+
Aa
-
like
comment

Người dân mua phải kit xét nghiệm giá cao có được trả lại tiền chênh lệch?

22/12/2021 10:46

Trong trường hợp tính giá xét nghiệm là không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại đến người dân thì người dân có được quyền nhận lại số tiền chênh lệch, hay hoàn tiền hay không?

Vụ 'thổi giá' kit xét nghiệm: Người dân có được trả lại tiền chênh?
Người dân có được hoàn lại khoản tiền đã bị “móc túi” do tiền hoa hồng trong mua bán kit test?

Vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hải Dương đang được Cơ quan CSĐT mở rộng. Vụ án này đặt ra một tình huống pháp lý là người dân đã được xét nghiệm Covid-19 với mức giá “trên trời” thuộc phạm vi vụ án có được trả lại số tiền chênh lệch hay không?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động xét nghiệm là dịch vụ y tế phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận. Pháp luật cũng quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ y tế.

Trong trường hợp cơ sở y tế xác định giá dịch vụ không đúng theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ thì đơn vị cung cấp dịch vụ y tế có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Tất cả những vấn đề này phải tuân thủ các quy định của Luật Khám chữa bệnh và các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh để xác định hoạt động xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm và các vấn đề khác có liên quan.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Trong trường hợp có gian dối, thực hiện không đúng thủ tục, xác định không đúng giá dẫn đến thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì bên gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Bộ luật Hình sự quy định trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính thì phải giao nộp số tiền đó để trả cho người bị hại. Bởi vậy trong vụ án hình sự xảy ra tại CDC Hải Dương, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc xác định giá bộ kit test xét nghiệm Covid-19 để tiến hành xét nghiệm cho người dân có đúng pháp luật hay không, số tiền mà người dân phải chi trả có vượt quá cách tính giá theo quy định pháp luật hay không, các bị can, bị cáo có thu lợi bất chính hay không… Nếu trong dịch vụ y tế đó có gian dối, xác định không đúng giá dịch vụ, có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng cũng sẽ buộc các bị can, bị cáo, các cơ quan tổ chức đang chiếm giữ số tiền đó phải trả lại tiền cho các nạn nhân”.

Hai bị can Phan Quốc Việt Tổng giám đốc Cty Việt Á (phải) và Phạm Duy Tuyến Giám đốc CDC Hải Dương.

Cụ thể là vụ án hình sự xảy ra tại CDC Hải Dương, luật sư Cường cho rằng quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền thu lợi bất chính và xác định số người đã phải nộp số tiền đó để trả lại cho người bị hại.

“Trong trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy việc tính giá xét nghiệm là không đúng pháp luật, số tiền những người tham gia xét nghiệm phải nộp vượt quá số tiền nhà nước quy định thì những người xét nghiệm được nhận lại số tiền vượt quá này”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Do đó, cơ quan điều tra sẽ tính toán xác định hành vi vi phạm, xác định những thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, tổ chức, cá nhân làm căn cứ để tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp kết quả điều tra, truy tố, xét xử cho thấy việc tính giá xét nghiệm là không đúng pháp luật, đã gây thiệt hại đến những người tham gia xét nghiệm thì những người tham gia xét nghiệm được quyền yêu cầu hoàn lại số tiền cho họ.

Vụ 'thổi giá' kit xét nghiệm: Người dân có được trả lại tiền chênh?
TS luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Trước đó, ngày 19/12/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng gồm: Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo – Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo – Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng – nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường – nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Phan Quốc Việt đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, C03 làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỉ đồng.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều