Người cán bộ đam mê, sáng tạo tuyên truyền chống ma túy cho giới trẻ
Với thâm niên 26 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân và 2/3 quãng thời gian gắn bó ở lĩnh vực hình sự, Thượng tá Hoàng Văn Định, Phó Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh hiểu rất rõ những hậu quả mà người nghiện ma túy mang lại cho bản thân họ, gia đình và xã hội.
Vì thế, anh đã hiện thực hóa những suy nghĩ, trăn trở của mình thông qua việc trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và tham gia mô hình Dân vận khéo “Khéo tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Khi giới trẻ hiểu biết lệch lạc về ma túy tổng hợp
Hơn 10 năm trước, heroin với tên gọi “cái chết trắng” đã khiến bao thanh niên và không ít gia đình lâm vào cảnh “sống mà như chết”. Từ sự trả giá khủng khiếp đó, người ta mới nhận ra tác hại khôn lường của thứ bột chết người này để quyết không sa chân vào. Vậy mà, trong mấy năm gần đây, xã hội lại một lần nữa phải lo lắng khi ma túy tổng hợp xuất hiện với các con nghiện có biểu hiện “ngáo đá”, không kiểm soát được hành vi của mình.
Thượng tá Hoàng Văn Định luôn trăn trở, bên cạnh việc đấu tranh trực diện với tội phạm ma túy, cần phải “đánh” vào suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ để giúp mọi người thấy rõ, hiểu sâu về tác hại khôn lường của ma túy tổng hợp, từ đó có hành động đúng trong việc phòng ngừa.
Anh tâm sự, nhìn lại thế hệ của mình, không ít bạn bè cùng trang lứa đã đánh mất bản thân, tương lai, thậm chí đánh mất cả cuộc đời trước sự tấn công của ma túy. Nguyên nhân cơ bản của “bi kịch” là thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về tác hại của nó. Trước sự tác động phức tạp, nhiều mặt của đời sống xã hội hiện nay đã khiến một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên trượt ngã, bị các loại ma túy mới, hay còn gọi là ma túy tổng hợp “hạ gục” bởi những nhận thức, hiểu biết hết sức ấu trĩ.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu tuyên truyền một cách hiệu quả, Thượng tá Hoàng Văn Định đã phối hợp điều tra xã hội học với 2 nhóm đối tượng là học sinh THPT và học viên tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh. Kết quả khảo sát từ 50 học sinh Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh đã cho con số bất ngờ. Đó là 52% cho biết ma túy đá không gây nghiện ngay từ lần đầu sử dụng mặc dù 70% trong số đó cho biết ma túy đá nguy hiểm hơn heroin. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em rất dễ bị lôi kéo…
Điều đáng mừng, 94% số học sinh được hỏi cho biết sẽ tuyên truyền về tác hại của ma túy đá đến bạn bè, người thân nếu các em được trang bị kiến thức và có sự hiểu biết cơ bản. 70% khẳng định có nhu cầu cần thêm thông tin để hiểu về ma túy đá.
Nhóm của Thượng tá Định cũng đã mở rộng khảo sát trực tiếp với 30 em ở độ tuổi từ 15 đến 20 đang theo học tại các trường THCS, THPT, cao đẳng ở 3 địa phương Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Kết quả cho thấy, đa số các em chưa thực sự tự tin với hiểu biết của mình về các loại ma túy mới hiện nay. Trong đó, quá nửa các em cho rằng, ma túy đá, cỏ Mỹ, nước vui hay trà sữa… đều không gây nghiện.
Thậm chí, có em còn cho rằng, các loại ma túy này giúp tăng cường sức khỏe. Một bạn sinh viên năm thứ 2 của trường cao đẳng nằm trên địa bàn TP Uông Bí còn hồn nhiên cho rằng: “Hút cần sa (tên hay dùng là cỏ) phê hơn hẳn thuốc lá, phê khoảng 15-20 phút sau khi hút 3-4 hơi. Nhiều đứa bạn em còn hút cỏ để ăn được nhiều cho tăng cân”. Qua đó cho thấy, nhận thức của học sinh, sinh viên hiện nay về tác hại của các loại ma túy mới còn rất mơ hồ, lệnh lạc.
Tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh với câu hỏi mở: “Hãy viết ngắn gọn lý do tại sao anh, chị sử dụng ma túy đá”, nhóm khảo sát đã nhận được các câu trả lời “đóng” rất thật với 4 nguyên nhân chủ yếu sau: Bị bạn bè rủ rê, vì bản thân thấy buồn, do chán nản gia đình, thích tìm cảm giác lạ. Trong đó, cũng có một số ít cho rằng, tìm đến ma túy đá để tăng ham muốn tình dục.
