+
Aa
-
like
comment

Ngôi sao Michelin và viên ngọc báu mang tên Việt Nam

Bích Vân - 07/06/2023 13:21

Nền ẩm thực đặc sắc của Việt Nam sẽ mở ra con đường mới cho du lịch, như những gì mà Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore đang có được.

4 nhà hàng Việt được vinh danh 1 sao Michelin

Không ít những con phố nhỏ ở các quốc gia châu Á, nhờ có Michelin Guide đặt chân đến mà nổi tiếng khắp thế giới, trở thành điểm đến mà khách du lịch không thể bỏ lỡ.

Nhiều điểm đến châu Á thay đổi vị thế nhờ Michelin Guide

Một ngôi sao sáng về du lịch của châu Á phải nhắc đến Thái Lan, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, đất nước này đã đón lượng khách quốc tế vượt mốc 6 triệu và chưa có dấu hiệu chững lại.

Ở xứ sở Chùa Vàng này có tới 35 nhà hàng được gắn sao Michelin, nhưng duy chỉ có 1 quán ăn đường phố gắn 1 sao từ năm 2018. Cửa hàng Jay Fai nằm trên đường Mahachai, Samran Rat, Bangkok, bán những món gắn liền với câu chuyện tuổi thơ của Jay Fai như trứng tráng cua, súp tôm chua cay (tomyum), mì xào cay (pad kee mao). Tuy chỉ là một quán ăn nhỏ, kê chưa tới 10 chiếc bàn nhưng lúc nào, người ta cũng xếp hàng dài ở dọc con đường, chờ tới lượt được vào thưởng thức.

Thậm chí, để trở thành vị khách đầu tiên được phục vụ, nhiều người đã phải tới vào lúc 7h – 7h30 sáng, mặc dù phải tới 2 giờ chiều quán mới hoạt động. Xét về giá cả, ở Jay Fai, du khách sẽ phải trả từ 500 – 1.500 bath Thái cho một món, không hề rẻ so với nhiều nhà hàng bình dân khác. Thêm nữa, trước kia, khi đến Thái, người ta thường chỉ tìm ăn tomyum hay padthai nhưng kể từ khi Michelin công bố, món ăn được tìm kiếm nhiều nhất chính là trứng tráng cua của Jay Fai.

Cửa hàng Jay Fai tại Thái Lan

Với Singapore, câu chuyện cũng tương tự, Michelin Guide đã giúp những khu bán hàng lề đường ở đây thêm đổi khác. Khách du lịch, ai mà không biết Hawker Chan – hàng cơm gà trong khu Chinatown, quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới được gắn sao vào năm 2016, cũng là quán đường phố có giá rẻ nhất được gắn sao Michelin: 2,25 USD.

Sau Hawker Chan, một nhà hàng bình dân ở Singapore là Tai Hwa cũng tiếp tục được gắn sao. Mặc dù giá thành mỗi bát mì tăng nhẹ so với lúc trước nhưng với nhiều người, mức 4,5 USD để ngồi trong một quán ăn có gắn sao Michelin đã quá hời.

Còn nhớ, khi Michelin ghé thăm Nhật Bản vào năm 2017 và một năm sau, cuốn sách Michelin Guide Nhật Bản đã được xuất bản. Theo số liệu ghi lại, chỉ sau hơn 1 tháng, có tới 300.000 cuốn sách được bán ra và sau 2 năm, Tokyo đã vượt mặt Paris (Pháp), giành lấy danh hiệu thủ đô có nhiều nhà hàng 3 sao Michelin nhất. Từ đó đến nay, Nhật Bản vẫn thống trị bảng xếp hạng đất nước xuất hiện nhiều nhất trong danh sách những nhà hàng Michelin đắt nhất. Dù cho việc đặt lịch tại các nhà hàng này là rất khó khăn, thường sẽ phải đặt trước khoảng 3 tháng, có khi là 1 năm và giá cả thì không hề rẻ. Thế nhưng người ta vẫn thi nhau đến Nhật để càn quét các nhà hàng được sao.

