổi đến nhà bạn ở phố Minh Khai sơ tán. Cửa kính các phòng cũng rạn nứt vì tiếng ồn quá lớn”, ông Tuấn bức xúc.
Hai tuần nay, phố Tạ Hiện đã giảm nhiệt đáng kể, lối đi của nhà bà cũng không bị xe máy, bàn ghế chiếm dụng như trước, nhưng ông Tuấn vẫn mong “có luật dẹp được mấy quán nhậu vỉa hè nữa thì tốt”.
Không biết nghị định 100 là gì, nhưng giấc ngủ của cháu nội 1 tuổi sâu hơn là điều bà Hoa, ở Cầu Giấy cảm thấy rất rõ. “Mọi hôm, tôi vừa bê bát cơm lên thì nghe tiếng ‘dô, dô’ ở dưới, thằng cu lại tỉnh. Cứ phải ôm cháu trên tay cho nó đỡ giật mình”, người phụ nữ quê Nam Định kể.

Từ 1/1 đến nay, cuộc sống về đêm của nhiều gia đình êm đềm hẳn.

Bà Hoa ra thủ đô trông cháu từ hơn một năm nay. Phía dưới căn chung cư dành cho người thu nhập thấp bà ở là quán thịt trâu. Buổi trưa, dân nhậu ra vào như đi hội. Buổi tối là tiếng karaoke “hát cho nhau nghe” dội vào căn hộ hơn 50 m2 khiến mọi người trong nhà cảm thấy tức ngực dù đã đóng kín các cửa.

Sự kiên quyết của các lực lượng thực thi pháp luật khiến tiếng “dô, dô” thưa hẳn và âm lượng không lớn như trước. Chương trình karaoke của quán nhậu cũng không dai dẳng, say sưa đến gần nửa đêm. “Cũng may là mấy hôm nay tĩnh hơn, nếu không đầu tôi cũng bạc trắng hết rồi. Cố hết năm nay, thằng cu lớn, bố mẹ nó cho đi trẻ là tôi về quê”, bà nói và nhìn sang đứa cháu nội đang ngủ say.

Theo nhiều người dân ở khu vực đường Tạ Hiện, con đường tập trung nhiều quán ăn, quán nhậu của quận Hoàn Kiếm, những quán đắt khách, thường thứ 7, chủ nhật phải đặt thêm bàn ghế ngồi lấn hết vỉa hè. Lượng xe máy vào quán quá tải nên ùn lại một góc đường.

Từ đầu năm, lượng khách nhậu giảm hơn 60%. Ông Trần Văn Anh nhà trong đường Tạ Hiện, cảm thấy thoải mái mỗi lần ra vào hẻm, bởi không còn tình trạng kẹt xe như trước nữa. “Nghị định hay như thế sao không ban hành sớm hơn?”, ông Anh nói.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Quỳnh Quỳnh

Bài mới
Đọc nhiều