+
Aa
-
like
comment

Người chết vì nCoV nằm khắp sàn bệnh viện

09/05/2020 11:44

EcuadorFlavio Ramos được đưa vào bệnh viện trong trạng thái khó thở và ý thức mơ hồ, trong khi con trai ông chú ý tới hai thi thể trên sàn.

Tới sáng hôm sau, số thi thể trong phòng bệnh tăng lên ba, khi Flavio tử vong. Người đàn ông 55 tuổi là một trong những nạn nhân Covid-19 tại Guayaquil, tâm dịch ở Ecuador. Hệ thống y tế của thành phố lớn thứ hai Ecuador sụp đổ vài tuần sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3.

Guayaquil dường như không chuẩn bị cho cuộc chiến chống nCoV. Tháng trước, thành phố cảng gồm gần 3 triệu dân thu hút sự chú ý toàn cầu với những video cho thấy nhiều thi thể đặt trên đường, do các nhà xác và nhà tang lễ đều quá tải. Một số gia đình đưa thi thể thân nhân ra bên ngoài vì lo sợ lây nhiễm, cũng như mùi khó chịu.

Ba bác sĩ giấu tên tại Guayaquil cho biết các bệnh viện hoàn toàn quá tải, khi đại dịch tấn công nhanh chóng vào một hệ thống y tế chưa sẵn sàng. Do đó, họ không có cách nào thực sự giúp được người dân, chưa nói đến chăm sóc cho bệnh nhân dù ở mức độ cơ bản.

Một phòng bệnh tại thành phố Guayaquil, Ecuador hôm 18/4. Ảnh: Reuters.
Một phòng bệnh tại thành phố Guayaquil, Ecuador hôm 18/4. 

“Mọi người đều vô cùng sợ hãi. Những người ốm tới bệnh viện đang chết dần. Bạn chăm sóc một bệnh nhân, thực hiện những gì có thể làm, rồi họ qua đời. Sau đó, bạn chuyển sang người tiếp theo và họ cũng chết. Sự việc cứ thế tiếp diễn”, một bác sĩ giấu tên kể về những ngày tồi tệ của đại dịch.

“Có thời điểm hàng chục người chết nằm giữa những phòng bệnh và nhà xác chờ được đưa đi. Chẳng còn túi đựng thi thể nào”, người này nói thêm. Bác sĩ thứ hai cho biết ông thường xuyên nhìn thấy ba hoặc 4 thi thể trên sàn bệnh viện mỗi ngày. “Chúng tôi không có chỗ nào để đặt họ cả”, ông giải thích.

Hồi tháng một, Flavio còn tổ chức tiệc mừng sinh nhật, quây quần cùng bạn bè và người thân. Nhưng đến tuần cuối cùng của tháng 3, ông bắt đầu cảm thấy không khỏe. Hôm 31/3, việc hô hấp của Flavio trở nên khó nhọc đến mức Arturo, con trai ông, quyết định hành động.

Arturo chở bố đến bệnh viện gần nhất, hy vọng ông nhanh chóng được tiếp nhận và hỗ trợ. Tuy nhiên, khi tới nơi, nhân viên bệnh viện cho biết cơ sở đã hết chỗ. “Các bác sĩ nói không còn giường cho bệnh nhân. Họ còn đe dọa nếu cứ nán lại, họ sẽ gọi bảo vệ đuổi ra ngoài”, thanh niên 24 tuổi cho hay.

Không nản lòng, Arturo tiếp tục cố gắng tìm sự trợ giúp tại nhiều bệnh viện khác. Sau 4 giờ lái xe, cuối cùng Flavio cũng được tiếp nhận vào Bệnh viện General Guasmo Sur, cơ sở y tế thứ 11 mà Arturo tìm đến.

Hồi tưởng lại những giờ phút cuối cùng của bố mình trong căn phòng với hai bệnh nhân chết trên sàn, Arturo cho biết một thi thể bọc trong “chính xác là túi rác màu đen”, trong khi thi thể còn lại không có gì che chắn. “Chẳng ai đoái hoài đến họ”, anh nói.

Ngày 1/4, Arturo ra khỏi bệnh viện vào khoảng 9h30 để lấy bữa sáng trong vòng 15 phút. Khi trở lại, bố của anh đã qua đời. “Không có người nào ở bên khi ông ấy ra đi”, Arturo cho hay, mô tả thêm rằng bệnh viện giống như vùng chiến. Bệnh viện tiếp nhận Flavio từ chối bình luận về trường hợp này.

Ana Maria cũng từng chứng kiến cảnh tương tự. Người phụ nữ 38 tuổi đưa mẹ đến một phòng khám địa phương do bà xuất hiện những triệu chứng của Covid-19. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ nói Ana Maria cần đưa mẹ tới bệnh viện ngay lập tức. Người mẹ 67 tuổi của cô bị viêm phổi nặng, rất có thể vì nhiễm nCoV.

Vào thời điểm Ana Maria đến Bệnh viện Los Ceibos để tìm sự trợ giúp hôm 26/3, môi của mẹ cô tái nhợt và bà gần như không thể đi lại. Họ đợi gần 24 giờ trong viện để có giường trống. Tuy nhiên, khi quan sát bệnh nhân tại các phòng và hành lang xung quanh, nghe thấy tiếng la hét đau khổ của gia đình họ, Ana Maria bắt đầu xem xét lại việc để mẹ nhập viện.

“Một y tá nói với tôi rằng nếu có tiền cho mẹ điều trị tại nhà, hãy làm như vậy. Bởi nếu để bà ấy ở đây, bà ấy sẽ chết”, Ana Maria kể lại. Sau cuộc trò chuyện, cô quyết định đưa mẹ về, thuê một y tá chăm sóc bà. Mẹ của Ana Maria may mắn sống sót, nhưng phần lớn người dân Guayaquil không đủ điều kiện tài chính như cô.

Trước khi rời bệnh viện, Ana Maria trò chuyện cùng con gái của một bệnh nhân khác. “Cô ấy khóc và nói với tôi rằng mẹ của tôi sẽ sống sót, bởi tôi có tiền, thứ mà họ không có”, Ana Maria hồi tưởng.

Giới chức cấp cao trong nội các của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno từng công khai xin lỗi vì phản ứng yếu kém của chính phủ đối với Covid-19, thừa nhận các quan chức y tế chưa sẵn sàng cho một dịch bệnh khiến quá nhiều người chết như vậy.

Theo số liệu của chính phủ, tổng cộng 533 người tử vong vì Covid-19 tại Guayaquil trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, cùng khoảng thời gian đó, chính quyền ghi nhận ít nhất 12.350 người chết trong thành phố, vượt xa con số 2.695 và 2.903 lần lượt vào năm 2018 và 2019 trong cùng kỳ.

Theo ba nhà dịch tễ học tại Ecuador, số người chết liên quan đến Covid-19 ở Guayaquil có thể lên tới hơn 9.000. Tiến sĩ Esteban Ortiz-Prado, nhà dịch tễ học tại Đại học châu Mỹ ở thủ đô Quito, cho rằng đại dịch là cách giải thích hợp lý duy nhất cho sự gia tăng đột biến số người chết trong năm nay. Chính phủ cũng thừa nhận số người chết vì nCoV trên thực tế cao hơn so với thống kê, nhưng cho hay không bao giờ biết được con số chính xác do hạn chế về xét nghiệm.

“Chúng tôi không thể cáo buộc chính phủ lừa dối, nhưng có thể nói rằng họ không thực hiện đủ xét nghiệm cho người dân, yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm tính toán đúng số ca nhiễm và chết vì nCoV”, Marco Coral, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học châu Mỹ, nhận định.

Nhân viên y tế vận chuyển một thi thể bên ngoài bệnh viện Teodoro Maldonado Carbo tại Guayaquil, Ecuador hôm 3/4, trong bối cảnh nCoV lây lan. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế vận chuyển một thi thể bên ngoài bệnh viện Teodoro Maldonado Carbo tại Guayaquil, Ecuador hôm 3/4, trong bối cảnh nCoV lây lan.

Ecuador hiện ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm nCoV và gần 1.700 người chết, là vùng dịch lớn thứ ba khu vực Mỹ Latinh. Số ca tử vong ghi nhận hàng ngày tại Guayaquil đang giảm dần. Các biện pháp cách biệt cộng đồng dường như đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Giữa bối cảnh hỗn loạn vì số người chết tăng cao, sự thiếu tổ chức dẫn tới việc thất lạc thi thể và xác định sai danh tính những người đã khuất. Nhiều người không thể nói lời tạm biệt cuối cùng với thân nhân, như gia đình Arturo.

Khi anh trở lại bệnh viện một ngày sau cái chết của bố, các quan chức cho biết họ không thể tìm thấy thi thể ông Flavio, nói thêm rằng cách duy nhất là tự đến nhà xác tìm kiếm giữa những thi thể chưa xác định.

“Bên trong nhà xác, các thi thể xếp chồng lên nhau. Cảnh tượng đó giống như địa ngục”, Arturo cho hay. Anh tìm bố suốt một giờ cùng một nhân viên bệnh viện, người khuyên anh nên trở lại vào hôm sau. 4 ngày tiếp theo, Arturo ước tính anh đã kiểm tra khoảng 250 thi thể, cả trong nhà xác và những container chở hàng được sắp xếp bên ngoài để chứa số lượng thi thể quá lớn.

Arturo cho biết chỉ một phần nhà xác và một container được làm lạnh. “Tôi không gặp may. Tôi không tìm thấy bố và chẳng thể làm gì khác”, anh nói.

Vấn đề nghiêm trọng đến mức chính phủ Ecuador tháng trước mở cuộc điều tra về việc quản lý thi thể tại các nhà xác trong bệnh viện, đồng thời mở một trang web đăng thông tin về những thi thể họ xác định được, giúp người dân tìm kiếm thân nhân.

Hơn một tháng sau cái chết của bố, Arturo vẫn không tìm thấy thông tin của ông trên trang web. Anh còn phải tránh xa gia đình vì sự an toàn của họ, bởi tuần trước anh nhận kết quả dương tính với nCoV.

(Theo CNN)

Bài mới
Đọc nhiều