Người dân lo lắng thổi nồng độ cồn có thể lây virus Corona: Cục CSGT nói gì?
Những thông tin về dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang khiến dư luận xôn xao. Người dân đã đổ xô đi mua khẩu trang, nước sát khuẩn để phòng, ngừa dịch. Mạng xã hội cũng không ít những lời bàn nhau là dù có được CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn cũng không nên thổi vì có thể lây nhiễm virus.
Trước thông tin “CSGT dùng ống thổi một lần khi đo nồng độ cồn”, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi và lo lắng cho sự an toàn của người dân thổi nồng độ cồn và bản thân các CSGT làm nhiệm vụ khi phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm virus corona rất cao: “Ai thay ống thổi, quy trình thay có đảm bảo vệ sinh không (cùng bàn tay đó, vừa tháo ống thổi của người trước ra, lại bàn tay đó nắp ống mới vào thì chẳng có ý nghĩa gì)? Cảnh sát không có chuyên môn về y tế phòng dịch nên không thể đảm bảo”, anh Nguyễn Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Mặc dù rất ủng hộ Nghị định 100 về vấn đề xử lý triệt để việc sử dụng bia, rượu khi lái xe. Nhưng anh Vũ Khiêm (Hà Đông, Hà Nội) vẫn tỏ ra băn khoăn: “Cũng phải thừa nhận một điều, cảnh sát nào cầm máy đo nồng độ cồn để kiểm tra cũng phải rất gan dạ vì một ngày không biết phải tiếp xúc với bao nhiêu người? Tôi thấy nên có thêm kiến nghị nữa rằng mỗi lần tài xế cầm máy để đo thì cũng nên xịt khử trùng qua cái máy đấy luôn chứ không phải mình cái ống thổi. Nghiên cứu cho biết chủng mới của virus corona vẫn có nguy cơ truyền nhiễm qua đường phân – miệng nhất định, ngoài việc lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc”.
“Vấn đề ở đây không phải thay ống thổi là xong mà nó còn lây lan qua tuyến nước bọt khi người vi phạm thổi nồng độ cồn. Dù thay đổi ống thổi nhưng nếu người sau cầm máy để thổi vô tình chạm phải nước bọt của người trước đã thổi trước đó rồi lỡ tay chạm lên mặt cũng sẽ bị dính virus corona.”, anh Hùng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội nói.
Trong tình hình bệnh dịch đang nguy cấp như bây giờ, không hiểu sao vẫn phải cố để kiểm tra nồng độ cồn làm gì? Tạm dừng một thời gian đâu có gì là quá đáng lo ngại, việc phòng dịch mới là điều đáng quan tâm nhất. Không thể phó thác tất cả cho mỗi cái ống thổi dùng một lần, còn bao nhiêu thứ liên quan nữa?
Một số địa phương còn có tin đồn, CSGT ngưng thổi nồng độ cồn do có khả năng lây nhiễm virus Corona. Tuy nhiên, đây chỉ là những tin thất thiệt.
Không có lý do để “chùng” xuống
Cục Cảnh sát giao thông vừa ra công điện, yêu cầu CSGT, công an các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra.
“Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện”, công điện nhấn mạnh.
Theo đó, CSGT cả nước phải tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, chú trọng vào các phương tiện vận tải hành khách, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp chở người nhập cảnh, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Phối hợp với ngành y tế và các lực lượng chức năng kiểm soát, phòng chống, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, tập trung xử lý đối tượng vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn giao thông.
Quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Trước băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua kiểm tra nồng độ cồn, một số ý kiến đề xuất tạm dừng việc kiểm tra nồng độ cồn. Cục CSGT cũng đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có ý kiến chính thức nêu việc sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở theo nguyên tắc mỗi người sẽ dùng một một ống thổi riêng, sau khi thay ống thổi mới thì sẽ không còn tồn lưu khí thở của người cũ trong thiết bị nữa. Vì vậy, thực hiện theo đúng quy trình thì sẽ không có nguy cơ bị lây nhiễm vi rút từ người này sang người khác.
Chia sẻ tại một buổi họp trực tuyến mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội – người liên tục “chiến đấu” để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được ban hành cũng chia sẻ, rất nhiều ý kiến mong muốn Luật này đi vào cuộc sống.
Lo ngại dịch bệnh lây lan là nỗi lo chính đáng, nhưng nếu nhìn vào mức độ thiệt hại về người do TNGT gây ra mỗi năm làm chết hơn 7.600 người, mỗi tháng làm chết hơn 600 người thì ở góc độ nào đó, TNGT còn đáng lo ngại hơn cả dịch bệnh. Hơn nữa, đó lại là một loại “dịch bệnh” đã tồn tại nhức nhối hàng chục năm nay.
Nó nguy hiểm hơn nữa bởi đã từng tồn tại trong sự bàng quan, thậm chí chấp nhận của một bộ phận người tham gia giao thông, trái ngược hoàn toàn với tinh thần cảnh giác, đề phòng, sốt sắng của người dân trước những con virus.
Và ngay cả khi các kết quả bước đầu về thay đổi trong lựa chọn phương án giao thông của người dân là rất khả quan, nhưng một tháng vẫn là quá ngắn ngủi để thay đổi thói quen cố hữu trong việc rượu bia rồi lái xe, là chưa đủ để tạo lập bền vững hành vi an toàn cho người tham gia giao thông – nhất là nhóm người lâu nay thường xuyên bia rượu.
Và kết quả của một tháng vẫn là quá mong manh trong một cuộc chiến đầy cam go. Mọi thứ hoàn toàn có thể trở về vạch xuất phát, thậm chí tệ hơn, nếu “cuộc chiến” này chùng xuống.
Và bởi vậy, không có lý do gì để ngừng thổi nồng độ cồn, ngừng ngăn chặn và xử lý các vụ tai nạn được báo trước do “ma men” gây ra, một khi sự bình an của mỗi gia đình, sự trật tự an toàn của xã hội vẫn là mục tiêu nhân văn mà chúng ta hướng tới.
Quỳnh Quỳnh