Người dân nói sẽ quyết tử vì lãnh đạo phường và quận làm trái luật ép vào đường cùng
Ngày hôm qua bà Mạc Thị Tuyết, một người dân tại Tổ dân phố 17, phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng đã lên Facebook đăng status có nội dung vô cùng bức xúc: “chính quyền phường Đằng Hải, quận Hải An đã thông báo lệnh cưỡng chế đến gia đinh tôi vào ngày 20/9 tức thứ sáu này khi gia đình tôi đang khởi kiện việc làm trái pháp luật và không đúng thẩm quyền của họ, đủ thấy họ một tay che cả bầu trời !
Ps : họ cố tình làm trái pháp luật ép mẹ con tôi vào đường cùng chúng tôi sẽ quyết tử.”
Các chia sẻ trên trang cá nhân của bà Mạc Thị Tuyết có thể thấy người dân nơi đây đang vô cùng bức xúc và đã nhiều lần tố cáo các lãnh đạo Phường Đằng Hải cấu kết với Quận Hải An (Hải phòng) để cưỡng chế, giải tỏa đền bù sai pháp luật. Họ đã vẽ ra các dự án ma, dự án này chồng chéo dự án khác không đúng thẩm quyền, sai phạm trong quá trình thu hồi đất, vi phạm pháp luật khi quyết định cưỡng chế…
Bà Mạc Thị Tuyết bức xúc cho rằng, gia đình bà xây dựng, ăn ở ổn định từ năm 2000 được chính quyền các cấp đồng ý. Tại cuộc họp ngày 11/4/2018, tại Nhà văn hóa tổ dân phố 17, phường Đằng Hải giữa tất cả người dân, các phòng ban của phường đều xác nhận vào biên bản rằng, nhà bà Tuyết xây dựng từ năm 2000. Thế nhưng cán bộ phường Đằng Hải lại báo cáo sai sự thật với quận Hải An nhà của bà xây dựng từ năm 2005 là lấn chiếm. Bà Tuyết và các hộ dân bức xúc vì biên bản bị tự ý thay đổi. Đó là cách làm chèn ép người dân, khiến Quyết định ban hành nhưng sau đó UBND quận Hải An thay đổi khiến gia đình bà Tuyết bị gây khó khăn.
Bà Tuyết cho biết việc lập hồ sơ “khống” đất tại những dự án thu hồi của phường Đằng Hải rất rõ ràng.Thậm chí, có hộ lập lên để nhận tiền bồi thường tới 2, 3 lần. Trong khi đó thửa đất của gia đình bà Tuyết lại bị gây khó khăn, chưa nhận được bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
Việc nhà bà Mạc Thị Tuyết xây nhà từ năm 2000, trải qua mấy chục năm, đóng thuế đầy đủ, thì mới đây ngày 10/8/2019, cán bộ phường Đằng Hải nói rằng thực hiện chỉ đạo của quận Hải An lập biên bản vi phạm hành chính về việc lấn chiếm đất bàn giao văn bản cho nhà bà Tuyết. Bà Tuyết bức xúc cho rằng đó là việc làm rất vô lý, đẩy người dân vào bước đường cùng.
Hiện chỉ còn trường hợp nhà bà Tuyết tại khu đất trên trong khi việc tháo dỡ các công trình đã di dời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà bà Tuyết, khiến nhà bà Tuyết luôn trong tình trạng nguy hiểm. Theo bà Tuyết, gia đình bà với hoàn cảnh “mẹ góa, con côi” liên tục bị gây khó dễ khi điện, nước bị cắt, bị trục trặc mà không rõ lý do.
Một gia đình gần đó là bà Đỗ Thúy Nhường, sinh năm 1948, trú tại phường Đằng Hải cho biết: Không hề có dự án nào là Dự án Vườn ươm hay gì đó, giấy tờ của các cấp thì bị giấu nhẹm đi. Đây là dự án “ma”, dự án “vẽ” nhưng thu hồi đất, cưỡng chế nhà của người dân là thật. Tại đây sắp tới đất sẽ bị phân lô, bán nền cho một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại Hà Nội. Cách làm này rất vô lý, chúng tôi không thể chấp nhận kiểu “ngồi xổm lên pháp luật” như vậy của một số lãnh đạo địa phương”.
Bà Đỗ Thúy Nhường, bức xúc: “Dự án Khu vườn ươm sản xuất, nhân và lai giống cây trồng tại phường Đằng Hải là không có thật. Dự án này nhằm thu hồi cho doanh nghiệp là Công ty CP Anh Quốc, nhưng lộ rõ những sai phạm nên quận nhanh chóng xóa bỏ. Dù dự án đã bị xóa bỏ, nhưng đất của người dân, nhà của người dân vẫn bị cưỡng chế thu hồi. Đó là cách làm việc vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật”.
Theo bà Đỗ Thúy Nhường, nguyên nhân gia đình chính sách như gia đình bà phải “lang thang gầm cầu và đơn thư kéo dài”, vì căn nhà của gia đình bà xây từ đầu năm 2003, bỗng bị san phẳng vào 9/2018, mà không có quyết định cụ thể nào.
Được biết, trên mảnh đất này, đầu năm 2003, gia đình bà Nhường xây dựng 1 căn nhà cấp 4, với diện tích 55 m2. Ngày 9/8/2018, cán bộ phường Đằng Hải đã đập nhà của gia đình khiến bà Nhường rất bức xúc.
Bà Nhường cho rằng, dự án lập lên thu hồi đất của người dân không đúng quy định, nói là dự án Vườn ươm của Công ty Anh Quốc nhưng thực tế đây là “dự án ma”. Vẽ dự án nhằm trục lợi từ người dân và ngân sách Nhà nước với số tiền nhiều tỉ đồng, trong khi đó lãnh đạo quận này đang xây “biệt phủ”, sử dụng đất lấn chiếm…
Theo nhiều người dân nơi đây, dự án thu hồi đất tại đây đang trong tình trạng “loạn dự án”. Chính quyền cho rằng, đất của gia đình bà Tuyết thuộc dự án Khu đô thị mới ngã 5- sân bay Cát Bi. Nhưng dự án này lại có dấu hiệu sai phạm đặc nghiêm trọng vì đã thu hồi thêm 7 ha đất so với quyết định của Thủ tướng. Hiện nay, dự án này đã không thực hiện. Nếu tính cả diện tích ở khu đất này thì Dự án của Ngã 5 – sân bay Cát Bi bị khai khống lên tới hàng chục ha đất. Tại sao một dự án mà khắp nơi đều nói là thu hồi theo Dự án Ngã 5- Sân bay Cát Bi, đó là điều rất vô lý.
Dự án vườn ươm sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, được giao cho doanh nghiệp là Công ty CP Anh Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao phường, quận lại đi thu hồi đất hộ doanh nghiệp và ra quyết định cưỡng chế dân trong khi luật nêu rõ, nếu dự án kinh tế thì doanh nghiệp phải thực hiện thỏa thuận với người dân. Diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án này cũng không rõ ràng; thực hiện thu hồi xong giờ lại hủy hỏ…
Chưa hết, có thời điểm chính quyền cho rằng, người dân khu vực này nằm trong dự án bờ mương An Kim Hải và sẽ phải thu hồi đất. Trong khi đó bao năm nay, dọc khu vực này, cấp phường, quận đã cho dân xây nhà cao tầng san sát và không có con mương nào cả, thậm chí có nhà còn được cấp sổ đỏ(!?).
Tiếp đến là Dự án Nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà Tuyết cho rằng, nếu thu hồi đất làm đường thì cần phải thông báo rõ làm bao nhiêu m2 đường để mở rộng và thu hồi bao nhiêu m2 của người dân; không thể thu hồi toàn bộ diện tích đất của dân sau đó thì đem trồng cây xanh như các hộ dân liền kề gia đình bà. Hay dự án đường bộ lại được “vẽ” thành dự án đường cho sân bay để thu hồi đất của dân, cũng không phù hợp.
