Người chống tham nhũng không còn đơn độc
“Trước kia, người chống tham nhũng, tiêu cực, cảm thấy rất lẻ loi, đơn độc thậm chí còn bị ghẻ lạnh. Bây giờ, người chống tiêu cực, tham nhũng được tạo điều kiện, được tôn vinh, trở thành một cú hích tinh thần rất lớn”, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, trò chuyện với PV.
Như đánh răng, rửa mặt hằng ngày
Phòng, chống tham nhũng là một trong những dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ vừa qua. Ông nhận định gì về nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ mới?
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nhiều lần rồi. Chống tham nhũng không phải của một người mà là câu chuyện của toàn dân, tất cả mọi người đều phải vào cuộc. Trước kia, anh có thể lừng khừng, nhưng bây giờ chống tham nhũng đã trở thành một phong trào, một xu thế. Thậm chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhấn mạnh rằng: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Bây giờ, chống tham nhũng không chỉ là chuyện của một cá nhân mà là cả một trào lưu, lộ trình và bước đi thích hợp. Chúng ta có Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy.
Trước đây, người ta còn sợ nọ, sợ kia, nhưng bây giờ, chẳng có vùng cấm nào cả. Từ Ủy viên Bộ Chính trị đến những quan chức đã nghỉ hưu cũng đều bị xử lý nếu có vi phạm.
Vì sao chống tham nhũng lại trở thành một phong trào, xu thế, theo ông?
Trước tiên, người dân đã có sự tin tưởng. Bên cạnh đó, người chống tham nhũng thấy yên tâm, vì có sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Ngoài ra, nền quản trị của chúng ta bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Điều quan trọng phải kể đến chính là sự minh bạch, công khai, báo chí và người dân cùng vào cuộc.
Đó là sự ủng hộ, tiếp sức về tinh thần. Điều này rất quan trọng. Ngày xưa, người chống tham nhũng, tiêu cực cảm thấy rất lẻ loi, thậm chí đôi khi có những người còn bị ghẻ lạnh, bị cho rằng “ông lắm chuyện”, “moi móc”… Ngược lại, bây giờ người chống tiêu cực, tham nhũng đã được tạo điều kiện, được tôn vinh, trở thành một cú hích tinh thần rất lớn.
Nhưng muốn chống được tham nhũng, trước tiên, chúng ta cần phải có bàn tay “sạch”?
Người ta thường nói, chống tham nhũng phải có bàn tay sắt, nhưng như vậy chưa đủ, mà bàn tay đó phải “sạch”. Bàn tay “sắt” nhưng phải “sạch” mới chống được tham nhũng. Còn nếu nhúng chàm rồi, làm sao chống được tham nhũng? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, từng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cũng như mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa.
Vừa qua, kết quả điều tra dư luận xã hội về phòng, chống tham nhũng của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy sự tin tưởng của người dân đã tăng lên rất cao. Có tới 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 75% số người được hỏi ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao sự tín nhiệm của Việt Nam trong 5 năm liên tiếp. Thấy rõ nhất là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2020, trước tác động của đại dịch COVID-19, đa số các nước tăng trưởng âm, nhưng chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng trên 2,9%.
Tham nhũng lúc nào, thời nào và ở đâu cũng có và lúc nào cũng phải chống. “Chống tham nhũng phải kiên trì như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh điều này, đồng thời tiếp tục khẳng định, đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt và gian nan, nhưng cũng không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm.
Không thể tự nhiên có biệt thự triệu đô
Bên cạnh chống tham nhũng, điều vô cùng quan trọng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng. Làm thế nào để thời gian tới chúng ta làm tốt điều này?
Luật Phòng, chống tham nhũng đã đề cập đến vấn đề ngăn chặn tẩu tán tài sản, có cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Khi có dấu hiệu vi phạm, người ta có quyền yêu cầu phong toả tài khoản, không cho giao dịch để tránh huỷ hoại, chuyển dịch, tẩu tán tài sản.
Luật quy định Nhà nước hoàn toàn có thể thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng. Hai chữ “nguồn gốc” tài sản rất quan trọng, giúp thu hồi được cả tài sản tẩu tán, chứ không chỉ thu hồi tài sản của người tham nhũng. Rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện tham nhũng đã tự tử, “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Khi phạm tội và bại lộ, người ta sẵn sàng chết, bởi họ biết, ra toà, vẫn bị tội chết, tài sản bị tịch thu, nên họ tự tử cho “hết chuyện”.
Một trong những căn cứ đình chỉ vụ án là nghi can chết. Nhưng bây giờ không phải thế nữa: Anh chết là việc của anh, còn những vấn đề quyền và lợi ích liên quan đến nguồn gốc tài sản vẫn phải thu hồi. Kể cả khi anh đã chết, hoặc bỏ trốn, nhưng nếu chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc bất minh, vẫn có thể thu hồi về cho Nhà nước.
Trên thực tế có trường hợp bố khai nhận đưa tiền cho con, nhưng con lại phủ nhận, việc thu hồi tài sản không dễ?
Nếu các giao dịch bắt buộc phải chuyển qua tài khoản, hàng trăm năm nó vẫn còn nguyên đó. Còn bây giờ, ông mang cả bị tiền mặt đưa cho con thì “khẩu thiệt vô bằng”. Nếu quản lý tốt, sẽ không bao giờ có chuyện đó. Kiểm soát giao dịch, chi tiêu vẫn là một khâu yếu của chúng ta. Các nước họ kiểm soát tốt các giao dịch, sẽ khống chế được nguồn tiền.
Nếu nghiên cứu, ban hành luật về đăng ký tài sản cộng với các đạo luật khác sẽ giúp chúng ta quản lý tốt hơn. Một ông con không thể tự nhiên có một cái biệt thự to đùng từ trên trời rơi xuống được. Nếu ông không chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp pháp, Nhà nước có thể bằng cách này hay cách khác có thể sung công khối tài sản đó.
Thực tế quá trình nghiên cứu ở các nước, có rất nhiều kinh nghiệm để chúng ta áp dụng. Điều quan trọng là về nhận thức, chúng ta có quyết tâm làm hay không và phải có lộ trình. Nói như vậy không có nghĩa người ta làm được, mình cũng làm được ngay. Nhưng nếu người ta làm được, mình cũng có thể làm được, với điều kiện có hạ tầng kỹ thuật tốt và xây dựng được cơ sở pháp lý vững chắc.
Cảm ơn ông.
“Người ta thường nói, chống tham nhũng phải có bàn tay sắt, nhưng như vậy chưa đủ, mà bàn tay đó phải “sạch”. Bàn tay “sắt” nhưng phải “sạch” mới chống được tham nhũng. Còn nếu đã nhúng chàm rồi, làm sao chống được tham nhũng”?
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ
Luân Dũng (thực hiện)