+
Aa
-
like
comment

“Người dân ấm no, hạnh phúc… là nền tảng bảo vệ Tổ quốc”

Phạm Khoa - 17/08/2022 13:41

Nhìn lại 10 năm qua để thấy tình hình kinh tế – xã hội đất nước đã tiến một bước rất dài. Lướt qua các chỉ số dưới đây, không thể không nhận thấy kinh tế vĩ mô đã ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế hướng đến “chất” song song với “lượng”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo khoa học “Lý luận – thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” ngày 16/8/2022.

Tăng trưởng GDP cả thời kỳ xoay quanh các con số 5,9 – 6,8%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19, khi nhiều nước tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 – 3%. Chẳng những vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể chạm mốc 7,5% trong năm 2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.960 USD năm 2013 lên khoảng 3.561 USD năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 – 2020. Các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, thương mại, đầu tư, năng lượng, an ninh lương thực tiếp tục được bảo đảm, cải thiện.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện rõ rệt, tạo nền cho dự trữ ngoại hối đạt cao nhất từ trước đến nay. Các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư cho khu vực tư nhân tăng nhanh, cải thiện đáng kể về “chất”. Các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao đổ về Việt Nam ngày một nhiều. Một dẫn chứng khá sắc nét là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, chính nhờ vào lòng tin của người dân đối với chính quyền mà Việt Nam trở thành biểu tượng của một thể chế làm tốt công tác kiểm soát dịch, và đảm bảo an sinh xã hội.

Chưa khi nào tình hình quốc tế lại biến động phức tạp và khó lường như thời gian gần đây. Những xung đột trên khắp các châu lục có thời điểm vượt khỏi tầm kiểm soát của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, gây hỗn loạn trên diện rộng và kéo dài cho nền kinh tế thế giới. Đứng trước các thách thức to lớn đó, nếu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước không bám sát thực tiễn, điều hành của Chính phủ thiếu linh hoạt, bị động, không đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, thì tất yếu sẽ đẩy bất ổn bên ngoài trở thành chướng ngại vật bên trong, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế – xã hội của đất nước.

Người dân phải có đời sống ấm no, quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo vệ, nhu cầu xã hội được chăm lo chu đáo thì niềm tin mới được củng cố vững chắc. Như vậy, công cuộc bảo vệ Tổ quốc mới có gốc sâu bền.

Hơn 35 năm từ khi đất nước ta bước trên con đường đổi mới, nhiều thành tựu kinh tế – xã hội đã được tạo nên từ sức mạnh của toàn dân tộc. Riêng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã luôn chủ động, linh hoạt trong sách lược, chiến lược, nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh. Song song đó, thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước cũng càng ngày càng được nâng tầm.

Bằng khẳng định “Người dân ấm no, hạnh phúc, tin tưởng chế độ; người dân được làm chủ, được bảo vệ quyền lợi chính đáng là nền tảng quan trọng để bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thêm lần nữa cam kết từ những người đứng mũi chịu sào của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình hình nào, toàn vẹn lãnh thổ và hạnh phúc của nhân dân luôn là điều quan trọng hàng đầu.

Đúng như câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong“, có lòng tin của nhân dân, là có được sức mạnh to lớn nhất. 10 năm nhìn lại, để chắt lọc tinh hoa, nhận ra khuyết điểm, thiếu sót, rút ra bài học quý cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo. Chúng ta tin rằng, Việt Nam không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của mình, mà còn góp phần xây dựng và duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều