Người dân cả nước có thể nộp phạt vi phạm giao thông, đổi giấy phép lái xe qua mạng
Từ hôm nay (1/7) sẽ có thêm 6 dịch vụ sẽ được triển khai trên môi trường điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm chi phí xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Sáng nay, 1.7, Văn phòng Chính phủ đã họp báo và công bố, người vi phạm giao thông trên toàn quốc đã có thể nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua mạng của Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), sau một thời gian thí điểm ở 5 địa phương.
Thời gian qua, việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua mạng của Cổng DVCQG rất được người dân quan tâm. Số liệu của Văn phòng Chính phủ cho hay, đã có khoảng 16.000 lượt tra cứu, thực hiện. Cảnh sát giao thông (CSGT) đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ thừa nhận, số lượng nộp phạt trực tuyến thành công thấp với các lý do được đưa ra là: phạm vi thí điểm còn hẹp (5 địa phương đối với thẩm quyền xử phạt của Phòng CSGT và các đơn vị thanh tra giao thông thuộc Tổng cục Đường bộ).
Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Do đó, để nâng cao chất lượng phục vụ, từ 1.7, việc nộp phạt sẽ được mở rộng, cụ thể là: thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông. Cùng với đó, cũng mở rộng ra cả nước đối với thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp đội thuộc phòng CGST công an các địa phương và các đơn vị thuộc Cục CSGT.
Cấp mới, đổi giấy phép lái xe trên môi trường điện tử
Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố dịch vụ thứ 725 trên Cổng dịch vụ công quốc gia: Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và giới thiệu hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công; Đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông; Nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông.
Việc tích hợp, cung cấp 6 dịch vụ này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm
Sau hơn 6 tháng triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có những bước tiến tích cực. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 178 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập; trung bình mỗi tháng có hơn 32 nghìn tài khoản đăng ký tham gia và 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng gấp 2 lần trong 3 tháng gần đây); hơn 10,5 triệu hồ sơ TTHC được đồng bộ trạng thái lên cổng; hơn 151 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia (trung bình mỗi tháng 46 nghìn hồ sơ), tiếp nhận, xử lý hơn 6,6 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14,8 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài. Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 2,1 nghìn lượt giao dịch thành công.
Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 725 dịch vụ (339 cho người dân, 388 cho doanh nghiệp), trung bình mỗi quý tích hợp, cung cấp hơn 350 dịch vụ công trực tuyến
Thêm nhiều dịch vụ qua mạng
Cùng với mở rộng nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cũng từ hôm nay, Cổng DVCQG sẽ tích hợp thêm một số dịch vụ công khác, bao gồm: chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4.
Điểm chung của các dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG lần này là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Như vậy, từ thời điểm này, người dân có thể ngồi nhà nộp phạt trực tuyến nếu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, đóng tiếp BHXH tự nguyện và dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ triển khai đồng loạt trên toàn quốc…
Số liệu được Văn phòng Chính phủ công bố tại buổi họp báo cho biết, từ thời điểm khai trương ngày 9.12.2019 đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp với 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Tiếp nhận, xử lý hơn 6.600 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14.800 cuộc gọi tới tổng đài.
Tính đến ngày 28.6, đã có hơn 178.000 tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 151.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG, trong đó có 889 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19.
Thành Nhân