Ảnh: Michelin Guide

Tuy nhiên, ẩm thực đường phố ở xứ sở hoa anh đào vẫn có chỗ đứng nhất định. Bằng chứng sống chính là tiệm mì ramen Tsuta đã được Michelin Guide ghé thăm vào năm 2016. Để thưởng thức bát mì ramen trong cửa hàng chỉ có 9 chỗ ngồi này, khách phải xếp hàng từ 7 giờ sáng để lấy vé và đặt cọc 1000 yên. Mà kể cả có trở lại vào đúng giờ hẹn trên vé thì vẫn phải xếp hàng thêm cả tiếng đồng hồ nữa mới đến lượt nhận.

Điểm chung của Jay Fai, Hawker Chan hay Tsuta… đều là những hàng quán có không gian khiêm tốn, giá thành rẻ và chất chứa những câu chuyện đời thường. Người ta hoàn toàn có thể tìm thấy ở bất cứ con phố nào, trên khắp các đất nước, ngay cả ở Việt Nam.

Ẩm thực Việt có nhiều tiềm năng hơn thế

Mãi cho đến cuối năm 2022, Michelin Guide mới đặt chân tới Việt Nam, thế nhưng, trước đó, ẩm thực đường phố nước ta đã nhiều lần khiến các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực xuýt xoa khi thưởng thức món ăn 3 miền.

Các món ăn của ta liên tục được nhắc đến trong các bảng xếp hạng lớn của thế giới, như Top những món ăn tráng miệng ngon nhất; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, hay vào tháng đầu năm 2023, Việt Nam được Travel + Leisure xướng tên là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á. Riêng TP.HCM đã được CNN Traveler ví như “kinh đô ẩm thực Việt Nam” và Hà Nội được The Telegraph xếp nằm trong top thành phố có món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

Ẩm thực Việt được cả thế giới đánh giá cao

Ngay cả khi chưa có Michelin, tại Hà Nội và TP.HCM, cảnh thực khách xếp hàng dài đã vô cùng quen thuộc ở các quán ăn đường phố, từ phở, cơm đến bánh mì… Hay như một vài năm trước, sau khi tổng thống Obama ghé thăm hàng bún chả Hương Liên, mỗi ngày, cửa hàng trên con phố Lê Văn Hưu đón hàng trăm thực khách quốc tế tới thưởng thức.

Ở Nhật Bản, phong cách omakase thường được thấy ở các nhà hàng cao cấp, đầu bếp chính là người sẽ quyết định nấu cho khách món gì. Nhờ phong cách này mà các đầu bếp sẽ có thêm cảm hứng sáng tạo, còn du khách được đưa vào hành trình khám phá, tận hưởng những hương vị khác nhau của ẩm thực. Ta cũng có thể bắt gặp điều này ở chính các quán ăn đường phố Việt Nam. Mỗi tiệm phở, hàng cơm bình dân hay các tiệm bánh mì, mỗi người chủ quán, đầu bếp đều có một công thức chế biến riêng, không hàng nào đụng với hàng nào. Đây cũng là yếu tố kích thích các thực khách phải tới tận nơi để thử và cảm nhận.

Trước thềm lễ công bố danh sách nhà hàng được gắn sao, chính một cây bút của Michelin guide đã nhận định “Việt Nam là một kho tàng ẩm thực vang danh thế giới”.

Thêm vào đó, giá cả cũng là một thế mạnh của ẩm thực Việt, dù là phân khúc bình dân hay cao cấp thì mức giá của chúng ta vẫn tốt hơn ở các quốc gia đã được Michelin đặt chân tới.

Trước thềm lễ công bố danh sách nhà hàng được gắn sao, chính một cây bút của Michelin guide đã nhận định “Việt Nam là một kho tàng ẩm thực vang danh thế giới”.

Trong suốt hơn 10 năm tồn tại, dường như Michelin dừng chân ở đâu là tiếng tăm ẩm thực của vùng đất đó được khẳng định, giúp mang lại sức hút lớn cho ngành du lịch, bên cạnh loại hình phổ biến là du lịch văn hóa.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều