+
Aa
-
like
comment

Người chiến sĩ đấu tranh vì hạnh phúc của đồng bào

18/05/2020 11:36

Có một trăm cách để tồn tại, chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào. Câu châm ngôn này đã được người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn làm lẽ sống của mình.

Chú thích ảnh
Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26/12/1920 với tư cách là đại biểu Đông Dương, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đó là những lời giới thiệu về cuốn sách “Hồ Chí Minh. Tác phẩm và đấu tranh” của tác giả Alain Ruscio, nhà xuất bản Le temps des cerises, nhà sử học người Pháp đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân, đặc biệt ở Đông Dương. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc cuộc hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các tác phẩm của Người gồm nhiều thể loại như bài báo, bài phát biểu, bài thơ hay thư từ, cũng như các tài liệu lưu trữ của phía Pháp.

Theo ông Alain Ruscio, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những biến cố thăng trầm gấp cả trăm lần so với một người bình thường. Phần lớn thời gian ở nước ngoài, Người sống trong thiếu thốn vật chất và đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm. Cho đến khi Người trở về nước năm 1941 và đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam vào ngày 2/9/1945.

Nhà sử học Alain Ruscio đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này: Một dân tộc thuộc địa “nhỏ bé” đã không ngần ngại thách thức Đế quốc thực dân Pháp, khi tự hào tuyên bố độc lập. Chính “dân tộc nhỏ bé” này đã chỉ đường cho tất cả những người dân thuộc địa khác trên trái đất, đấu tranh lật đổ hệ thống thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Cuốn sách của nhà sử học Alain Ruscio đã vẽ nên bức chân dung của vị lãnh tụ Việt Nam, người đã sử dụng hơn 100 bút danh – trong đó có Nguyễn Ái Quốc – cho các tác phẩm của mình trên con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc hành trình thú vị theo bước chân của người anh hùng đã cống hiến trọn đời cho một nước Việt Nam tự do, độc lập.

Thông qua các bức thư, phát biểu và báo cáo của cảnh sát Pháp, tác giả Alain Ruscio đã dựng lại cuộc hành trình của một người chiến sĩ luôn sống trong hiểm nguy, nhiều lần bị tù đày và thậm chí bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Người đã bôn ba mọi châu lục tìm hiểu về sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, về tư tưởng dân chủ tư sản.

Tại Paris, trong một bức thư gửi năm 1919 cho Albert Sarraut, lúc đó là toàn quyền Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo sự áp bức và đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với người dân An Nam. Việc Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Đông Dương và người bản xứ thuộc địa duy nhất tham gia Đại hội lần thứ 18 đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920 tại thành phố Tours, đã được lưu lại trong các báo cáo của cảnh sát.

Từ sau thời điểm đó, tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc có một bước nhảy vọt, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đưa cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trở thành một nền tảng chiến lược của Đảng Cộng sản Pháp non trẻ, mà Người đã tham gia sáng lập. Bị cảnh sát Pháp truy nã, Nguyễn Ái Quốc buộc phải chạy trốn nhưng không thể trở về Việt Nam. Tác giả Alain Ruscio đã ngược dòng lịch sử, theo Người dừng chân tại Moskva trước khi đến Trung Quốc, nơi Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội – tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam – ra đời vào mùa Xuân 1930.

Cuốn sách của ông Alain Ruscio cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề chiến lược liên quan tới việc thành lập đảng Cộng sản Đông Dương và cuộc đấu tranh chống thực dân ở Việt Nam. Hấp dẫn không kém là chương về cải cách ruộng đất và các hành động của Đảng để sửa chữa những sai lầm trong quá trình thực thi cải cách.

Theo nhà sử học Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Không “lý thuyết” như nhiều nhà lãnh đạo cách mạng khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thực tế và không ngần ngại đối mặt với tất cả các khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, đồng thời luôn nhắc nhở các lãnh đạo và đảng viên phải gần gũi với người dân. Những việc làm cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh rõ nét những điều cần có trong sợi dây liên kết giữa một đảng cầm quyền và người dân. Như lời khẳng định của nhà sử học Alain Ruscio, như vậy, có thể thấy rõ rằng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học quý giá cho đến ngày nay.

Linh Hương/TTXVN

Bài mới
Đọc nhiều