Người dân lo lắng vì thủy điện xả tràn trong đêm
Bão số 9 vừa qua chỉ vài giờ, lũ từ thượng nguồn tràn qua huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đạc bị lũ nhấn chìm.
Sáng 29/10, tuyến đường đắc địa quốc lộ 14B nối trung tâm huyện Đại Lộc với các xã Đại Hòa, Đại Cường… vẫn bị ngập chìm trong nước lũ.
Ngay khi tuyến đường này bị ngập, lực lượng công an đã dựng rào chắn cấm người dân qua lại. Tuy nhiên, trong sáng nay, hàng trăm người vẫn tập trung phía hai đầu đường chờ nước rút để di chuyển.
Tuyến đường này có khoảng 200m bị ngập sâu khoảng 50cm, dòng nước đục ngầu, chảy xiết nên việc di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ qua đoạn đường này rất nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Hồng (người dân huyện Đại Lộc) cho biết, chị đến xã Đại Hòa thăm người thân xem có thiệt hại gì sau cơn bão số 9 hay không, tuy nhiên do đường bị ngập nên chị đã chờ gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa thể đi.
Khoảng 10h trưa cùng ngày, lượng nước từ thượng nguồn về giảm, lực lượng chức năng đã dỡ rào chắn cho người dân lưu thông trở lại.
Theo người dân xã Đại Hòa, dù ảnh hưởng của bão nhưng lượng mưa tại địa phương này không lớn. Đến 19h tối, nước bất ngờ từ thượng nguồn theo các con sông Vu Gia, Thu Bồn đổ về rất lớn gây ngập lụt trên diện rộng.
“Từ năm 2017 trở lại đây tôi mới thấy lụt lớn như thế. Lũ về bất ngờ tràn vào nhà gần 1m, may mắn tôi sớm kê cao tài sản nên không thiệt hại gì nhiều” – người dân này nói.
Chiều 29/10, dọn dẹp lại sân vườn sau khi lũ rút, anh Nguyễn Đình Tám (thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng) bàng hoàng kể, lũ đổ về rất mạnh, chảy xiết cuốn trôi cây cối ngoài vườn. Phía trong nhà tôi chỉ kịp di dời các đồ vật thiết yếu lên cao. Những đồ đạc khác không kê kịp bị nước lũ nhấn chìm, hư hỏng….
Từ xã Đại Đồng ngược lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng bề mặt của tuyến đường DT 609 chìm ngập rác thải và bùn đất do nước lũ tràn qua. Hàng loạt cây cối ngã đổ trơ gốc, các ngôi nhà nằm ven sông Vu Gia sau khi lũ rút còn để lại ngấn nước cao từ 1 đến 1,5m.
“Lũ về bất ngờ là do các nhà máy thủy điện xả lũ. Nước lũ dâng rất nhanh và đến khoảng 4h sáng cùng ngày cơ bản rút hết” – ông Nguyễn Văn Tam (trú xã Đại Đồng) nói.
Nước lũ cơ bản đã rút
Ông Hồ Ngọc Mẫn Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Đại Lộc lũ cơ bản đã rút, riêng còn 3 thôn tại xã Đại Cường vẫn còn cô lập do khu vực này trũng, thấp.
“Sau khi bão số 9 tan, theo thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và thông báo của hồ chứa Đăk Mi 4 thì do xả lũ lưu lượng tương đối lớn nên vùng hạ du huyện Đại Lộc ngập sâu, nhiều nơi ngập trên 2m.
Huyện Đại Lộc nằm trong rốn lũ của các nhà máy thủy điện như A Vương, Sông Bung, Đăk Mi 4″ – ông Mẫn nói.
Cũng lời ông Mẫn, đợt lũ lụt lần này người dân có phần bất ngờ, song, do chính quyền chủ động sơ tán người dân ở các vùng thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt cao nên không ảnh hưởng tính mạng của người dân.
Theo đó, để đối phó với cơn bão số 9, đến chiều ngày 27/10, UBND huyện Đại Lộc đã chủ động sơ tán hơn 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 dân. Người dân đi sơ tán chủ yếu ở các vùng trọng điểm thường xuyên ngập lụt như các xã Đại Lãnh, Đại Cường, Đại Phong, Đại Hưng.
“Đợt xả lũ lần này bị động, trong lúc bão vừa tan, người dân chưa kịp khắc phục hậu quả thì nhà máy đã xả lũ gây lo lắng cho người dân” – ông Mẫn nói.
Ngày 28/10, theo thông báo của Công ty cổ phần thủy điện Đăk Mi về việc vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2), thì 15h30 chiều 28/10 xả tràn 11.400 m3/s.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết, thời điểm phía thủy điện này xả tràn nhất là trên 7.000m3/s. Khi lũ tại huyện Đại Lộc vượt mức báo động 3, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo công ty thủy điện phải điều tiết giảm xuống lần lượt 4.000m3/s và sau đó là 2.000m3/s.
Lê Minh/VNN