Được biết, ngày 16/10/2017, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 2661/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án. Với tổng mức đầu tư gần 375,5 tỉ đồng, tăng gần 65,5 tỉ đồng so với Quyết định số 739/QĐ- UBND ngày 13/5/2016. Ông Đỗ Anh Phong, Tổ trưởng Tổ dân phố 17 cho biết, dự án có quá nhiều sai phạm, đầu tiên là việc áp giá đền bù đất không tuân theo quy định pháp luật mới đầu là 20.000 đồng/m2, sau đó khi người dân ý kiến thì lập tức giá được đền bù lên tới hơn 21,7 triệu đồng/m2.
Ông Đỗ Anh Phong cho biết, các dự án thay thế nhau ra quyết định kiểm kê, thu hồi đất, nhưng lại không có quyết định dừng dự án. Tháng 6/2018, UBND quận Hải An ra Quyết định 1080 để điều chỉnh dự án, nhưng lại nói là Quyết định này thay thế và hủy bỏ Dự án Ngã 5 – sân bay Cát Bi, điều này là sai với Phát luật quy định, bởi vì chỉ có UBND TP. Hải Phòng mới có quyền hủy bỏ quyết định của dự án của Thành phố đã ra.
Quận Hải An thực hiện không thực hiện đúng trình tự pháp luật khi thu hồi đất, kiểm kê có nhiều sai phạm dẫn đến đất đô thị bị biến thành đất nông nghiệp, việc áp giá và kiến trúc cũng sai pháp luật, không tổ chức xác định ranh giới thửa đất, không công khai bản vẽ chi tiết mương An Kim Hải nhưng lại đưa ra kết luận nhiều hộ dân vi phạm vào hành lang mương. Rồi cả việc một khu đất nhưng lại được kiểm kê, lập phương án bồi thường tới 2 lần là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Thậm chí trong quá trình bồi thường, khu đất nhà này nhưng lại bồi thường nhà khác như trường hợp của bà Mạc Thị Tuyết.
Bà Mạc Thị Tuyết cho biết, “nhà tôi là lô 27, nhưng khi tôi yêu cầu cho tôi cái văn bản thì họ đưa tôi văn bản lô 27 đây, tôi đang sử dụng và đóng thuế đầy đủ, hợp pháp. Thì họ lại nói là đất nhà tôi đã được đền bù rồi. Tôi yêu cầu đưa văn bản thì đến tháng 11 họ đưa tôi văn bản lại là lô 28 của ông Đỗ Tuấn Phong. Họ nói nhà tôi là lấn chiếm, nên họ nói là chỉ đền bù 30% vật chất và kiến trúc xây dựng, không có đất tái định cư”.
Cụ thể, tại bản đồ giải thửa tháng 4/1995 của xã Đằng Hải ghi nhận thửa đất số 27 242 và số 28 có tồn tại trên thực tế. Phường Đằng Hải trước đây thừa nhận tính pháp lý các thửa đất trên, bản đồ cũng được Chủ tịch UBND phường hiện tại ký chứng thực. Nhưng, thời điểm hiện tại, quận Hải An lại cho rằng, thửa đất nhà bà Mạc Thị Tuyết là lấn chiếm sử dụng vào thửa đất của ông Đỗ Tuấn Phong. Trong khi thửa đất của ông Đỗ Tuấn Phong được ghi là thửa đất 28 101. Bà Tuyết bức xúc, “không thể tên thửa đất này lại cắm thành tên thửa đất khác theo kiểu kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đó là điều quá vô lý và đó là cách làm “kiếm cớ, cố tình chiếm đoạt tài sản của người dân”.
Bà Mạc Thị Tuyết cho biết, Báo cáo số 48/BC-UBND ngày 10/4/2018 của UBND phường Đằng Hải cũng là báo cáo khống, trong Báo cáo có 10 hộ dân và 2 tổ chức, trong đó nhà tôi nằm trong 10 hộ dân này, nhưng quận lại không chi trả cho nhà tôi, còn 2 tổ chức này là không có trên thực tế, nhưng lại chi trả, bồi thường khống đây, để lấy tiền của nhà nước đây. Khi nhà không có tại dự án lại báo cáo thành có để lấy tiền bồi thường, rút ruột ngân sách, khiến người dân rất bức xúc.
