Ngược dòng trong đại dịch Covid-19
Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top các chỉ số tăng trưởng tốt nhất trên thế giới; kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng gần 3% vào năm 2020, trong khi nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm ít nhất 4%. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới 5 năm qua và cũng là một trong những quốc gia hàng đầu có khả năng đưa tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường… Đó là những hình ảnh mà Việt Nam đang như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”.
Trong bối cảnh suy thoái trên toàn thế giới, đặc biệt là tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19, việc một quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại có những bứt phá ngược dòng không phải sự may mắn hay ngẫu nhiên. Thời điểm đầu năm 2020, khi mà Covid-19 mới bắt đầu nhen nhóm tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ và chính phủ các nước còn đánh giá thấp tính nguy hiểm thì Chính phủ Việt Nam hành động quyết liệt với một loạt các biện pháp như cách ly xã hội, khoanh vùng truy vết nguồn bệnh, dừng khai thác đường bay quốc tế, bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng,… Khi ấy, dư luận đâu đó vẫn còn hoài nghi rằng những biện pháp chống dịch tại Việt Nam là “thái quá” Những dự báo về kinh tế Việt Nam với đầy rẫy những viễn cảnh tối tăm được tạo dựng nên. Nhưng, sau tất cả, thực tiễn đã chứng minh những điều ngược lại.
Có thể thấy, chính phủ đã lựa chọn được những biện pháp đối phó với dịch bệnh phù hợp nhất với điều kiện, khả năng của đất nước. Không hy sinh, không đánh đổi chỉ để giữ những chỉ số kinh tế nhất thời, thay vào đó là lựa chọn sự ổn định, chắc chắn và an toàn. Không “màu mè” với những giá trị viển vông về “nhân quyền” của cá nhân như đòi hỏi được đi lại tự do, không đeo khẩu trang bất kể nhiễm bệnh… thay vào đó là lựa chọn cho một trật tự chung, có pháp luật, kỷ luật mà không ai bị bỏ lại phía sau. “Ngược dòng” trong cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề chính là cách mà Chính phủ đưa đất nước “ngược dòng” với tình trạng suy thoái toàn cầu.
Từ nền kinh tế chung tới vấn đề cụ thể hơn là giải quyết việc làm cho người lao động, một lần nữa phải đánh giá rất cao những quyết sách mà Chính phủ đã thực hiện. 5 năm qua cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động, hơn 635 ngàn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng – vượt tới 27% chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 31/12 vừa qua có khoảng 79 ngàn người đi lao động ở nước ngoài). Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%. Trong 5 năm, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Đến thời điểm đầu năm 2021, nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Trái ngược với tình hình khả quan tại Việt Nam, ở các nước phát triển, tình hình việc làm, lao động vẫn đang ngập trong sự tăm tối. Tại Mỹ, khoảng 40,4 triệu lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, số lao động thất nghiệp (tính trong tháng 6/2020) là 17,8 triệu người, trong khi con số này là vào khoảng 5-7 triệu trong 5 năm trở lại đây. Tại Liên hiệp châu Âu (EU), trong tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp là 6,7%, số lượng lao động bị thất nghiệp là 14,366 triệu người.
Sự đối lập về tình hình việc làm, lao động giữa Việt Nam với các quốc gia khác là sự công nhận cho những nỗ lực của Chính phủ đói với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển giai đoạn qua. Kết quả này không chỉ đơn giản đến từ sự hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà là nhờ vào nỗ lực của toàn ngành, toàn Chính phủ trong thực hiện đồng độ các biện pháp, giải pháp nhằm kết nối cung, cầu lao động.
Có thể kể đến vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, khi giai đoạn 2016 – 2020 đã giúp cung ứng việc làm đến gần 5 triệu lượt người, trong đó có 68,5% kết nối việc làm thành công. Nhiều giải pháp duy trì và phát triển các thị trường lao động ngoài nước được tiếp tục thực hiện đồng bộ, mở mới nhiều thị trường tiềm năng ở châu Âu như Séc, Đức, Áo, Bulgari, Rumani…
Về phía các doanh nghiệp, Chính phủ đã triển khai các chương trình hỗ trợ chung đến toàn bộ doanh nghiệp trên cả nước như: Gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí,… Nhờ đó, trái ngược với sự sụp đổ của hàng loạt các doanh nghiệp tại Mỹ hay châu Âu, các doanh nghiệp tại Việt Nam có điều kiện để khôi phục sản xuất, kinh doanh, thậm chí là có điều kiện phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Từ đây, thị trường việc làm, lao động cũng gián tiếp được bảo vệ.
Là công dân Việt Nam, những người lao động chân chính và những mầm non tương lai, chúng ta đều có quyền tự hào và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên rất nhiều những kỳ tích. Cùng với sự tự hào hay niềm tin ấy, không thể bỏ quên sự trân trọng và biết ơn với những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, của những lãnh đạo “có tâm, có tầm”. Chúng ta đang có một Chính phủ kiến tạo, hành động và thực sự là “Vì nhân dân”.
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.