Người dân có thể ngồi nhà tự đăng ký tiêm vaccine Covid-19 từ 10-7
Từ mai, 10/7, người dân có thể đăng ký online để được tiêm vaccine Covid-19 thông qua ứng dụng SSKĐT hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc
Bộ Y tế cho biết, ngày mai 10/7, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid – 19 toàn quốc.
Theo đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 Quốc gia được cho là có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng của Việt Nam. Chiến dịch sẽ diễn ra tại 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng.
Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhấn mạnh: “Chúng ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân, hoặc có thể sang đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra mục tiêu đến năm 2023 đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đây là yêu cầu rất lớn trong khi các nước khác là trong năm 2022 và đầu 2023”.
Đăng ký tiêm vaccine Covid-19, chỉ cần cú click chuột
Cũng trong chiều nay, 9/7, đại diện Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), khẳng định đã sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc.
Được biết, nền tảng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT); Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19; Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia; Trung tâm đáp ứng (MCC).
Theo đó, cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Cụ thể, trao đổi với PV, một thành viên Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia, phân tích, đối với người dân, toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng SSKĐT hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
“Cá nhân sau khi đăng ký tiêm sẽ biết rõ khi nào đến tiêm thông qua tin nhắn tự động, địa điểm tiêm, không mất thời gian chờ đợi quá lâu khi đi đến tiêm, không phải khai báo lại thông tin cá nhân khi đến tiêm, có thể cập nhật tình hình sức khỏe nhanh chóng sau tiêm và nhận kết quả tiêm là chứng nhận tiêm chủng điện tử (được lưu trong SSKĐT), làm nền tảng cho việc thực hiện hộ chiếu vaccine, phục vụ công tác đi lại, làm việc dễ dàng”, thành viên này cho biết.
Đối với cơ sở tiêm, khi áp dụng nền tảng, sẽ biết được toàn bộ công tác tiêm chủng tại điểm tiêm như: Thông tin đối tượng tiêm chính xác; không mất công nhập lại thông tin cơ bản của đối tượng tiêm; biết chính xác và dễ dàng báo cáo theo ngày đầy đủ thông tin về cán bộ tiêm, người được tiêm, số vaccine sử dụng, tiến độ tiêm, các vấn đề khác liên quan…..
Đối với Nhà nước, trực tiếp là Ban chỉ đạo điều hành Chiến dịch tiêm nắm bắt và điều hành công tác tiêm chủng theo thời gian thực đang diễn ra trên toàn quốc như: Số lượng vaccine được phân bổ về từng tỉnh, điểm tiêm; từng loại vaccine nhập về và hiện đang ở đâu; kế hoạch tiêm; tổng số người được tiêm, số người có phản ứng sau tiêm, số lượng tiêm mũi 1, mũi 2…được cập nhật tức thời từ các điểm tiêm…
Tính năng của SSKĐT
SSKĐT là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân có kết nối với Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
SSKĐT đã được triển khai thí điểm ở nhiều tỉnh thành, tới nay cả nước đã có 240.541 người dùng cài đặt và sử dụng.
SSKĐT cung cấp cho người dân các chức năng chính như: Đăng ký tiêm chủng; Khai báo y tế điện tử; Cam kết tiêm chủng điện tử khi quy định cho phép; Cập nhật vấn đề phản ứng sau tiêm… Bên cạnh đó SSKĐT cũng cung cấp Chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine)
Hồng Anh