+
Aa
-
like
comment

Người dân tiếp tục đổ ra chợ, siêu thị trước giờ giãn cách

08/07/2021 20:53

Dù trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, người dân vẫn được ra khỏi nhà mua sắm, tình trạng đổ xô đi gom hàng hôm nay tiếp tục diễn ra tại chợ, siêu thị.

Người dân tranh thủ trước giờ giãn cách đi mua thực phẩm tích trữ tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu

10h sáng ngày 8/7, nhân viên siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) phải liên tục nhắc nhở hơn chục khách hàng đang xếp hàng giữ khoảng cách 1 m.

“Trong cửa hàng hiện tại chỉ còn thịt gà, tôm và 2 đầu cá, khách muốn mua thịt heo, cá đầu giờ chiều hãy quay lại”, nhân viên thông báo.

Chiều tối qua đến siêu thị này một lần nhưng phải về tay không vì hàng thực phẩm hết quá nhanh, sáng nay chị Thu (quận 7) quyết định đến sớm hơn. Kết quả, chị chỉ mua được vài củ khoai tây và một ít trái cây.

“Nghĩ hôm nay đi sớm sẽ có rau, thịt tươi nhưng vừa vào gian ngoài đã thấy kệ rau chỉ còn một ít, tất cả đã héo. Trứng cũng chỉ còn vài quả”, chị nói.

Dan TP.HCM tiep tuc do xo mua sam anh 1
Các kệ rau tại siêu thị Bách Hóa Xanh chỉ còn lại loại héo, vàng úa. Ảnh: Quỳnh T.

Ùn ùn đi mua sắm

Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều cửa hàng thực phẩm trong sáng 8/7. Khách đến đây chủ yếu mua với số lượng nhiều, mỗi người xách 3, 4 túi hàng.

“Mới 8h sáng, khách hàng đã vào mua sắm, từ lúc mở cửa đến nay tôi đứng thanh toán liên tục chưa được ngừng tay phút nào”, một nhân viên siêu thị mini Vinmart + nói và cho biết trong cửa hàng chỉ còn đồ khô, đông lạnh.

Tại siêu thị Big C trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), siêu thị chỉ cho phép số lượng người nhất định vào mua sắm một lúc, khách muốn mua phải xếp hàng chờ tới lượt, khai báo y tế.

Theo ghi nhận, lượng thịt heo, bò tại siêu thị này đã dồi dào hơn hôm trước, còn rau củ không còn nhiều. Một số khách hàng chờ quá lâu nên ra về, số khác ngại xếp hàng nên cũng từ bỏ vào mua sắm.

Không chỉ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm mà ở chợ, các điểm bán nhỏ lẻ xung quanh chợ cũng đông đúc người dân tìm mua thực phẩm.

Trước chợ Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM) đã đóng cửa, hơn chục điểm bán lưu động của tiểu thương bán rau, cá, tôm, trái cây… xuất hiện ven đường. Người dân dừng lại mua rất đông khiến giao thông tắc nghẽn.

Dan TP.HCM tiep tuc do xo mua sam anh 2
Các điểm bán lẻ xung quanh khu vực chợ bị đóng cửa cũng đông đúc người mua sắm. Ảnh: Quỳnh T.

Vào siêu thị phải xếp hàng chờ lâu, lượng rau, củ, thịt cá không còn nhiều, anh Tám (quận 7) vội mua 5 kg rau cải, mồng tơi, rau muống của một người bán ven đường. “Chợ đóng cửa hết, siêu thị đến 2, 3 nơi đều phải xếp hàng, thấy có nơi bán tôi liền mua một lúc 5 kg rau các loại”, anh nói.

Chiều tối ngày 7/7, chị Nguyễn Vân mang 5 bịch rau và một bịch cà rốt ra vỉa hè bán, chỉ 30 phút đã hết 3/4. “Sáng nay tôi đi lấy hàng ở chợ Thủ Đức trong ngày cuối trước khi đóng cửa nhưng cái gì cũng lên 2-3 giá, người người đổ xô gom hàng”, chị nói.

Tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) cũng ghi nhận lượng người mua nhiều hơn mọi ngày. “Ngày hôm qua người đến mua có tăng nhẹ, tôi biết thể nào hôm nay cũng đông hơn nên nhập thêm thịt, đến 10h30 chỉ còn vài miếng nạc vai”, một tiểu thương bán thịt heo chia sẻ.

Mở điểm bán lưu động, giảm áp lực cho siêu thị

Mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân, việc hàng trăm chợ đóng cửa vẫn tạo sức ép lớn cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn.

Dan TP.HCM tiep tuc do xo mua sam anh 3
Trong khi thực phẩm tươi, sống luôn cháy hàng thì tại các siêu thị vẫn còn khá phong phú mặt hàng thực phẩm đông lạnh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM cũng liên tục bổ sung hàng hóa tươi nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tăng vọt của người dân.

Theo đại diện siêu thị MM Mega Market, Saigon Co.op, Satra, hiện nay nguồn cung thực phẩm của các siêu thị dồi dào, nhưng do tâm lý người dân dồn về mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.

Ngày 8/7, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định) tại các khu đông dân cư. Kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, giảm áp lực lên các siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Cập nhật mới nhất của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, tổng lượng hàng hóa về TP.HCM ngày 8/7 đạt 2.100 tấn, giảm hơn 34% so với ngày trước đó.

Thanh Thương

Bài mới
Đọc nhiều