+
Aa
-
like
comment

Người dân Thủ Đức mệt mỏi sau một năm lên thành phố

18/01/2022 09:34

Chị Hương bốn lần lên trụ sở công quyền để nhận sổ hồng nhưng suốt 8 tuần vẫn chỉ nhận một chữ “chờ”. Người dân Thủ Đức mệt mỏi khi làm thủ tục hành chính ở thành phố mới.

Tới điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính khu vực 2 TP Thủ Đức từ sớm, chị Ngô Huyền Trinh (nhân viên văn phòng nhà đất) hy vọng hôm nay có thể nhận được thông báo thuế để hoàn thiện quy trình cấp sổ hồng. Thế nhưng, hơn một giờ chờ đợi của chị Trinh xem như công cốc. Sau 6 tuần nộp hồ sơ, chị tiếp tục nhận được cái lắc đầu của cán bộ. Mặc dù theo quy định, toàn bộ thủ tục cấp sổ này không quá 30 ngày.

Trong năm đầu tiên thành lập, TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu về tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính (99,75%), nhưng chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn chưa đạt mục tiêu.

Công nghệ chưa được áp dụng triệt để trong thủ tục hành chính, và nhân sự chưa phù hợp với khối lượng công việc là 2 nguyên nhân chính khiến tốc độ cải cách hành chính tại TP Thủ Đức, đô thị thông minh của TP.HCM, chưa được như kỳ vọng.

Dân cực thêm

Chị Trinh nộp hồ sơ làm thủ tục đăng bộ nhà đất từ đầu tháng 12/2021. Ba tuần sau, chị lên hỏi lại mới được biết hồ sơ thiếu phụ lục, phải bổ sung. Sau khi nộp đủ, chị lại chờ 3 tuần rồi tiếp tục lên hỏi thông báo thuế. Tất cả quy trình này, chị Trinh phải trực tiếp đến điểm nộp hồ sơ để hỏi cán bộ, lần nào cũng mất hàng giờ đi lại và chờ đợi.

Khi được hỏi tại sao không gọi điện cho cán bộ hoặc đường dây nóng để hỏi tiến độ hồ sơ, chị Trinh đáp: “Gọi điện có ai bắt máy đâu. Không có cách nào khác ngoài tự lên hỏi. Hỏi trực tiếp còn chưa xong nữa”.

Cũng lận đận như chị Trinh, chị Hương (làm dịch vụ nhà đất) đã 4 lần lên trụ sở này để lấy sổ hồng nhưng suốt 8 tuần vẫn chỉ nhận một chữ “chờ”. Khi dịch bùng phát, chị thử làm hồ sơ trực tuyến thì kết quả khá nhanh, khoảng một tháng là có sổ. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, thành phố mở cửa trở lại, chị lại chọn đến tận nơi làm trực tiếp cho yên tâm vì sợ thất lạc giấy tờ quan trọng.

“Nếu nộp bưu điện thì chỉ cho tờ giấy nhận chung chung. Còn lên nộp hồ sơ thì đưa tận tay cán bộ, có thông tin cụ thể là họ tiếp nhận giấy tờ gì, bản chính, bản phụ ra sao nên yên tâm hơn”, chị lý giải.

Đáng ra, khi chị lựa chọn làm hồ sơ trực tiếp thì phải nhanh hơn trực tuyến bởi không mất thời gian gửi bưu điện. Thế nhưng thực tế, chị Hương cho biết sau khi hết giãn cách, thời gian cấp sổ lâu hơn hẳn khi làm trực tuyến. “Có lẽ trong dịch thì ít hồ sơ nên làm nhanh”, chị tự lý giải.

Người dân làm thủ tục hành chính tại điểm nộp và trả hồ sơ hành chính khu vực 2 (ảnh trái) và khu vực 3 (ảnh phải) TP Thủ Đức. Ảnh: Thu Hằng.

Tại điểm nộp và trả hồ sơ khu vực 3 TP Thủ Đức, người dân chờ chưa tới 10 phút để làm thủ tục nhưng kết quả của anh Duy (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức cũ) cũng không khá hơn. Anh nộp hồ sơ thừa kế đất đai từ 11/12/2021 và được hẹn trả hồ sơ vào 27/12/2021; thế nhưng ngày 11/1, anh đến trụ sở hỏi thì được cán bộ giải thích “nhiều việc quá thuế làm chưa kịp”. Cán bộ tại đây cho biết khi thủ tục hoàn thành, anh Duy sẽ nhận được tin nhắn và có thể đến lấy sổ.

Đánh giá cao sự tận tình của cán bộ trong hỗ trợ, tư vấn cho người dân, anh Duy vẫn mong rằng khi Thủ Đức lên thành phố, các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh và thuận tiện hơn. Còn chị Trinh và chị Hương bày tỏ hy vọng về một ngày làm thủ tục hành chính “hết cực”.

Không chỉ mong muốn thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4, nhiều người dân TP Thủ Đức kỳ vọng rằng có thể dễ dàng theo dõi tiến độ hồ sơ của mình trực tuyến để chủ động công việc. Nếu như một món hàng chuyển phát nhanh cũng có thể quan sát tiến độ đặt hàng, đóng gói, xử lý, trả hàng, tại sao một thủ tục hành chính của đô thị thông minh lại không thể làm vậy?

Theo thống kê, trong 37.197 hồ sơ UBND TP Thủ Đức tiếp nhận năm 2021, chỉ có 6.856 hồ sơ thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chiếm tỷ lệ hơn 18%. Số liệu này lý giải tại sao tỷ lệ hồ sơ đúng hạn ở TP Thủ Đức chưa như kỳ vọng.

Một nguyên nhân khác được lãnh đạo TP Thủ Đức nhiều lần nêu ra là khối lượng công việc tăng nhiều lần, nhưng việc phải giảm biên chế theo đề án về thành lập TP Thủ Đức mà Quốc hội duyệt gây áp lực rất lớn lên công tác tổ chức bộ máy và gây tâm lý lo lắng cho cán bộ, công chức. Cụ thể, từ 2021 đến hết năm 2022, TP Thủ Đức phải giảm từ 631 biên chế (năm 2021) xuống 459 biên chế, khoảng 30%. Trước khó khăn này, UBND TP Thủ Đức xin giảm biên chế từng bước.

Cần tăng cường công nghệ trong dịch vụ công

Câu hỏi đặt ra là đề xuất không tinh giản biên chế có phù hợp với sứ mệnh trở thành đô thị thông minh mà TP Thủ Đức đang theo đuổi – tức vận dụng công nghệ để giảm bớt sức người trong công việc.

Bà Phan Trần Mai Phương (giảng viên khoa Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM) đồng tình với đề xuất kéo dài lộ trình giảm biên chế của TP Thủ Đức. Bà cho rằng chuyện tinh giản biên chế không thể làm “một sớm một chiều” mà phải thực hiện từng bước. Đương nhiên, song song đó TP Thủ Đức cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý.

Bà Phương nhìn nhận với quy mô dân số lớn, diện tích rộng, nếu TP Thủ Đức áp dụng quy định chung như hiện tại mà không có ngoại lệ, đặc thù, sẽ gây nhiều trở ngại cho cả cơ quan quản lý và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Người dân phải đến làm việc trực tiếp, “lên xuống” nhiều lần vì hồ sơ, giấy tờ có trục trặc.

“Đất rộng, người đông, nguồn lực quản lý có hạn, cách thức quản lý thủ công, công cụ quản lý truyền thống sẽ tạo áp lực trong khâu chuyển đổi và quản lý thông tin dân cư”, bà Phương nhận định.

Cán bộ tại TP Thủ Đức phải đối diện áp lực lớn khi khối lượng công việc tăng, nhân sự giảm, lương không đổi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đề xuất thêm giải pháp, chuyên gia cho rằng bên cạnh phân cấp quản lý giữa TP.HCM và TP Thủ Đức, cần có sự phân cấp giữa TP Thủ Đức và phường. Cấp phường cần được ủy quyền thêm nhiệm vụ, quyền hạn mà trước đây chưa có để san sẻ trách nhiệm, khối lượng công việc; thu hẹp khoảng cách địa lý, giảm thời gian, công sức cho người dân. Cách làm này vừa có thể áp dụng tức thời để khắc phục vấn đề trong giai đoạn chuyển tiếp, vừa đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm triệt để.

Giải pháp thứ 2 được chuyên gia đề cập là quản lý bằng tài khoản điện tử cá nhân. Cụ thể, các cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp cho mỗi người dân một tài khoản điện tử có mật khẩu; trong đó, cập nhật tất cả thông tin cá nhân như nhân thân, sức khỏe, bằng cấp… Người dân thực hiện tất cả thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến hoặc đặt lịch hẹn với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thắc mắc, khiếu nại, tố cáo.

“Sau khi thí điểm giải pháp này tại TP Thủ Đức, có thể nhân rộng ra TP.HCM và thậm chí cả nước. Chúng ta có thể nghĩ tới bầu cử, trưng cầu dân ý bằng tài khoản này. Đây là quá trình dày công, đòi hỏi nguồn lực, nhân lực, vật lực lớn, nhưng là việc cần làm với một thành phố phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ”, bà Phương nhận định.

Chuyển hoàn toàn dịch vụ công lên cấp độ 4

“Khoa học công nghệ là một trong những công tác quan trọng của thành phố năm 2021 nhưng không rầm rộ vì các sản phẩm chưa thật sự hoàn thiện”, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng thừa nhận.

Một trong những bước quan trọng đầu tiên của TP Thủ Đức trong cải cách hành chính là xây dựng phần mềm Giấy phép xây dựng trực tuyến. TP Thủ Đức hiện là địa phương đầu tiên tại TP.HCM thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn công tác cấp phép này qua phần mềm. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến, sau khi đạt yêu cầu thì thanh toán lệ phí và sẽ được trả giấy phép qua email.

Sau khi nhận kết quả, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẳng định người dân chỉ cần “in ra là xây” và không phải nhận bản giấy phép bằng giấy như thông thường.

Đây là sản phẩm mà TP Thủ Đức mất nhiều tháng để hoàn thành. Dù vậy, sau nửa năm triển khai, số lượng hồ sơ nhận và xử lý tương đối ít do người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với hình thức này. Bên cạnh đó, cán bộ làm thủ tục chưa linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ từ người dân.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch TP Thủ Đức. Ảnh: Chí Hùng.

“Thật sự khó khăn lắm. Chuyển đổi số đâu phải là phần mềm mà phải chuyển đổi số từ chính mình. Anh em trước giờ quen làm tờ giấy, ký nhanh, in cái rẹt rồi trình lãnh đạo, giờ phải thao tác trên phần mềm nên việc đầu tiên là vận động cán bộ có sự chuyển đổi”, ông Hoàng Tùng bày tỏ.

Năm 2022, mục tiêu hàng đầu của Thủ Đức là chuyển đổi số trong công tác của chính Thành ủy, UBND TP. Đến tháng 6, TP Thủ Đức sẽ hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi hoàn toàn các dịch vụ công lên cấp độ 4, trừ các loại giấy tờ phải trực tiếp ký nhận như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…

Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025, TP Thủ Đức cũng xây dựng đề án phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND và chủ tịch UBND 34 phường.

“Năm nay, từ cấp phường đến cấp thành phố sẽ chuyển đổi số 100%. Đây là sứ mệnh của TP Thủ Đức. Khi sáp nhập 3 quận, đầu mối công việc nhân 3 nhưng chưa có cơ chế chính sách gì mới thì phải cố gắng sáng tạo, cải thiện công việc đang làm để giải quyết nhanh, hiệu quả hơn”, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức chia sẻ.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều