+
Aa
-
like
comment

Người dân Ấn Độ phá trạm phát sóng 5G do tin đồn lây lan Covid-19

03/06/2021 18:51

Theo báo Ấn Độ Indian Tribune, hơn 20 trạm phát sóng 5G đã bị một số người dân ở Punjab đập phá trong ba tuần qua sau khi xuất hiện các tin nhắn, video lan truyền trên mạng xã hội, đồn đại mạng viễn thông và mạng 5G đang thử nghiệm lây lan Covid-19.

Sự cố này đang khiến cho việc kết nối của một số thuê bao di động gặp khó khăn, còn các nhà cung cấp hạ tầng viễn thông đang phải đối mặt với sự phản đối của người dân về bảo trì các trạm hiện có và lắp đặt trạm mới.

Ông TR Dua, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà cung cấp trạm viễn thông và cơ sở hạ tầng, cho biết: “Những sự cố như vậy, nếu không được kiểm soát, sẽ làm gián đoạn kết nối trong bối cảnh đại dịch mọi người làm việc tại nhà, các cuộc họp ảo, thương mại điện tử, giáo dục điện tử, y tế điện tử và nhiều sáng kiến khác của chính phủ, bao gồm cả tiêm chủng, đòi hỏi hỗ trợ công nghệ và kết nối”.

Để đối phó với những tin nhắn giả mạo và gây hiểu lầm này, Cục Viễn thông Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định rõ rằng không có mối liên hệ nào giữa công nghệ 5G và sự lan truyền của Covid-19 và kêu gọi mọi người không bị những tin đồn sai lầm dắt mũi.

Cục Viễn thông nước này cũng cho biết việc thử nghiệm mạng 5G vẫn chưa bắt đầu ở bất kỳ đâu trên cả đất nước Ấn Độ. Vì vậy, tin đồn các thử nghiệm hoặc mạng 5G dẫn đến sự lây lan của virus là vô căn cứ.

Trước đó, ở Anh, Mỹ và Hà Lan cũng xảy ra tình trạng tương tự khi nhiều đối tượng đã phóng hỏa, phá hoại các cột tiếp phát mạng 5G vì tin vào thuyết âm mưu cho rằng các cột viễn thông di động 5G là nguyên nhân gây ra sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trên thực tế, những thuyết âm mưu cho rằng có sự liên hệ giữa mạng di động 5G với dịch COVID-19 lần đầu nổi lên trong các nội dung đăng trên mạng xã hội Facebook từ cuối tháng 1 năm ngoái, trong khoảng thời gian xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ở Mỹ.

Những thuyết này xoay quanh hai hướng: Một hướng cho rằng mạng 5G có thể làm ức chế hệ miễn dịch của con người, khiến con người dễ nhiễm bệnh hơn; Hướng còn lại cho rằng virus SARS-CoV-2 bằng cách nào đó có thể lây nhiễm thông qua việc sử dụng công nghệ 5G.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự liên quan giữa virus corona với 5G, cũng như không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đối với sức khỏe với 5G. 5G sử dụng tần số sóng vô tuyến cao hơn 4G hoặc 3G, nhưng mức bức xạ điện từ 5G dưới mức hướng dẫn quốc tế. Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên này vẫn không ngăn được thuyết âm mưu lan rộng trên thế giới.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều