Người công an ‘bí ẩn’ trong vụ gian lận điểm Sơn La
Tòa ra lệnh dẫn giải tới tòa với tư cách người làm chứng, tuy nhiên vị công an “bí ẩn” này đã rời khỏi nơi cư trú…
Ngày 17-10, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử vụ án gian lận điểm thi. HĐXX tiến hành thẩm vấn đối với các nhân chứng cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Một cái tên đáng chú ý đã được nhắc tới, đó là ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La.
Theo đó, trả lời tại tòa, bà Nguyễn Thị Thúy, người được xác định chuyển thông tin thí sinh cho ông Khoa (một trong 18 người trung gian), cho biết bà công tác tại ĐH Tây Bắc, là đồng nghiệp với vợ ông Khoa. Tuy nhiên, bà phủ nhận việc cung cấp thông tin thí sinh cho bất cứ ai.
Đáng chú ý, thẩm phán Quản Hữu Chiến, chủ tọa phiên tòa, thông báo ông Nguyễn Minh Khoa hiện không có mặt tại tòa, đã đi khỏi nơi cư trú. Ông Khoa chính là một trong sáu người bị tòa ra lệnh dẫn giải vào ngày 15-10 vừa qua.
Theo hồ sơ vụ án, ông Khoa đóng vai trò “cầu nối” tiếp nhận thông tin thí sinh cần nâng điểm để chuyển tới các bị cáo; ông cũng được cho là trực tiếp đưa hàng tỉ đồng để cảm ơn sau khi công bố kết quả thi.
Cụ thể, kết luận điều tra cho thấy ông Khoa nhận thông tin của năm thí sinh, trong đó có con của ông Lê Trọng Bình (phó chủ tịch UBND TP Sơn La). Tiếp đó, vị công an này chuyển thông tin thí sinh cho Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) cùng hai cấp dưới là Đinh Hải Sơn và Nguyễn Khắc Hưng (hai cựu cán bộ Phòng PA03).
Về động cơ mục đích, ông Khoa khai rằng chỉ chuyển thông tin để nhờ “xem giúp điểm”, nếu biết sớm điểm thi, các thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng kịp thời. Ông Khoa khẳng định không nhận tiền, lợi ích vật chất từ các gia đình thí sinh; cũng không chuyển tiền hoặc lợi ích vật chất cho những người ông nhờ “xem điểm”.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy những thí sinh được vị công an này nhờ “xem điểm” đều được nâng điểm để đậu vào các trường đại học tốp đầu.
Hơn thế, theo lời khai của Lò Văn Huynh, bị cáo đã nhận của ông Khoa 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này, Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT. Tuy nhiên, khai với CQĐT, ông Khoa một mực phủ nhận việc thỏa thuận và đưa tiền, do đó không đủ căn cứ để xử lý về nhóm tội đưa-nhận-môi giới hối lộ.
Cũng theo cáo trạng, ông Khoa dường như là một trong những người trung gian rất “quyền lực”. Bởi trong số năm thí sinh mà ông nhờ các bị cáo “xem điểm” thì có tới ba người được “gửi gắm” chỉ thông qua một cú điện thoại.
Cụ thể, ngày 27-6, Lò Văn Huynh nhận thông tin của ông Khoa hai thí sinh NAT nâng điểm các môn toán, vật lý, tiếng Anh và TDH nâng điểm các môn toán, vật lý, tiếng Anh.
Ngày 27-6, Đinh Hải Sơn nhận được điện thoại của ông Khoa gọi đến nhà trao đổi, đưa thông tin của thí sinh LTT. Cùng ngày, Nguyễn Khắc Hưng cũng nhận được điện thoại của cấp trên, gọi đến nhà và đưa thông tin của thí sinh VHĐ nhờ nâng điểm môn toán đạt 9,0 điểm.
Tiếp đó, tối 30-6, trong lúc các bị cáo đang sửa bài thi tại nhà Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh nhận được điện thoại của ông Khoa nhờ nâng điểm cho thí sinh VVT nâng các môn toán, vật lý, hóa học.
Tuyết Phan/ Pháp Luật TP.HCM