+
Aa
-
like
comment

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ sẽ triển khai tên lửa ở châu Á

05/08/2019 08:37

Quyết định về việc triển khai “tài nguyên quốc phòng” ở bất cứ nơi nào đều được Washington đưa ra sau khi “tham khảo ý kiến một cách rõ ràng” với các đối tác.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất trong các lá chắn tên lửa của Mỹ, nhưng chỉ tập trung cho tên lửa tầm ngắn.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất trong các lá chắn tên lửa của Mỹ, nhưng chỉ tập trung cho tên lửa tầm ngắn.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm tới Australia, và được cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao công bố hôm Chủ nhật, ngày 4/8.

Câu hỏi được đặt cho ông Pompeo là liệu tuyên bố này có đồng nghĩa với việc các tên lửa có thể được triển khai tại căn cứ quân sự gần thành phố Darwin ở miền bắc Australia, nơi có hơn một ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ đang đóng quân.

“Liên quan đến việc chúng tôi sẽ đặt những tên lửa này ở đâu, thực sự mà nói, các quyết định về việc triển khai lực lượng, triển khai tên lửa, hay về tất cả những điều mà chúng tôi làm trên khắp thế giới – đó là những điều mà chúng tôi thường xuyên phải cân nhắc. Chúng tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi đang bảo vệ các đối tác, bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Tôi nghĩ rằng, những nỗ lực của chúng tôi trong việc triển khai các tài nguyên, các tài nguyên quốc phòng của chúng tôi nhằm giữ gìn ổn định và duy trì răn đe trên thế giới – là những gì mà chúng tôi luôn cân nhắc, chúng tôi hài lòng về điều đó và sẽ tham khảo ý kiến chặt chẽ với từng đối tác” – ông Pompeo phát biểu.

Trước đó, hôm 3/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng tuyên bố ủng hộ kế hoạch triển khai các tên lửa đất đối không tầm trung ở khu vực châu Á sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Nga-Mỹ về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ sẽ triển khai tên lửa ở châu Á sau khi tham vấn các đối tác
Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ cho triển khai tên lửa sau khi tham vấn các đối tác. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định lý do mà Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp ước INF chính là vì đã có những vi phạm hiệp ước từ phía Nga.

“Bộ trưởng Esper cũng đề cập đến thực tế việc chúng tôi quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là cần thiết sau nhiều năm cố gắng thuyết phục người Nga quay trở lại tuân thủ (các điều khoản thỏa thuận)… Và vì thế giờ đây chúng tôi buộc phải có các hành động để bắt kịp người Nga, và để chúng tôi cũng có được cơ hội thực hiện các chức trách của mình liên quan đến vấn đề này” – ông cho biết thêm.

Trước đó, vào hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo rằng Hiệp ước INF chính thức chấm dứt vào ngày 2/8 do hành động khởi xướng từ phía Mỹ. Giải thích cho hành động của mình, Washington cáo buộc Matxcơva đã từ chối thực hiện tối hậu thư của Mỹ về việc yêu cầu tiêu hủy hoàn toàn các tên lửa hành trình 9M729 – loại tên lửa mà theo khẳng định của Mỹ và các đồng minh NATO là vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF.

Đáp lại, Matxcơva bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định rằng đặc tính kỹ thuật của tên lửa 9M729 hoàn toàn nằm trong các thông số được hiệp ước cho phép, và đồng thời bác bỏ yêu sách ngang ngược của Washington.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều