+
Aa
-
like
comment

Người cao tuổi Việt Nam, nguồn nhân lực không thể bị lãng quên

Đỗ Mạnh - 01/10/2020 07:26

Cách đây 50 năm ở Việt Nam người 60 tuổi đã được người dân xếp vào hàng bô lão, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng cao và miền núi. Những năm đó ở độ tuổi ấy do khó khăn về kinh tế nên các cụ nhìn hom hem và già nua hơn rất nhiều so với thế hệ ngày nay.

Số liệu thống kê cho thấy vào năm 1960 của thế kỉ trước , tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48,0 tuổi, trong khi đó tại Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới. Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm.

Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Điều đó chứng tỏ điều kiện sống ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều so với chính mong muốn của chúng ta. Ngày nay thế hệ người trong độ tuổi từ 70-74 ở Việt Nam cũng đang tăng rất nhanh, điều đó cho thấy xu thế già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Vấn đề già hóa nhanh dân số hiện nay đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm chứ không riêng gì ở Việt Nam. Bởi già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Hiện nay ở Việt Nam vấn đề già hóa dân số đang đặt trước chúng ta những thách thức không hề nhỏ, mặc dù trong tâm tâm chúng ta luôn cầu mong những bậc tiền bối chúng ta sống lâu trăm tuổi và hạnh phúc bên con cháu. Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng tốc độ già nhanh dân số đang đặt lên vai chúng ta gánh nặng khi đất nước chúng ta vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Vì vậy về lâu dài chúng ta cần có những chiến lược thích hợp để bảo đảm thích ứng một cách tốt nhất với việc già hóa dân số hiện nay. Hiện Nay Việt Nam có một thuận lợi không hề nhỏ là trong đội ngũ những người cao tuổi Việt Nam có rất nhiều những nhà khoa học, những tri thức, nhân sĩ yêu nước có trình độ, tay nghề cao và  kinh nghiệm quản lý nhà nước. Vấn đề của nhà nước ta hiện nay là cần có những chính sách hợp lý để khai thác nguồn lực này một cách hiệu quả, vừa bảo đảm giảm gánh nặng cho nhà nước vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần, vật chất cho những người cao tuổi.

Ai đã từng đến Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, ở những sân bay, nhà hàng hay ở những địa điểm công sở khác chúng ta bắt gặp rất nhiều những người cao tuổi được nhà nước, các Tập đoàn, doanh nghiệp bố trí phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của những người cao tuổi.  Như hướng dẫn các thủ tục khai báo, chỉ đường và hướng dẫn hành khách ở những sân bay, nhà ga một cách tận tình và thuận lợi. Ở các viện nghiên cứu những giáo sư, tiến sỹ, những nhà khoa học được khuyến khích là việc phù hợp với khả năng, trình độ và sở thích. Ở Việt Nam những người có học hàm, học vị đều đã được nhà nước tạo điều kiện kéo dài thời gian làm việc. Tuy nhiên còn rất nhiều người chưa được khuyến khích làm việc phù hợp với khả năng và trình độ quản lý.

Để chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người cao tuổi Việt Nam năm 2017  Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số: 21/NQ/TW về vấn đề chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Trong nó nhấn mạnh đến vấn đề tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất. Chúng ta đều biết lực lượng người cao tuổi Việt Nam là một nguồn lực rất lớn, nguồn lực đó nếu biết khai thác một cách hợp lý sẽ đem lại cho nước nhà những lợi ích không hề nhỏ.

Vì vậy ngoài những chủ trương chính sách của nhà nước đã và đang thực hiện nhà nước cũng nên khuyến khích và có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi. Có một điều chúng ta đang bỏ ngỏ đó là rất nhiều Tập đoàn , doanh nghiệp hàng năm phải bỏ ra một lượng tiền không hề nhỏ để thuê những chuyên gia từ nước ngoài, trong khi đó một lực lượng không nhỏ đội ngũ những người cao tuổi có trình độ quản lý và tay nghề ở trong nước lại không được trọng dụng. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa có những quy định nhằm tạo điều kiện pháp lý cho những doanh nghiệp, công ty mạnh dạn hơn để thuê những lao động có tay nghề và trình độ ở trong nước.

Rõ ràng là ở Việt Nam hiện nay nguồn lực này đang bị bỏ ngỏ và bị lãng phí, vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu thêm để bổ sung những chính sách hợp lý nhằm phát huy hết sức mạnh nội lực của mọi thế hệ Việt Nam vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều