+
Aa
-
like
comment

Người dân sống sát Hồ Bắc ‘nín thở’ chờ tỉnh mình bị phong tỏa

26/01/2020 16:47

Người dân ở Hồ Nam, giáp với Hồ Bắc, mong đợi các biện pháp cứng rắn hơn sớm được áp dụng, trong bối cảnh ngày càng nhiều thành phố chọn cách đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh.

Đi trong mưa phùn bên ngoài nhà ga đường sắt ở thành phố Trường Sa những ngày Tết, người dân địa phương nói việc họ sẽ bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của một chủng virus mới, tác nhân gây nên căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất Trung Quốc từ sau dịch SARS 2003, chỉ là vấn đề thời gian.

Trường Sa, nơi có 7 triệu dân, đang nằm ngoài khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh ở miền trung Trung Quốc, nhưng phạm vi phong tỏa đang không ngừng mở rộng. Chính quyền địa phương cố gắng ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh giống cúm bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán cách đó khoảng 355 km.

“Tôi không thể làm gì nhiều” Gần 2.000 người nhiễm chủng virus corona mới này, chỉ tính tại Trung Quốc, và ít nhất 56 người đã thiệt mạng. Hơn 10 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc (Vũ Hán là tỉnh lỵ tỉnh này) đã bị phong tỏa, và cư dân tỉnh Hồ Nam nói họ chấp nhận tình huống xấu nhất là họ cũng sẽ bị phong tỏa trong vài ngày tới.

Nguoi dan song sat Ho Bac 'nin tho' cho tinh minh bi phong toa hinh anh 1 nz_changsa_260120.jpg
Hành khách tại ga đường sắt Trường Sa, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Nam, vào ngày 25/1. Ảnh: AFP.

“Mối quan tâm đầu tiên của tôi là về bản thân tôi. Tôi lo lắng rằng tôi có thể nhiễm virus. Tôi cũng lo lắng cho những người ở Hồ Bắc”, Wang Junnan, nhân viên an toàn hàng không, 23 tuổi, sống tại thành phố Chu Châu – cách Trường Sa một giờ lái xe, nói với Reuters.

Gần như tất cả thành phố ở Hồ Bắc, nằm ở phía bắc tỉnh Hồ Nam, đã chặn các tuyến giao thông trong hai ngày qua sau khi Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân nơi bùng phát dịch bệnh, bị phong tỏa.

“Tôi không thể làm được gì nhiều. Tất cả những gì tôi có thể làm là đeo khẩu trang bất cứ khi nào có thể”, Wang nói. “Bạn khó có thể tìm thấy mặt nạ để mua tại thời điểm này”.

Một hiệu thuốc gần đó gần như đã hết hàng; nhân viên bán hàng nói họ chỉ còn lại một loại mặt nạ “rẻ hơn, ít hiệu quả hơn”.

Chủng virus corona mới có nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã. Đa số ca bệnh ở tỉnh Hồ Bắc, song tất cả tỉnh thành Trung Quốc, trừ khu tự trị Tây Tạng, đều đã có người nhiễm virus.

Các nhà báo của Reuters đã bị kẹt trong một thời gian ngắn tại thành phố Hàm Ninh, nằm cạnh Vũ Hán, khi thành phố đóng cửa các tuyến giao thông vào tối giao thừa (24/1). Bảng điện tử tại ga đường sắt của thành phố trống trơn, quầy vé có hai người phụ nữ nói rằng họ không thể bán vé.

Song chính quyền ở Hồ Bắc và Hồ Nam dường như chưa phối hợp để phản ứng đúng đắn trước cuộc khủng hoảng, khi đa số thành phố chọn cách đóng cửa bằng mọi giá.

Chấp nhận bị phong tỏa Cảnh sát Hàm Ninh kêu gọi các nhà báo của Reuters đi về phía nam đến thành phố Nhạc Dương ở tỉnh Hồ Nam, nhưng đường đến Nhạc Dương đã bị cảnh sát chặn lại và hàng chục ôtô cố rời khỏi Hồ Bắc cũng buộc phải quay đầu lại.

Tuy nhiên, trong những giờ đầu sáng 25/1, các tuyến đường vào Trường Sa, cách đó 200 km về phía nam, không bị chặn.

Nguoi dan song sat Ho Bac 'nin tho' cho tinh minh bi phong toa hinh anh 2 000_1OC1QY.jpg
Một chốt chặn của cảnh sát nhằm nhăn người dân rời khỏi Vũ Hán hôm 25/1. Ảnh: AFP.

Người dân cho biết họ mong đợi các biện pháp cứng rắn hơn sớm được áp dụng, trong bối cảnh ngày càng nhiều thành phố, nhà điều hành vận tải và doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc chọn cách đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus.

“Tôi thấy báo nói có người đã bị bắt hôm nay khi cố gắng rời khỏi Hồ Bắc và đến Hồ Nam bằng ứng dụng Didi và họ nên bị bắt”, Wang nói, đề cập đến ứng dụng gọi xe tương tự Grab, Uber.

“Những biện pháp này rất khó thực hiện, nhưng chúng cần thiết”, Wang nói.

Nhân viên khách sạn ở Trường Sa cũng nói với Reuters rằng họ đã nhận được chỉ thị không cho phép bất cứ ai từ tỉnh Hồ Bắc đặt phòng.

Peng Aihua, một ni cô Phật giáo 71 tuổi đi bên ngoài ga xe lửa Trường Sa, tỏ ra không quan tâm, mặc dù dịch bệnh đã lây lan khắp cả nước.

“Tại sao cái chết lại làm tôi sợ?”, bà nói. “Tôi chưa đến lúc chết đâu”.

Dịch bệnh bùng phát trong thời gian được cho là nguy hiểm nhất khi hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê đón Tết, bên cạnh hàng triệu người ra nước ngoài du lịch trong kỳ nghỉ kéo dài.

Dịch bệnh đã lan sang các khu vực khác ở châu Á, Mỹ, Australia và Pháp, với ít nhất 30 trường hợp được xác nhận tại các quốc gia này. Canada vừa xác nhận trường hợp đầu tiên.

Chủng virus corona mới khiến toàn thế giới lo lắng vì những đặc điểm tương đồng của nó với virus gây nên Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng (SARS) từng khiến hàng trăm người chết ở Trung Quốc năm 2002-2003.

Hôm 25/1, tức ngày đầu tiên của năm mới âm lịch tại Việt Nam, Trung Quốc và một số nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nước này đang đối mặt với một “tình huống nghiêm trọng” và việc ngăn chặn lây nhiễm virus phải là ưu tiên hàng đầu.

Trung Quốc sẽ thành lập một nhóm quan chức hàng đầu để đối phó với dịch, theo quyết định được đưa ra tại cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị nước này hôm 25/1. Nhóm này sẽ được Ủy ban Trung ương thành lập và do Thường vụ Bộ Chính trị chỉ đạo, theo truyền thông nhà nước.

Đông Phong/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều