+
Aa
-
like
comment

Ngưng thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Covivac

30/11/2021 19:29

Vắc xin Covivax được coi là 1 trong những niềm hy vọng vắc xin Covid-19 Việt Nam đã phải ngừng thử nghiệm giai đoạn 3 do không tìm được tình nguyện viên.

Tiêm thử nghiệm vắc xin Covivax.

Thông tin từ nhóm thử nghiệm vắc xin Covivac – vắc xin do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, phát triển, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Y Hà Nội thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 – cho biết IVAC đã có quyết định tạm ngưng thử nghiệm giai đoạn 3, theo kế hoạch trước đây sẽ tiến hành trong tháng 12 này.

Hiện hầu hết các tỉnh thành đều đã phủ xong mũi 1 vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi, số tiêm đủ 2 mũi đã đạt xấp xỉ 70%, việc tìm kiếm người đủ điều kiện thử nghiệm 2 mũi cơ bản hầu như không còn để thử nghiệm giai đoạn 3.

“Do người thử nghiệm liều cơ bản không còn, chúng tôi có tính đến phương án thử nghiệm mũi tiêm bổ sung, nhưng phải tháng 3 tới mới có thể tiến hành, do thời điểm đó mới đủ 6 tháng sau mũi 2 của những người tiêm vắc xin COVID-19 trong cộng đồng”, thành viên nhóm thử nghiệm Covivac chia sẻ.

Vị này cũng cho biết nhóm hiện đang thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Hippra do Tây Ban Nha phát triển, Việt Nam nhận thử nghiệm lâm sàng và mua vắc xin.

Vắc xin Covivax

Với 256 người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2, nhưng mới qua hơn 1 tuần đã có 2 người bỏ cuộc. nhóm nghiên cứu cũng cho biết vắc xin Hippra sẽ không thử nghiệm giai đoạn 3 như kế hoạch, mà đợi tháng 3 sang năm thử nghiệm mũi tiêm bổ sung.

Covivac là 1 trong 2 vắc xin COVID-19 phát triển hoàn toàn tại Việt Nam (cùng với Nano Covax). Tuy nhiên các chính sách đỡ đầu cho vắc xin, theo đánh giá của các chuyên gia là còn chậm, cả 2 vắc xin nội đều cùng không có cơ hội sử dụng cho tiêm chủng 2 mũi cơ bản.

Nếu nhanh chóng triển khai thử nghiệm hiệu quả liều bổ sung, vắc xin nội có thể được sử dụng vào năm sau, nhưng hiện chưa có nhà sản xuất vắc xin nội nào tiến hành nghiên cứu mũi bổ sung.

Tại Việt Nam, ngoài Covivac, Nano Covax, có vắc xin Arct-154 nhận chuyển giao công nghệ của Mỹ và Hippra của Tây Ban Nha, 2 vắc xin này đều đang thử nghiệm lâm sàng.

Trước đó, ngày 28/11 giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thuỵ Sĩ, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva và có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Cùng dự có Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen.

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghenbreyesus hoan nghênh và cảm ơn Chủ tịch nước cùng đoàn Việt Nam đã dành thời gian đến thăm trụ sở WHO.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của WHO trong lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng, tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh.

Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của Chương trình COVAX (Tiếp cận Toàn cầu vắc xin Covid-19) và các tổ chức vận hành COVAX, trong đó có WHO và GAVI trong thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.

Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD. Việt Nam nằm trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX, qua đó thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam.

Chủ tịch nước chia sẻ, Việt Nam đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ông đề nghị WHO, GAVI, Chương trình COVAX quan tâm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, năng lực tiêm chủng mở rộng.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Chương trình COVAX tiếp tục phân bổ và điều chuyển vắc xin tới Việt Nam càng nhanh và càng nhiều càng tốt, ưu tiên vắc xin cho trẻ em, cũng như hỗ trợ các vật tư y tế nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng giúp Việt Nam giữ vững thành quả kiểm soát dịch bệnh.

Chủ tịch nước mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin m-RNA, là nơi sản xuất vắc xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Ông đề nghị WHO hỗ trợ kỹ thuật cho vắc xin Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO.

Đồng thời đề nghị WHO có hình thức phối hợp với các nước để kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12) theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – đây là sáng kiến do Việt Nam đề xướng vào năm 2020 trong vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã được sự đồng bảo trợ của 112 quốc gia thành viên.

Tổng Giám đốc WHO bày tỏ ấn tượng trước những quyết tâm, nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, là bài học kinh nghiệm quý báu cho cộng đồng quốc tế.

Về vắc xin, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cung cấp vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

Tổng Giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc xin, sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vắc xin do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.

Ông cũng nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước, sẵn sàng có thông điệp nhân ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh vào 27/12 năm nay theo sáng kiến của Việt Nam. WHO sắp tổ chức phiên họp đặc biệt nhằm để các nước thảo luận khả năng xây dựng một hiệp ước phòng chống đại dịch cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn những thảm hoạ tương tự trong tương lai, mong Việt Nam xem xét tích cực đề xuất này.

Tổng Giám đốc WHO cảm ơn sự đóng góp tài chính của Việt Nam cho Chương trình COVAX và cho biết luôn sẵn sàng cùng các đối tác liên quan hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vắc xin và chuyển giao công nghệ vắc xin m-RNA.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam và bày tỏ ủng hộ đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc tạo cơ hội để có thêm người Việt Nam làm việc tại WHO.

Trần Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều