Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa
Hôm qua (4.4), 4 ngư dân Quảng Ngãi trong số 8 ngư dân trên tàu cá QNg-90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa đã về đến đất liền.
Như PV đã thông tin, khoảng 3 giờ sáng 2.4, tàu cá QNg-90617 TS của ông Trần Hồng Thọ (ngụ xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), trên tàu có 8 ngư dân, đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau đó, các tàu cá QNg-90929 TS của ông Nguyễn Thành Linh, QNg-90399 TS của ông Đặng Dũng và QNg-90045 TS của ông Đặng Tằm (đều ngụ cùng xã) chạy đến cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm.
Tuy nhiên, các tàu cá nói trên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phun vòi rồng. Hậu quả, tàu cá của ông Tằm bể kính cabin và hư hỏng một số thiết bị; tàu cá của ông Linh và tàu cá của ông Dũng bị phía Trung Quốc khống chế. Sau đó, phía Trung Quốc đã thả 2 tàu cá và các ngư dân.
Đang ngủ thì nghe “ầm”, tàu chìm xuống biển
Chiều 4.4, khi trao đổi với PV, ngư dân Võ Duy Khánh (36 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, thuyền viên trên tàu cá của ông Thọ) còn hãi hùng: “Nói thiệt là khi ấy sợ lắm. Giờ đến nhà rồi, khỏe rồi”. Rồi anh Khánh kể tiếp: “Tàu tui là tàu làm ban ngày. Nghề lặn mà. Cả ngày dầm sâu trong nước biển vài mươi mét. Ban đêm ngủ bù lấy sức. Khoảng 3 giờ sáng, thời gian ngủ ngon nhất trong đêm, thì bỗng nghe cái ầm, tàu như bị hất văng, chao đảo dữ dội rồi chìm xuống biển”.
Tàu tui là tàu làm ban ngày. Nghề lặn mà. Cả ngày dầm sâu trong nước biển vài mươi mét. Ban đêm ngủ bù lấy sức. Khoảng 3 giờ sáng, thời gian ngủ ngon nhất trong đêm, thì bỗng nghe cái ầm, tàu như bị hất văng, chao đảo dữ dội rồi chìm xuống biển
Ngư dân Võ Duy Khánh
Anh Khánh nói, nếu tài công cùng về chuyến này thì sẽ kể rõ cái đêm hãi hùng đó. Bởi khi anh em ngủ, tài công thức canh tàu cá. Khi tàu bị tàu Trung Quốc đâm sầm vào, tất cả anh em tỉnh ngủ ngay và bật dậy, vội khoác áo phao vào người. Chỉ khoảng 20 phút sau, con tàu đã chìm nghỉm. Phần đuôi dần dần chìm sâu xuống nước, sau đến thân tàu và đến phần mũi thì nhô lên cao. 8 ngư dân bấu víu vào cái mũi tàu ấy. Ngày đi ra biển, mũi tàu đi trước, giờ nó là thứ sau cùng của con tàu còn nhô lên mặt biển, gồng gánh 8 ngư dân, cố cứu lấy mạng sống của họ.
“Biển đêm muôn trùng, đen thẳm. Chắc chết. Anh em tui nghĩ vậy khi thấy tàu Trung Quốc đi xa dần chỗ tàu chìm. Thế nhưng khoảng vài mươi phút sau, tàu Trung Quốc quay lại vớt 8 anh em lên. Mấy tay Trung Quốc không đánh đập nhưng bắt cả 8 anh em lên tàu, buộc ngồi xuống co ro riêng ở một góc. Sau đó, cả nhóm tụi tui ở suốt trên tàu chứ không bị đưa vào đảo”, anh Khánh kể tiếp.
Ngay sau khi tàu cá của ông Thọ bị đâm chìm, các tàu cá của các ông Đặng Dũng, Đặng Tằm và Nguyễn Thành Linh hay tin qua bộ đàm lần lượt chạy đến ứng cứu. Người cùng quê hương, đánh bắt trên một vùng biển, lúc hoạn nạn họ thương nhau, chia sẻ cùng nhau. Đến nơi, các ngư dân chỉ thấy một tàu màu trắng to lớn của Trung Quốc hiện diện. Còn các ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm thì không thấy. Các tàu cá này chạy vòng đi tìm tàu bị đánh đắm và ngư dân, thì bị tàu Trung Quốc xua đuổi, dùng vòi rồng phun.
Đến tối hôm đó, anh Khánh và 3 ngư dân được phía Trung Quốc cho xuống tàu ông Đặng Dũng; 4 ngư dân còn lại, trong đó có tài công, thì giao cho tàu ông Tằm hay tàu ông Linh, anh Khánh không biết rõ.
Cuộc rượt đuổi 28 hải lý và đập phá tài sản
Chiều 4.4, liên lạc với PV, ông Đặng Dũng, 48 tuổi, chủ tàu cá QNg-90399 TS, đang trong khu cách ly tập trung ở Trung tâm y tế H.Bình Sơn (cơ sở 2), kể lại với giọng còn mệt mỏi. Ông Dũng cho biết, khi nhận tin tàu cá của ông Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào khoảng 3 giờ sáng, tàu ông Dũng đang cách đó 17 hải lý, liền tức tốc mở máy chạy đến nơi tìm kiếm, cứu nạn nhưng chỉ thấy tàu cảnh sát biển của Trung Quốc màu trắng, còn tàu của ông Thọ đã chìm, chỉ còn chóp mũi tàu nhô lên trên đầu sóng. Khi đó, ngoài tàu ông Dũng, còn có tàu cá của ông Tằm và tàu cá của ông Linh cũng chạy đến cứu nạn.
Cả 3 tàu quanh quẩn tìm kiếm 8 ngư dân trên tàu cá của ông Thọ hơn 1 giờ, thì tàu Trung Quốc gọi thêm một tàu nữa đến, cũng to không kém, bắt đầu xua đuổi 3 tàu cá ngư dân xã Bình Châu. Tàu cá ông Tằm bị phun vòi rồng, hư hỏng nên bỏ chạy, còn tàu ông Dũng và tàu ông Linh thì bị rượt chạy dài. “Tui lái tàu chạy thẳng. Ban đầu, nó đuổi khoảng hơn 12 hải lý thì dừng lại và có một chiếc khác xuất hiện, đuổi theo tàu tui khoảng 15 hải lý nữa. Nó tăng tốc chặn ngang không cho tàu tui chạy. Sợ nó tông chìm nên tui chạy chậm và dừng tàu”, ông Dũng kể.
Sau đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc thả ca nô xuống chạy qua tàu cá ông Dũng, 5 cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu và buộc quay lại chỗ tàu cá ông Thọ bị đâm chìm. Lúc này, tất cả điện thoại của ngư dân bị tịch thu. Phía Trung Quốc săm soi và xóa sạch những tư liệu mà ngư dân xã Bình Châu quay được về hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn chặt phá thiết bị, bình hơi lặn, dây lặn… trên tàu ông Dũng. Chủ tàu cá này cũng cho biết đã đánh bắt 20 ngày trên biển, hải sản đầy tàu, phía Trung Quốc đã lấy mất 3 tấn cá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Khi tàu ông Dũng trở lại nơi tàu bị đâm chìm, đã thấy tàu cá ông Linh ở đó. Tàu cá của ông Linh vừa mới ra biển nên đánh bắt chưa được gì, nhưng đã bị đập, chặt phá sạch thiết bị nghề lặn. Đến khoảng 18 giờ, tất cả tàu cá và ngư dân xã Bình Châu được thả. Ông Dũng đưa ngư dân về, còn ông Linh thì ở lại trên biển, mượn thiết bị để tiếp tục hành nghề.
Nỗi lòng ngư dân từ khu cách ly
Nhiều năm đi biển, ngư dân Khánh và anh em bạn chài có người từng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi trên biển Hoàng Sa, nhưng bị tông vỡ tàu thì với nhiều anh em đây là lần đầu tiên. “Nhiều người sợ lỡ bị nó nhốt thì không biết bao giờ về, không biết rồi ai nuôi vợ con, cha mẹ ở nhà. May mà về được, sau những giờ lo lắng, giờ ai cũng hoàn hồn”, anh Khánh chia sẻ.
Anh Khánh còn cho biết, vợ đang mang bầu 4 tháng và con lớn năm nay mới học mẫu giáo. Vợ lại chẳng có việc làm nên cả nhà trông vào những phiên biển đầy sóng gió của anh. “Giờ ra biển kiểu này, bị tông chìm, bị đuổi, thật không dễ để sống với nghề biển”, anh Khánh lo lắng.
Tàu cá của ông Thọ đã đi biển cách đây 14 ngày, gần nửa thời gian mỗi chuyến đi biển. Ngoài con tàu, nhiên liệu và đồ dùng đi biển, 8 ngư dân mất khoảng 140 triệu đồng tổn phí khác. Số tiền khá lớn trong thời điểm bây giờ. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, một chiếc tàu cá, là tài sản cả đời của một ngư dân. Mất mát nhiều, nhưng do chủ tàu chưa về đất liền, chưa thể thống kê được thiệt hại cụ thể.
Theo UBND xã Bình Châu, tàu của ông Dũng cập bờ có 14 lao động, trong đó có 4 ngư dân trên tàu cá ông Thọ, 4 ngư dân còn lại do tàu cá khác chở về sau. Thương cho các ngư dân, nếu thời điểm khác vào bờ, sẽ được về với vợ con, ăn bữa cơm trấn an sau phút giây hãi hùng trên biển. Còn thời điểm này, dịch Covid-19 đang hoành hành, tàu vừa cập bờ thì Trung tâm y tế H.Bình Sơn đã chuẩn bị sẵn 2 ô tô đưa họ thẳng vào khu cách ly tập trung.
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế H.Bình Sơn cho biết, các ngư dân được chăm sóc y tế, đo thân nhiệt và ăn uống để phục hồi sức khỏe. Hiện sức khỏe các ngư dân đều ổn định. Theo các ngư dân, khi bị bắt, họ thấy nhân viên trên tàu Trung Quốc bịt mặt rất kỹ nên cũng không ngại lắm việc bị lây nhiễm Covid-19.