Người dân ùn ùn đổ về quê nằm ngoài dự tính của Chính phủ và các tỉnh thành
Sau khi có tin nới lỏng giãn cách xã hội, hàng vạn người dân tự phát rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…về quê. Đây là tình huống hoàn toàn nằm ngoài dự tính của Chính phủ và các tỉnh thành. Trước những hệ lụy từ việc “làn sóng” người di chuyển, ĐBQH đã hiến kế giúp kiểm soát dịch bệnh.
“Ám ảnh”, “đau lòng” là cảm xúc chung của các đại biểu Quốc hội khi chứng kiến dòng người tự phát rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê sau chuỗi ngày dài cầm cự chống dịch.
Vừa kết thúc cuộc tiếp xúc với cử tri Bến Tre trước thềm kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội) chia sẻ với PV cảm giác nặng trĩu khi nghe nhiều ý kiến cử tri phản ánh về tình trạng này.
Hệ lụy thiếu hụt nguồn lao động
Theo ông Phong, sau 30/9 – thời điểm TP.HCM nới lỏng giãn cách – nhiều người dân từ TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai… đã tự phát về quê vì không thể chống chịu thêm.
“Đây được xem như một cuộc di dân rất lớn, người ta chạy để mưu cầu sự sống, đó là quyền sinh tồn của họ và không ai có thể ngăn cản”, vị đại biểu tỉnh Bến Tre nói.
Dù Thủ tướng có ngay công điện yêu cầu TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vận động, tuyên truyền người dân ở lại, không tự ý về quê với mong muốn không để mầm bệnh lây lan, việc này vẫn không thể thực hiện được. Ông Phong cho rằng mong muốn đó là đúng nhưng người dân cũng không thể cầm cự thêm nên buộc phải về quê.
“Việc này nằm ngoài mọi kịch bản, dự tính của Chính phủ và các tỉnh, thành. Các tỉnh miền Tây không thể hình dung về một đợt di dân lớn như thế, và nó diễn ra quá bất ngờ nên chính Chính phủ cũng không thể lường về kịch bản như vậy”, ông Phong nêu quan điểm.
Bởi lẽ đó, vị đại biểu cho rằng hầu hết địa phương ở các tỉnh Tây Nam Bộ không có chuẩn bị gì, lúng túng và rối hoàn toàn trước dòng người đổ về. Ông cũng nhận định chưa có sự phối hợp và thống nhất giữa các địa phương nên dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu khiến nhiều người dân “mắc kẹt”.
Hơn nữa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu thực tế toàn bộ nguồn lực dự kiến dành cho việc này gần như đã cạn kiệt, các tỉnh không còn tiền để xử lý vấn đề này với quy mô lớn.
“Cũng vì lẽ đó, mong muốn của các địa phương lại trở thành vô cảm, đó là không muốn nhận dân mình, bởi lẽ không có nguồn lực và giải pháp ứng phó, sợ dịch sẽ bùng lên tạo gánh nặng lâu dài”, ông Phong nêu lý do dẫn đến các biện pháp ứng phó ngày càng cực đoan, chỉ biết ngăn chặn, cấm đoán mà không có giải pháp tháo gỡ.
“Cần ngay chỉ đạo từ Chính phủ để gỡ khó cho các địa phương, tính toán nguồn lực và giải pháp thực hiện, không để mỗi địa phương làm một kiểu”, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong.
Vị đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng ngay lúc này cần có hỗ trợ, can thiệp từ Trung ương. “Trung ương cần chỉ đạo ngay, bổ sung kịch bản, xử lý bằng những nguồn hiện có hoặc huy động các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương. Nếu buông bỏ sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân”, ông Phong góp ý.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cảnh báo nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng phát sinh.
Ông phân tích thực chất đây là sự dịch chuyển lao động, vì mưu cầu họ buộc trở về quê nhưng chưa chắc họ sẽ quay lại TP.HCM hay các địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp. Việc này gây ra hệ lụy sau khi phục hồi kinh tế, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ thiếu hụt hoàn toàn nguồn lao động, gây bế tắc trong sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó ở các tỉnh miền Tây lại thừa nguồn lao động, giải quyết công ăn việc làm cho số người dân trở về địa phương cũng là bài toán khó.
