Người chết vì Covid-19 tăng trở lại, thế giới ở giai đoạn “rất nguy hiểm”
Số ca nhiễm và tử vong toàn cầu tăng trở lại do sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 làm tiêu tan hy vọng trở lại cuộc sống bình thường của nhiều quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/7 cho biết, trong tuần qua, số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã tăng trở lại sau 9 tuần giảm. Cụ thể, thế giới ghi nhận thêm hơn 55.000 ca tử vong trong tuần qua, tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm cũng tăng 10% lên gần 3 triệu ca, trong đó nhiều nhất ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ ba”.
Indonesia hiện là vùng dịch nóng nhất ở châu Á. Chỉ riêng trong ngày 14/7, Indonesia có thêm hơn 54.500 người mắc Covid-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc 50.000. Số người chết vì Covid-19 tại quốc gia này cũng dao động quanh ngưỡng 1.000 ca/ngày thời gian gần đây. Tại Indonesia, các nhà hỏa táng đều đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Đến nay, Indonesia đã có tổng cộng gần 2,7 triệu người mắc Covid-19 và hơn 69.000 ca tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh khiến nhiều nước, trong đó có Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, buộc phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại và phải siết chặt thêm các biện pháp hạn chế.
Theo WHO, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 toàn cầu tăng trở lại là do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp, nhiều nước vội vã nới lỏng các biện pháp phòng dịch và ngoài ra cũng do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan hơn. Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và hiện đã lan ra 111 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO dự đoán, Delta sẽ trở thành chủng trội toàn cầu trong những tháng tới.
Sarah McCool, một giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học bang Georgia, cho biết sự kết hợp của những yếu tố này là công thức cho một đợt “bùng nổ” Covid-19 mới.
WHO cho rằng, nhiều nước đang phải đối mặt với sức ép cực lớn trong việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế nhằm mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, WHO cảnh báo, việc nới lỏng hay dỡ bỏ quá sớm và thiếu thận trọng sẽ tạo điều kiện cho virus lan rộng hơn và nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm khác.
Đầu tháng này, Tổng giám đốc WHO Tedros cảnh báo, đại dịch Covid-19 toàn cầu đang bước vào một “giai đoạn mới và rất nguy hiểm”. Ông Tedros nhấn mạnh, cách tốt nhất để đối phó với đại dịch Covid-19 là hỗ trợ các quốc gia trong việc phân phối công bằng vắc xin, cùng các thiết bị bảo vệ cá nhân, xét nghiệm, vật tư y tế khác, đảm bảo các biện pháp xã hội và y tế công như phát hiện sớm ca bệnh, giám sát, xét nghiệm, cách ly và chăm sóc lâm sàng.
“Tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng vào thời điểm này năm sau, 70% người dân ở mọi quốc gia đều được tiêm chủng”, Tổng giám đốc WHO nói.
Minh Phương