Dân Đồng Tâm không bao giờ quay lưng với người bảo vệ mình
Khi điểm nóng Đồng Tâm âm ỉ cháy suốt 2 năm qua vốn được xem đã tháo ngòi trong sự hòa hợp của chính quyền và người dân; 14 hộ có tranh chấp với khu đất thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng đã nhận tiền đền bù, dân và quân đang cùng chung tay xây dựng bức tường rào. Ấy vậy mà tại sao, bom lại nổ, máu đã đổ. Màu cờ đã quá đỏ thẩm không thể đỏ hơn nữa!…
Năm 2017, cả nước bàng hoàng khi nghe người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức bắt giữ 38 người gồm công an, nhà báo và người của chính quyền làm con tin. Và tất nhiên không phải ngẫu nhiên họ có thể liều lĩnh làm một việc trái pháp luật nghiêm trọng như thế nếu như những thắc mắc khiếu nại về việc tranh chấp đất đai không hồi đáp.
Tranh chấp này xuất phát từ mâu thuẫn giữa Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương và người dân từ những năm 1989. Mặc dù, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận 50 ha đất ở Đồng Tâm là thuộc về diện tích đất quốc phòng, thế nhưng khi thực hiện giao khoán đất cho chính quyền xã Đồng Tâm thì Lữ đoàn 28 lại không nói rõ vấn đề này cũng như thực hiện việc di dời những hộ dân đã làm ăn tại khu đất này từ trước năm 1980. Có lẽ vì vậy, mới có chuyện những hộ dân này ngộ nhận coi đây là tài sản, nên thực hiện xây dựng các công trình trái phép, lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng. Từ đời này qua đời khác, mảnh đất ở khu vực tranh chấp này đã “vô tình” trở thành tài sản quý giá đối với họ. Vậy nên, khi năm 2015 Bộ Quốc phòng cho thu hồi trên 50 hecta đất quốc phòng giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, người dân họ mới phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, khi họ làm đơn khiếu nại để thể hiện sự thắc mắc của mình thì lại gặp sự chối quanh của chính quyền địa phương. Bởi những người lãnh đạo nơi đây sợ phải nhận trách nhiệm trong việc tự ý phân lô bán đất, thiếu trách nhiệm trong việc cấp sổ quản lý đất đai của nhà nước. Sự trốn tránh suốt 2 năm ròng khiến người dân bị khủng hoảng niềm tin. Mà nghiêm trọng nhất là không chỉ ở 14 hộ dân có tranh chấp trong khu đất này mà những người dân khác ở xã Đồng Tâm cũng rơi vào tâm lý này. Khi niềm tin không còn, những khiếu nại chính đáng bị chối bỏ thì cũng là lúc 38 người bị bắt làm con tin chỉ để mong một lần được đối thoại.
Rất vui vì trong thời điểm đó, lực lượng công an bị bắt giữ đã “ngoan ngoãn” trở thành con tin của người dân. Họ đã lựa chọn không bắn vào nơi mình đã đi ra và không bỏ trốn, mặc dù tôi biết với nghiệp vụ đã được đào tạo họ dư sức làm điều đó. May mắn hơn nữa, là đối thoại đã thành công, 38 con tin đã được thả và người dân được thở phào trong những ngày gồng mình đóng vai “Chí Phèo” đương đại. Chứng kiến cảnh người dân và những người bị giữ chia tay nhau nên tôi hiểu chẳng ai muốn chống đối chính đồng bào mình cả.
Và rồi 2 năm sau, khi điểm nóng ở Đồng Tâm tưởng chừng đã được hạ nhiệt, những khúc mắc tưởng chừng đã dần được tháo bỏ. 14 hộ dân có tranh chấp tại khu đất này đã vui vẻ nhận tiền đền bù, dân quân đã một lòng chung tay xây dựng hàng rào thì một lần nữa ngọn lửa ở Đồng Tâm lại bị thổi bùng. Theo những nhiều nguồn tin cần được kiểm chứng thì đau xót hơn lần trước khi trong sự việc này đã có sự hy sinh của 5 chiến sĩ công an và một đối tượng. Đối thoại trở nên vô ích, những lời kêu gọi trở nên bất lực trước những đối tượng quá khích. Máu đã đổ ở Đồng Tâm trong những ngày kề cận Tết này là một sự đau xót quá và mất mát quá lớn. Ai là nguồn cơn gây nên sự đau đớn tột cùng này?
Theo tôi nguyên nhân lớn nhất là việc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã không thể xử lý triệt để được những hòn than vẫn âm ỉ cháy ở Đồng Tâm. Và rồi nó đã được nhóm ông Lê Đình Kình “thổi” suốt 2 năm qua chờ đợi một cơn gió nhỏ là sự việc xây tưởng rào để bùng phát trở thành ngọn lửa hung dữ cướp đi tính mạng 4 con người. Tôi rất tôn trọng người lớn tuổi và cũng luôn đứng về phía người dân, thế nhưng những hành động của ông Kình đã khiến tôi phải đặt ra nhận định như vậy.
Tại sao một người đã lớn tuổi không có liên quan gì đến lợi ích và cũng như trong 14 hộ gia đình có tranh chấp tại khu đất này lại có thể liên tục lên tiếng chống đối như thế ròng rã suốt 2 năm như thế? Cứ coi như vì cộng đồng vì xã hội, vì tình làng nghĩa xóm, thế nhưng tại sao khi 14 hộ dân đã nhận tiền đền bù trong vui vẻ rồi mà nhóm người của ông Kình vẫn ngang nhiên lên mạng livestream tuyên bố đã chuẩn bị đủ vũ khí để giết 300, 500 người nếu dám xuống Đồng Tâm xây hàng rào sân bay?
Và tôi tự hỏi lãnh đạo địa phương ở đâu, quản lý như thế nào mà để ông Lê Đình Kình có thể ngang nhiên nuôi 20 kẻ nghiện ngập suốt 2 năm qua? Để rồi để chính những kẻ nghiện ngập này đã tấn công khiến cho những chiến sĩ công ta đã phải hy sinh ở tuổi đời còn quá trẻ. Ai phải chịu trách nhiệm cho những mất mát không thể kể xiết này?
Từng bước ra từ làng quê, nơi những người dân chia nhau củ sắn, giúp nhau tấm chăn, tôi tin chẳng có người dân ở Đồng Tâm nào lại mong muốn có 6 mạng người ngã xuống mảnh đất của họ hôm nay. Cũng chẳng có ai đồng ý tấn công vào đồng bào mình như việc làm của nhóm người do ông Lê Đình Kình cầm đầu cả.
Tất nhiên những kẻ mang danh vì dân mà lại tàn sát những người bảo vệ họ thì phải chịu trách nhiệm trước hành vi dã man của mình. Và người dân Đồng Tâm vô tội, những chiến sĩ ngã xuống cũng vô tội nhưng chính quyền địa phương không thể thoát khỏi trách nhiệm trong việc quản lý của mình.
Lữ Khách
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)