Khái quát lại, ông Phong nhấn mạnh cần ngay chỉ đạo từ Chính phủ để gỡ khó cho các địa phương, tính toán nguồn lực và giải pháp thực hiện, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
Đề xuất không cách ly tập trung người có xét nghiệm âm tính
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lý giải dòng người đổ về các tỉnh miền Tây những ngày qua là do nhu cầu quá bức xúc của người dân về cơm, áo, gạo, tiền. Thời gian dài không có việc làm và phải sống trong phong tỏa, giãn cách đã khiến họ quá khó khăn.
Theo đại biểu Hòa, ở các địa phương, chính quyền chưa lường hết được tình hình vì số lượng người đổ về quá lớn, mỗi tỉnh tiếp nhận hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người về chỉ trong vài ngày qua nên không tránh khỏi bị động, lúng túng.
“Dân về cũng về rồi, giải pháp cần thiết bây giờ là phải xét nghiệm sàng lọc với tất cả người dân khi trở về và chăm lo an sinh cho họ”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.
Phản ánh thực tế một số nơi thu tiền xét nghiệm và tiền cách ly tập trung của những người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về, ông Hòa cho rằng đây là chính sách bất hợp lý. Ông nhấn mạnh những người dân này đã quá khó khăn, có người trở về “không có một đồng trong người”, nên việc xét nghiệm sàng lọc hay cách ly tập trung, chính quyền phải lo cho dân.
“Dân về cũng về rồi, giải pháp cần thiết bây giờ là phải xét nghiệm sàng lọc với tất cả người dân khi trở về và chăm lo an sinh cho họ”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
“Tôi đề xuất không cách ly tập trung tất cả người dân về địa phương. Qua xét nghiệm nếu phát hiện F0 thì cách ly, điều trị ngay. Còn người nào xét nghiệm âm tính có thể cho về nhà cách ly dưới sự giám sát, quản lý của lực lượng y tế cơ sở và chính quyền địa phương”, ông Hòa cho rằng việc này sẽ giảm bớt gánh nặng phải lo khu cách ly cho các địa phương.
Ông nhấn mạnh đã thay đổi tư duy sống chung với Covid-19 thì các giải pháp cũng phải thay đổi tương ứng, không thể mãi áp dụng các chính sách như khi dịch còn ở giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, thay vì xét nghiệm rộng rãi cả ở vùng xanh như một số nơi làm trước đây thì giờ dành nguồn lực tập trung xét nghiệm cho những người dân trở về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Từ việc mỗi địa phương một chính sách, không có sự thống nhất, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần có sự chỉ đạo chung, thống nhất từ Chính phủ, Thủ tướng để các tỉnh thuận lợi đón công dân trở về, đảm bảo an sinh xã hội.
Dân về quê hương, không thể không đón Đại biểu Quốc hội khóa XIV Thái Trường Giang (Phó giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Cà Mau), đã đề cập đến nguy cơ bùng phát dịch cao từ việc người dân tự phát đổ về quê.
“Khi dân về quê hương thì không thể không đón”, đại biểu Quốc hội khóa XIV Thái Trường Giang.
Song theo ông, người dân cũng đã quá bức bách, không thể chịu đựng thêm nên buộc phải về quê. Mà khi dân về quê hương thì không thể không đón.
Ông Giang nhận định việc người dân ùn ùn về các địa phương là lỗi do không tính hết các phương án, đặc biệt là khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dỡ giãn cách, trong khi các tỉnh miền Tây chưa chủ động, thiếu thốn đủ bề, khả năng quá tải đang hiện hữu.
Để lo cho dân, ông cho rằng địa phương cần tổ chức xét nghiệm, bóc tách F0 để đưa đi điều trị, trường hợp đủ điều kiện cho cách ly tại nhà và cung cấp lương thực, thực phẩm để dân không bị đói, vì đa phần người dân về quê đều không còn việc làm, không thu nhập.
Dẫn chứng cách làm của Cà Mau, ông cho biết tỉnh đang tận dụng tất cả trường học để làm điểm tập trung xét nghiệm, tách F0. Cùng với đó, kêu gọi các mạnh thường quân và tổ chức xã hội chung tay hỗ trợ cùng chính quyền lo cho dân.
Ông đề xuất cần quan tâm phân bổ vaccine cho Cà Mau và các tỉnh miền Tây vì nếu không có vaccine, nguy cơ bùng dịch cao, địa phương rất lâu mới có thể trở về trạng thái bình thường mới.
Mạnh Quân