+
Aa
-
like
comment

Đừng mưu đồ trên nỗi đau của họ nữa!

Thu An - 15/09/2021 19:00

Vụ việc 15 người dân (trong đó có trẻ em) muốn về quê để tránh dịch, chấp nhận nguy hiểm tính mạng để trốn trên xe đông lạnh, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói, trái ngược với sự đồng cảm chung của mọi người thì lại xuất hiện những kẻ máu lạnh, mất nhân tính coi nỗi đau của đồng bào là bàn đạp để phục vụ mưu đồ bất chính của mình.

Dịch bệnh bùng phát, người dân là những người yếu thế, họ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Ngoài nỗi lo về sức khỏe thì cơm áo gạo tiền cũng đủ khiến người dân héo mòn. Mọi người vẫn hay chặc lưỡi nói “sợ chưa chết vì dịch cũng chết vì đói”, điều này là có cơ sở. Mặc dù, hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng chục chính sách đã được đưa ra để kịp thời hỗ trợ cho người dân, nhưng không phải ai cũng có thể bám víu vào nguồn trợ cấp đó để có thể trụ lại ở thành phố. Chính vì vậy, mới xuất hiện những trường hợp phải chấp nhận nguy hiểm tính mạng để được về quê.

Dịch bệnh căng thẳng việc di chuyển như vậy không những nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của họ mà còn chính cả người thân họ nếu trở về trót lọt. Đấy là chưa kể, nếu chẳng may có một người ủ bệnh thì hậu quả sẽ không thể nói trước được. Nhưng, tất cả mới chỉ dừng lại ở nếu như! Đúng là sự lựa chọn của họ sai nhưng trong trường hợp này đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta không bao biện cho những hành vi sai trái mà đang dùng tính nhân văn của pháp luật để thấu hiểu và đồng cảm. Chính vì vậy, mà tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng hỗ trợ 15 người dân chỗ ăn, chỗ ở, khám sức khỏe miễn phí và liên hệ địa phương nơi cư trú để tìm cách đưa người dân trở về. Rất ấm lòng khi nghe lãnh đạo tỉnh tâm tư rằng, nếu đưa họ về nơi xuất phát thì vô tình đẩy dân mình vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Trong cơn bão của dịch bệnh, dù không phải là một trong số 15 người dân kia nhưng cũng cảm thấy biết ơn rất nhiều đối với những tấm lòng như vậy.

Ấy vậy mà, tấm lòng và tình thương ấy bị lờ đi như không tồn tại. Những kẻ luôn mồm lu loa “đấu tranh vì lợi ích người dân” lại đem nỗi đau của họ ra làm bàn đạp. Chúng vờ như thương tiếc, yêu quý những số phận nhỏ bé mà gào lên rằng, “chính quyền đẩy dân vào bước đường cùng, người dân sắp chết dưới việc chống dịch của nhà nước, ngõ cụt trên quê hương”… Chúng yêu cầu các nhà báo phải nhanh nhảu tới phỏng vấn, quay tận mặt những người dân, đó mới gọi là đồng cảm, là yêu thương. Xin thưa rằng, cái “dân chủ” mà các anh đấu tranh là lôi người dân lên mặt báo để cho cả xã hội biết được họ là người bỏ trốn, phỏng vấn để khai thác sạch đời tư khiến cha mẹ người thân họ ở quê phải cảm thấy đau lòng và hổ thẹn ư? Rồi mấy anh chị “dân chủ” gọi họ là người cùng khổ, vậy đã làm được gì cho họ, hay chỉ dùng ngòi bút của mình đâm vào vết thương của họ thêm vài nhát, chọc ngoáy cho nó rách bươm rồi gào lên đổ lỗi chính quyền.

Nói thẳng, chẳng có cái gì gọi là thương xót ở đây cả. Nỗi đau của những người đồng bào khốn khổ kia cũng chỉ là cái cớ để cho những tổ chức, đối tượng công kích chính quyền. Chúng muốn tô vẽ, khoét sâu, tạo ra những bất mãn trong lòng dân để từ đó kích động bạo loạn. Hay thậm chí người dân sẽ phải trả giá bằng tính mạng nếu có những chuyến xe tương tự chỉ vì tin theo lời xúi giục.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều