Người dân Đồng bằng sông Cửu Long “gồng mình” trong hạn mặn kỷ lục
Hạn mặn năm 2020 đang diễn ra gay gắt chưa từng có trong lịch sử, mặc dù đã được cảnh báo sớm song người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang phải “gồng mình” trước cơn khát nước ngọt nặng nề chưa từng có trong lịch sử.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, kể từ ngày 16/2 nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa hơn đỉnh điểm trận hạn mặn lịch sử năm 2016. Nguyên nhân được xác định không chỉ là do thời tiết cực đoan El Nino, mưa ít, đầu nguồn sông Mekong thiếu nước trầm trọng. Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng hạn mặn mà nguyên nhân chính đến từ tác động tài nguyên nước xuyên biên giới, những bất cập nội, ngoại vùng ĐBSCL làm phá vỡ mối quan hệ sông-biển.
Trước đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay ở ĐBSCL đã được dự báo từ giữa năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại cho thấy, hạn, mặn đang diễn ra gay gắt khiến một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của 7 tỉnh ven biển ĐBSCL và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Ghi nhận thực tế tại Cống Nàng Âm, cặp sông Cổ Chiên ở Vũng Liêm, giáp với tỉnh Trà Vinh, đây là nơi có độ mặn cao nhất trong những ngày qua và vượt mức lịch sử năm 2016.
Cụ thể, nếu độ mặn lịch sử năm 2016 là 9,6‰, thì độ mặn đo được vào cuối năm 2019 là 10,4‰. Những ngày qua, người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn, kênh rạch kiệt nước không đủ tưới tiêu.
Trồng cây chịu hạn
SIWRR khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa vào bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh và cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần phải xem xét, lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. Về lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt chủ động cho các vùng xa.
Tiểu Thúy/KTDT