Còn với câu hỏi: “Anh/chị biết hay không biết ma túy đá gây ra các tác hại sau: Phá hủy hệ thần kinh; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, bị ảo giác, mất kiểm soát hành vi, làm ảnh hưởng tới người thân và cộng đồng…”. Kết quả, có 48% trả lời không biết và chỉ có 3/50 học viên (chiếm 6%) cho biết khi sử dụng ma túy đá làm ảnh hưởng đến người thân và cộng đồng. 3 phương án còn lại, số người trả lời biết đều dưới 30%.
Một cuộc khảo sát nhỏ, với số người tham gia chưa nhiều nhưng cũng đã cho thấy sự thiếu hụt về kiến thức cũng như hạn chế về mặt nhận thức của những người đã vướng vào ma túy hiện nay. Không lẽ sự bao phủ của “cái chết trắng” trong một thời gian dài trước đó chưa đủ để cảnh tỉnh giới trẻ hiện nay?
Không lẽ thế hệ 8X, 9X rất sành công nghệ lại mờ mịt trước thông tin về ma túy đá và tính nguy hiểm của nó? Điều này càng thôi thúc Thượng tá Hoàng Văn Định quyết tâm triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Sáng tạo trong chuyển tải thông điệp về ma túy
Phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, Thượng tá Hoàng Văn Định cùng tập thể lãnh đạo đơn vị tham mưu cho Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp giữa Công an và Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh về tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các trường học trên địa bàn, bắt đầu từ năm học 2016-2017.
Khi chính thức được giao chủ trì việc tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường, anh đã cùng tập thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị triển khai cụ thể nội dung này mà nòng cốt là cán bộ đoàn viên của đơn vị để có sự gần gũi, dễ chia sẻ với đối tượng tuyên truyền. Anh trực tiếp cùng cán bộ chiến sĩ trong tổ tuyên truyền nghiên cứu tài liệu, tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, tìm hiểu sâu về đặc thù của từng địa phương, từng trường học để xây dựng chương trình cụ thể, sinh động. Anh luôn quán triệt với cán bộ chiến sĩ, cũng như trao đổi kỹ với các nhà trường về việc truyền tải các thông điệp chính tới các em học sinh.
3 nội dung trọng tâm, chủ đạo đã được thực hiện xuyên suốt toàn bộ chương trình gồm: Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn; luật phòng, chống tội phạm về ma túy, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy và tuyên truyền về các loại ma túy, tác hại của từng loại ma túy, cách phân biệt, nhận biết các chất ma túy, đặc điểm của người nghiện ma túy, sử dụng ma túy; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, cũng như các biện pháp để phòng tránh cho bản thân và gia đình; vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trước vấn nạn của ma túy.
Để việc tuyên truyền không khô cứng, giúp người nghe dễ tiếp thu và ứng phó linh hoạt trong tình huống cụ thể, cán bộ công an đều sử dụng phần mềm trình chiếu tạo các áp phích, video về tác hại của ma túy, sử dụng các giáo cụ trực quan là dụng cụ sử dụng ma túy như bình đập đá, bình shisha… kết hợp với phát tờ rơi có nội dung tuyên truyền.
Đặc biệt, phương pháp “cùng tham gia” để giáo viên, học sinh, sinh viên được hỏi, được trả lời về những vấn đề liên quan để tăng hiệu quả của việc tuyên truyền đã được sử dụng triệt để. Có đan xen nội dung “đố vui có thưởng” tập trung vào kiến thức đã truyền đạt nhằm tạo không khí sôi nổi, thu hút học sinh, sinh viên cũng như chính các giáo viên tham gia.
Việc đứng trước hàng trăm người để tuyên truyền quả là một “thử thách” không nhỏ. Hơn thế, yêu cầu đặt ra là phải nói thế nào để người nghe, người xem thấy hấp dẫn, tiếp nhận được thông tin cần thiêt. Để tháo gỡ khó khăn của giai đoạn đầu đó, cá nhân Thượng tá Hoàng Văn Định đã trực tiếp soạn các bài giảng, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ tuyên truyền và trực tiếp tham gia để thành viên trong tổ được “thị phạm”.
Sau mỗi buổi tuyên truyền, anh đều cùng anh em tổ chức rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục những tồn tại, hạn chế. Khi chuyển giao công việc này cho cán bộ, chiến sĩ trẻ trong tổ thực hiện, anh đều dành thời gian để “duyệt bài” và đóng vai trò là “khán giả” để từ đó có những góp ý cho mọi người.
Chính nhờ tinh thần làm việc đồng đội, phát huy vai trò nêu gương, tiên phong trong thực hiện và không ngừng tìm tòi, học hỏi, bổ sung những kiến thức mới, cũng như làm mới hình thức tuyên truyền nên mô hình Dân vận khéo “Khéo tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với thanh, thiếu niên trên địa bàn Quảng Ninh” đã được nhiều ngành đánh giá cao, khẳng định kết quả trong thực tiễn.
Từ năm 2016 đến nay, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã tổ chức được gần 200 buổi tuyên truyền cho trên 63 nghìn người nghe, tập trung chủ yếu là học sinh, sinh viên. Khởi động chương trình, Thượng tá Hoàng Văn Định đã trực tiếp thực hiện báo cáo tuyên truyền 2 buổi cho cán bộ cốt cán ngành giáo dục. Cùng với công tác tuyên truyền, bản thân anh đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tập trung đấu tranh phát hiện nhiều trường hợp học sinh, sinh viên thuộc các trường học trên địa bàn sử dụng trái phép chất ma túy.
Với sức lan tỏa của chương trình, theo đề nghị của các ngành, Thượng tá Hoàng Văn Định đã trực tiếp báo cáo tuyên truyền cho cán bộ cốt cán hội đồng nhân dân các cấp toàn tỉnh và cán bộ cốt cán Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đoàn viên thanh niên công nhân, đoàn viên khu dân cư. Cuối năm 2017, anh tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký kế hoạch phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các đơn vị TKV trên địa bàn. Hiện tại, mô hình đang được nhân rộng tới đối tượng đoàn viên, thanh niên khu dân cư, người trong độ tuổi lao động ở các khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất lớn có lực lượng lao động trẻ.
Để công tác tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả, Thượng tá Hoàng Văn Định đã chủ động liên hệ với Học viện Cảnh sát nhân dân để tìm hiểu, tiếp nhận thêm kiến thức mới, cũng như làm phong phú nguồn tài liệu để truyền tải đến các đối tượng được tuyên truyền. Đặc biệt, từ mô hình này, đến nay hầu hết công an 14 địa phương trong tỉnh và các chi đoàn phòng nghiệp vụ cũng đã đăng ký tham gia thực hiện.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Định, phần lớn người sử dụng ma túy tổng hợp có độ tuổi dưới 30. Thay vì sử dụng ở nơi vắng vẻ, ít người như những loại ma túy truyền thống, giới trẻ thường sử dụng ma túy tổng hợp tại các buổi sinh nhật, tụ tập đông người… Vì vậy, giải pháp tốt nhất đề phòng, chống ma túy xâm nhập vào thanh thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên vẫn là giảm cầu đi đôi với giảm cung.
Để thực hiện được mục tiêu đó, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và để nâng cao hiệu quả thì tuyên truyền được xem như giải pháp số 1 trong giảm cầu.
Thượng tá Hoàng Văn Định cho biết, từ trước đến nay, mặc dù việc tuyên tuyền ma túy đã được chú trọng, song mới chỉ được thực hiện một cách đại trà, chưa gắn với từng đối tượng cụ thể. Anh cho biết, với đối tượng là học sinh, sinh viên, tốt nhất là trang bị cho các em kiến thức về phòng chống ma túy ngay từ trong trường học. Điều đó sẽ giúp các em nhận thức được tác hại của ma túy, những quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy để khi chuyển sang một môi trường mới phức tạp hơn, các em đã có kỹ năng tự phòng tránh cho mình,
Thông qua mô hình này, rất cần thành lập một đội ngũ tình nguyện viên chuyên làm công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy có nhiệm vụ phổ biến kiến thức trong lĩnh vực này tại các trường học, khu phố trên địa bàn. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên, người dân được tiếp cận thông tin trực tiếp, được bày tỏ quan điểm, đưa ra các câu hỏi, giải đáp rõ ràng hơn…
Có như vậy, cuộc chiến chống ma túy, nhất là ma túy tổng hợp mới mang lại hiệu quả cao. Đây không chỉ là ý tưởng của cá nhân Thượng tá Hoàng Văn Định mà đó còn là suy nghĩ, mong muốn của cả xã hội để giúp giới trẻ tránh xa ma túy tổng hợp.
Nguyễn Khánh/CAND