Người dân về quê ăn Tết: ‘Phép vua thua lệ làng’
Nhiều địa phương ra những quy định “vượt rào” so với chỉ đạo của chính quyền cấp trên gây khó dễ cho người dân về quê ăn Tết.
Chiều 18/1, anh Bình, người có bố mẹ và hai con ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho hay chính quyền đã xin lỗi sau khi khóa cổng cách ly nhà anh vì về từ “vùng đỏ” Hải Phòng.
Bố mẹ anh và hai cháu bị thôn khóa cửa cách ly 7 ngày, từ 9/1 đến 16/1. Dù thời điểm đón các cháu về, gia đình đã đưa ra Trạm Y tế xã Nam Cao khai báo, xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính Covid-19. Do các cháu về từ vùng đỏ, cán bộ y tế xã và gia đình thống nhất cách ly tại nhà một tuần, song trưởng thôn đã khóa trái cửa. Bức xúc, anh Bình phản ánh đến chính quyền huyện Kiến Xương.
Trong cuộc họp chiều cùng ngày, lãnh đạo xã Nam Cao đã công khai xin lỗi gia đình, phát trực tiếp trên loa truyền thanh địa phương. Chủ tịch xã cho biết việc khóa cửa nhà dân là sai quy định, xã không chỉ đạo thôn làm việc này.
Về việc địa phương khóa cửa gia đình, anh Bình chấp nhận vì đó là biện pháp chống dịch của chính quyền. “Nhưng cán bộ thôn xóm, lực lượng y tế cần hỏi han gia đình thiếu gì để tiếp tế, nếu có vấn đề phát sinh còn kịp xử lý”, anh nói.
Sau sự việc, anh Bình muốn khép lại mọi chuyện khi năm cũ sắp qua. Anh hiện vẫn ở Hải Phòng, địa phương có dịch cấp độ 3 (vùng cam) và sẽ về Thái Bình ăn Tết. Trước khi về, anh sẽ cập nhật quy định chống dịch của địa phương và chấp hành nghiêm túc.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết với người dân về quê ăn Tết, tỉnh thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ khuyến cáo nên xét nghiệm trước khi về và khai báo y tế với địa phương.
Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các quy định thích ứng an toàn và yêu cầu “địa phương không chống dịch cao hơn quy định“, song mỗi tỉnh thành đang đề ra biện pháp cách ly, xét nghiệm khác nhau với người về quê ăn Tết. Thậm chí nhiều nơi chính quyền thôn, xã “vượt rào”, áp dụng biện pháp chặt chẽ hơn quy định cấp tỉnh, thành phố.
Để ứng phó, nhiều công nhân lao động, người dân phải về quê sớm, hoàn thành cách ly để kịp đón Tết. Trước ngày khởi hành, họ thường gọi điện tới trạm y tế địa phương để hỏi về quy định, song vẫn “ngã ngửa” khi biện pháp của thôn, xã khác xa so với văn bản chỉ đạo, ban hành của cấp tỉnh.
Chị Hằng, quê xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đang làm công nhân ở Bình Dương, cho biết tuần trước gọi điện cho cán bộ xã để hỏi về quy định với người về quê ăn Tết. Cán bộ địa phương thông báo nếu về quê sau ngày 27/1 (tức 25 tháng chạp) sẽ phải cách ly tập trung, người về trước thời điểm trên được cách ly tại nhà. Nữ công nhân đành hủy vé ôtô đã mua vì “về nhà mà phải đi cách ly thì mất Tết”, dù Bình Dương nơi chị làm việc đã là vùng xanh.
Chính quyền huyện Kỳ Anh hôm 30/12/2021 ra văn bản yêu cầu 21 xã, thị trấn lập danh sách con em địa phương sinh sống, học tập, làm việc ở các vùng dịch đang có nhu cầu về quê ăn Tết để vận động hạn chế về nếu không thực sự cần thiết. Ai có nhu cầu thì chủ động về sớm trước ngày 25 tháng chạp (Âm lịch) để thực hiện cách ly y tế theo quy định. Người từ vùng dịch nguy cơ cao về sau ngày này phải cách ly tập trung.
Ngày 18/1, bà Dương Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, lý giải thời điểm ra điều kiện trên để người dân chủ động về quê sớm, hoàn thành cách ly đón Tết, giữ an toàn cho họ, người thân và chính quyền. Những người về sau ngày 25 Âm lịch nếu gia đình không đủ cơ sở vật chất để cách ly tại nhà thì con em phải cách ly tập trung.
Quy định trên lập tức bị bãi bỏ khi tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản mới với người về quê ăn Tết. Việc cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm chỉ áp dụng với người về từ vùng dịch cấp độ 3, 4 (vùng cam, đỏ). Người về từ vùng xanh, vàng cần khai báo y tế, thực hiện 5K, hạn chế tới nơi đông người.
Tại Thanh Hóa, chính quyền thành phố Thanh Hóa vận động con em xa quê “tạm thời không trở về nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022”.
Tại huyện Thiệu Hóa, lãnh đạo xã Thiệu Phú cử người khóa cổng, giữ chìa khóa của gần 30 hộ dân có người từ các nơi về quê ăn Tết. Phía xã nói rằng các biện pháp trên nhằm phòng dịch bệnh, để người dân ở quê bớt lo lắng vì sợ “mất Tết”. Chính quyền khóa cổng hạn chế người về không tuân thủ cách ly, khiến dịch lây lan ra cộng đồng.
Xã Thiệu Phú có một số ca hoàn thành cách ly xét nghiệm vẫn dương tính khiến nhân dân lo lắng. Chính quyền huyện Thiệu Hóa sau khi nắm thông tin đã chỉ đạo “mở hết ổ khóa”.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định không ban hành quy định riêng biệt nào về các biện pháp cách ly, phòng dịch Covid-19 đối với người dân trở về từ các tỉnh, thành khác. Các biện pháp tỉnh áp dụng đều căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ và các văn bản liên quan của ngành y tế.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân gọi tình trạng trên là “phép vua thua lệ làng”, đi ngược lại với tinh thần thích ứng linh hoạt của Nghị quyết 128. Theo ông, việc ra quy định máy móc làm khó người dân thể hiện một bộ phận lãnh đạo còn chưa thích ứng được với tình hình mới. Đây còn là biểu hiện của việc không tuân thủ quy định của Chính phủ, chính quyền cấp dưới “chỉ lo giữ ghế” mà không quan tâm tới việc người dân chịu phiền hà ra sao.
Ông cho rằng, lãnh đạo cấp tỉnh cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, để các quy định được thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới, tới tận cấp thôn xóm. Nơi nào làm trái quy định thì cần xử lý nghiêm người đứng đầu.
Hiện các tỉnh thành đưa ra quy định kiểm soát người về quê ăn Tết, người vào địa bàn mỗi nơi một kiểu, không cần biết người dân đã tiêm mấy mũi vaccine. Trước tình trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng chiều 18/1 cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất trên cả nước. Bởi những biện pháp địa phương áp dụng đang hơi quá đà, khiến người dân e ngại về quê dịp Tết.
Đức Anh