Ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt khi đang ở hải phận nước mình?
Chị Trần Thị Bích Liên (sinh 1978, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết tàu cá BV 4419TS của gia đình mình và tàu BL 93333TS đã bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ khi đang ở vùng biển Việt Nam. Có hay không sự việc này?
Ngày 26-3, trao đổi với PV, chị Liên cho biết sau nhiều lần mất liên lạc, sáng nay chị mới liên lạc được với chồng mình là anh Trần Hùng Dũng – chủ kiêm thuyền trưởng của tàu BV 4419TS. Chị đã gửi vài chục triệu đồng sang Indonesia cho chồng và các bạn ghe để ăn uống vì đang bị Indonesia giam giữ.
Bị bắt khi đang ở vùng biển Việt Nam?
Trước đó, vào lúc 6h45 ngày 18-3, tàu BV 4419TS bị tàu mang số hiệu 8001 của Indonesia bắt giữ. Cùng bị bắt với tàu này là một tàu thu mua hải sản của Bạc Liêu, mang số hiệu BL 93333TS.
Khi thấy tàu 8001 xuất hiện, hai tàu cá của Việt Nam đã nổ máy chạy sâu vào vùng biển VN nhưng tàu của Indonesia đã thả hai canô xuống đuổi theo và bắt kịp chỉ sau 10 phút. Hai canô của tàu 8001 khống chế tàu cá của Việt Nam, dẫn đưa về tàu 8001.
Chị Liên cho biết lúc bị lực lượng Indonesia bắt, trên tàu có chồng và con trai chị cùng 30 ngư dân khác, còn tàu BL 93333TS có 12 ngư dân.
Chị Liên kể lại, vào sáng sớm ngày 18-3, chị và chồng vẫn liên lạc với nhau. Nhưng đến gần 8h cùng ngày chị nhận thông tin tàu của gia đình “đang bị tàu Indonesia cập”. Sau đó thì tàu BV 4419TS mất liên lạc, định vị của tàu cũng bị tắt.
Đáng chú ý, theo chị Liên, lúc bị tàu chấp pháp của Indonesia bắt, tàu của gia đình đang đánh cá ở tọa độ 6047’37″ vĩ độ Bắc – 109033’41″ kinh độ Đông, là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và được ngành chức năng cấp phép đánh bắt.
Cũng theo chị Liên, sau khi bắt tàu cá Việt Nam, phía Indonesia đã kéo hai tàu cá của Việt Nam sang hải phận của họ và rút hộp đen, định vị của tàu và chỉ mở lại vào chiều cùng ngày, lúc này vị trí của hai tàu cá Việt Nam đã nằm trong lãnh hải Indonesia.
Ngày 19-3, chị Liên đã có đơn trình báo sự việc và xin bảo hộ công dân gửi các cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Ngày 26-3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hoàng, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xác nhận ngày 18-3, ngay sau khi hay tin tàu cá của mình bị Indonesia bắt giữ, phía chủ tàu đã cử người lên chi cục để xem định vị giám sát hành trình của tàu cá.
“Vị trí tàu cá vào sáng 18-3 thuộc vùng biển Việt Nam hoàn toàn chứ không phải vùng chồng lấn, tranh chấp”, ông Hoàng khẳng định.
Liệu trước khi bị bắt, tàu cá Việt Nam đã đánh cá ở vùng biển của Indonesia? Ông Hoàng cho biết khả năng này là không có vì tàu BV4419TS là tàu lưới vây, đánh bắt hải sản xung quanh “cội chà” (“cội chà” hình thành là do ngư dân thả xuống biển những cây tre bự, đá chẻ, cành cây để cá đến trú ở, ẩn nấp và ngư dân thả lưới xung quanh “cội chà” để đánh bắt cá – PV).
Trong khi đó, chị Liên cũng khẳng định “cội chà” của gia đình mình ở vị trí trên đã có từ hơn 20 năm nay và gia đình chị thường xuyên đánh bắt cá ở đây.
Ngày 25-3, trả lời câu hỏi của phóng viên trước thông tin tàu cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu cùng thuyền viên bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng về vụ việc tàu cá của Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ.
Cụ thể, ngày 18-3-2021, hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu BV4419TS và tàu cá BL9333TS đã bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ trong khi đang đánh bắt tại khu vực đường phân định của Việt Nam và Indonesia.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị với phía Indonesia trao trả các ngư dân và tàu cá.
ĐÔNG HÀ