Bởi thực tế nhà xưởng của Lữ đoàn 602 mới làm từ năm 2015, không phải là 2003 như báo cáo và Công ty TNHH MTV không có trên thực tế. Việc xác định thời điểm xây dựng nhà, vật kiến trúc trên diện tích đất dự án nêu rõ số thứ tự số 1, số 12 của thửa đất của Lữ đoàn 602 và Khu vực có lán trại theo người dân là báo cáo “khống” cả về diện tích lẫn thực tế. Họ cho rằng, những chủ thể này đã di dời từ năm 2005, nhưng báo cáo xác minh vẫn được đưa vào danh sách năm 2018 của UBND quận Hải An.
Đến ngày 10/4/2018, Báo cáo số 48/BC UBND của phường Đằng Hải dựa vào văn bản của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hải An xác định tiếp thời điểm xây dựng nhà, vật kiến trúc trên diện tích đất thu hồi của dự án vẫn nêu rõ các thửa đất số thứ tự 1, 12. Nhưng điều vô lý ở đây là báo cáo được lập trước khi xác minh và tổ chức họp dân ở thời điểm hiện tại. Như vậy cách làm việc ở đây có đi ngược lại với quy trình pháp luật?. Chính điều đó gây lên sự bức xúc của người dân và bà Tuyết cho rằng, đó là cách làm việc “lạm dụng chức vụ quyền hạn, tự ý ấn định các thửa đất, đi ngược lại quy định của pháp luật”.
Nhiều người dân bức xúc cho biết, quá trình thực hiện dự án tại đây sai phạm chồng sai phạm. Từ việc “vẽ dự án” cố tình thu hồi đất của người dân, đến việc báo cáo khống đất quốc phòng để trục lợi, tự ý thay đổi văn bản làm sai lệch hồ sơ, dung túng cho xây dựng trái phép, mỗi ngày ra một phương án đến bù khác nhau …. Một số cán bộ, lãnh đạo quận này “trục lợi” có nhiều diện tích đất, nhà “biệt phủ” rộng hàng nghìn m2, khu văn hóa tâm linh…
Thậm chí, việc “vẽ dự án” chỉ nhằm thu hồi đất của người dân. Như Dự án đường giao thông khác mức giữa Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, do Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư phát triển đô thị thực hiện, Công ty này thực hiện rất nhiều dự án tại Hải Phòng và nhiều dự án có dấu hiệu sai phạm kéo dài, mà mới đây Bí thư Thành Uỷ Hải Phòng kiến nghị xử lý hình sự trách nhiệm của công ty này trong Dự án đường 100 m Lạch Tray – Hồ Đông.
Lãnh đạo chính quyền nói gì ?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hải An cho biết: Việc người dân ý kiến là quá nhiều dự án được thành lập trên một khu đất chỉ nhằm mục đích thu hồi đất của người dân thì ông không biết. Quá trình làm việc ông chỉ thấy có hai dự án: Một là dự án Ngã 5- sân bay Cát Bi và mới đây là dự án mở rộng nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
14h, ngày 15/7/2019, ông Nguyễn Văn Quảng, Chánh Thanh tra quận Hải An và ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, việc cán bộ phường thừa nhận có sự việc lập hồ sơ khống thì đó là việc của phường và quận sẽ kiểm tra lại. Còn đối với phản ánh phường tự ý thay đổi biên bản dẫn đến việc thiệt thòi cho người dân thì đó là trách nhiệm của quận. Đối với hai tổ chức mà người dân tố cáo là khai khống thì hai ông phủ nhận sự việc này… Và hai ông thông tin rằng, nhà bà Mạc Thị Tuyết là đất lấn chiếm.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Long Hưng, Chánh văn phòng UBND quận Hải An cho biết sẽ tổ chức cưỡng chế đất của gia đình bà Mạc Thị Tuyết trong tháng 9. Đối với các dự án trên cùng một khu đất như: Dự án Vườn ươm bị phản ánh là “dự án ma” và có bồi thường với một số hộ dân nhưng chưa thỏa đáng thì ông Hưng không trả lời.
Trước những ý kiến của người dân, ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Đằng Hải yêu cầu cán bộ phường chỉ tận nơi các chủ thể có trong báo cáo. Mặt khác, ông Bùi Văn Luyện, cán bộ quản lý môi trường đô thị thuộc phường Đằng Hải cho rằng, việc khai khống hồ sơ mà người dân tố là đúng sự thật.Làm gì có nhà 872, không có. Vậy, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trong việc khai khống hồ sơ, trục lợi hàng tỉ đồng từ ngân sách sẽ thuộc về cá nhân hay nhóm “lợi ích” nào?
Người dân tố chính quyền địa phương lừa đảo
Ngoài ra, các hộ dân trú tại Khu 5 Lũng Đông, phường Đằng Hải, quận Hải An, Tp. Hải Phòng bức xúc về việc diện tích hàng ha đất của người dân tại xứ đồng Cây Lim bị thu hồi đất từ năm 2003, theo quyết định của UBND Tp. Hải Phòng và Thành phố cam kết sẽ tái định cư tại chỗ cho người dân tại phường Đằng Hải. Và người dân bị thu hồi đất, đóng thêm tiền để được tái định cư… người dân thực hiện đầy đủ, việc thu tiền có dấu của UBND cấp chính quyền địa phương.
Thế nhưng, oái ăm thay hàng chục năm người dân không nhận được đất. Nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo Tp. Hải Phòng, quận Hải An, phường Đằng Hải hứa hẹn nhiều lần, ra văn bản cam kết nhiều lần nhưng đều không thực hiện. Khiến người dân rất bức xúc và coi đó là sự “lừa đảo trắng trợn”.
Ông Lương Xuân Dựng, sinh năm 1956, trú tại phường Đằng Hải cho biết gia đình ông bị thu hồi 760 m2 đất tại xứ đồng Cây Lim để thực hiện dự án nhưng người dân tại đây không rõ là thu hồi đất để thực hiện dự án gì, mục đích gì.. chỉ biết là bị thu hồi và được bàn giao đất theo quyết định 884/QĐ-UB ngày 24/04/2003 của UBND Tp. Hải Phòng. Việc thu hồi đất của gia đình ông được hưởng quyền lợi là UBND phường Đằng Hải sẽ cấp 1 lô đất cho gia đình ông để làm nhà ở theo diện tái định cư. Và gia đình ông phải đóng thêm một khoản tiền là 65,2 triệu đồng, số tiền đó sử dụng vào các việc như: cấp quyền sử dụng đất cho gia đình ông với tiền phí là 12 triệu đồng, tiền góp vốn xây dựng địa phương là 2 triệu đồng, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng là 36,8 triệu đồng và tiền đền bù hoa màu 14,4 triệu đồng.
Thế nhưng việc đóng tiền mua tái định cư đã gần 20 năm, nhưng bàn giao đất cho ông chưa thực hiện, còn tại khu đất người dân bị thu hồi đã có hàng loạt các căn nhà được xây dựng lên, đất đã bị phân lô, bán nền…
Hiện nay, các hộ dân tại đây vẫn còn nhiều ý kiến liên quan đến các dự án mà theo người dân đó là “dự án ma”, không có thực. Việc “vẽ dự án” chỉ nhằm mục đích thu hồi đất của người dân.
Có thể thấy các vấn đề mà người dân đang bức xúc và chính quyền nơi đây có nhiều việc làm khuất tất mang tính hệ thống. Đề nghị các cơ quan chức năng TP Hải Phòng sớm làm rõ những phản ánh của người dân. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của Ủy Ban kiểm tra Trung Ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ những khuất tất nơi đây.
Nguyễn Anh (Nguồn tin bài, hình ảnh từ Nhóm PV NGÀY MỚI ONLINE/Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam)