+
Aa
-
like
comment

“Ngoại giao Việt Nam – nghệ thuật của những điều có thể”

Tường Vi - 05/12/2021 18:32

Đó là lời nhận định từ năm 2020 của giáo sư Carl Thayer khi quan sát về chiến thuật ngoại giao, những dấu ấn đậm nét, vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. “Có thể nói Việt Nam có cách tiếp cận thực tế đối với những sự kiện lớn mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được”, đến thời điểm hiện tại, lời nhận định đó của giáo sư Carl Thayer vẫn còn nguyên giá trị.

Một trong những sự việc đáng chú ý nhất với giới ngoại giao trong thời gian gần đây là những chuyến công du diễn ra liên tiếp, nối dài của các lãnh đạo Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 tháng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ tham gia Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thăm Cuba, công du Châu âu, Thụy Sĩ; Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP 26, thăm Pháp và Anh. Vừa kết thúc chuyến công du Châu âu chưa bao lâu, Thủ tướng lại tiếp tục thăm Nhật Bản.

Điểm chung, chuyến công du nào của lãnh đạo cấp cao cũng để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và trở thành chủ đề thời sự nổi bật trên các mặt báo và mạng xã hội.

Nghệ thuật ngoại giao đỉnh cao của Việt Nam

Lợi thế của Việt Nam chính là ở cạnh Trung Quốc mà vẫn có thể chơi với Mỹ, chơi với EU và Nga một cách bình thường. Điều đặc biệt, Việt Nam có mối quan hệ thân thiết và là đối tác tin cậy kể cả với “cặp đôi” các quốc gia đang có mâu thuẫn sâu sắc với nhau: Anh – Pháp, Cuba – Mỹ… Đây là đặc quyền rất hiển nhiên của Việt Nam – một nước độc lập. Lẽ dĩ nhiên, điều đó xuất phát từ thái độ, bản lĩnh và đường hướng ngoại giao khéo léo, rất đặc biệt của Việt Nam, mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được.

 

Nói đến công tác ngoại giao đem về cho Việt Nam sự phát triển, phải kể đến chuyến công du Châu Âu đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thăm Pháp và làm việc tại Anh Quốc gần đây, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong bối Pháp và Anh đã “cơm không lành, canh không ngọt”, căng thẳng leo thang, cạch mặt nhau liên quan đến tàu ngầm. Nhưng trước khi Thủ tướng Việt Nam có chuyến thăm chính thức, cả hai quốc gia đều mong đợi được đón tiếp phái đoàn. Và sau khi kết thúc chuyến thăm, kết quả không chỉ dừng lại ở những hợp đồng tỷ USD được ký kết với hai nước, mà còn mở ra những hợp tác lâu dài cho tương lai.

Có thể nói, Việt Nam đã được lòng với cả hai quốc gia Anh – Pháp nhờ vào ứng xử ngoại giao khéo léo. Tại Anh, Việt Nam thực hiện các hợp đồng, trao đổi về lĩnh vực khí hậu, giáo dục, công nghệ hàng không, bảo hiểm và phát triển bền vững… Còn tại Pháp, đó là các hợp đồng, cam kết trong các lĩnh vực như công nghiệp điện, nông nghiệp sạch, công nghiệp ô tô, công nghiệp chế tạo và có cả hàng không dân dụng… Chính vì các lĩnh vực ký kết đều tách biệt, Việt Nam cân bằng được lợi ích giữa hai quốc gia đang có những mâu thuẫn lớn về ngoại giao, không tạo ra những cuộc xung đột về lợi ích của các doanh nghiệp Anh – Pháp.

Nói về ngoại giao Việt Nam, có lẽ đến cả những người kỹ tính nhất cũng khó có thể tìm ra điều nào để mà chê trách. Nói như giáo sư Carl Thayer: “Công tác đối ngoại của Việt Nam đã góp phần đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác chủ chốt, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu”. Đó cũng chính là một trong những điểm cộng cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vị thế Việt Nam ngày càng nâng tầm trên trường quốc tế

Đó là nhận định không chỉ với chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước, mà còn được nhìn nhận thông qua những kỳ vọng của các quốc gia mong muốn tăng cường sự hợp tác, nâng tầm chiến lược với Việt Nam.

Một sự kiện mà giới quan sát không thể không quan tâm với Việt Nam trong năm 2021, trước khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ để tham gia Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, có phiên làm việc chính thức với các tập đoàn, doanh nghiệp và một số lãnh đạo, quan chức của Mỹ. Việt Nam sẽ ghé thăm đất nước Cuba. Trong khi đó, Mỹ và Cuba – hai quốc gia đang căng thẳng tột đỉnh với lệnh cấm vận của Mỹ phát đến Cuba.

Dù Mỹ biết rõ lịch trình của Việt Nam là thế, tuy nhiên một loạt các hợp đồng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia Việt – Mỹ vẫn được ký kết và kỳ vọng sẽ mở rộng thêm hợp tác ở tương lai. Đáng chú ý hơn, trong chuyến thăm chính thức của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam, đích thân Phó Tổng thống Kamala Harris đề nghị: “Mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam từ quan hệ Đối tác Toàn diện lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược” – ngay lập tức trở thành tâm điểm của báo chí.

Đề nghị của bà Kamala Harris được giới quan sát bình luận, nhìn nhận đó như một chỉ định ngoại giao phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Đến đây thì hẳn ai cũng đã xác định được vị thế của Việt Nam đang ở mức nào trên trường quốc tế?

Mở ra nhiều cơ hội nâng cao đời sống cho nhân dân

Trong thời buổi “hậu Covid-19”, các quốc gia đều phải dựng xây và vực dậy nền kinh tế từ những “đóng đổ nát” như hiện nay, khi lãnh đạo ký kết một hợp đồng kinh tế đồng nghĩa thêm một điểm nghẽn, khó khăn của người dân được tháo gỡ.

Chính vì vậy mà những chuyến công du của các lãnh đạo cấp cao bao giờ cũng đem lại sự chờ đợi, phấn khởi trong nhân dân. Bởi, quà mà lãnh đạo đem về cho đất nước không chỉ là niềm tự hào dân tộc khi nhìn thấy hình ảnh nguyên thủ các quốc gia nồng nhiệt chào mừng, đón tiếp lãnh đạo quốc gia mình trịnh trọng; không chỉ là những liều vaccine và trang thiết bị y tế được mua, được tặng. Mà giá trị của những hợp đồng kinh tế hàng chục tỷ USD ký kết với tập đoàn, doanh nghiệp nước bạn là những món quà “đặc biệt nhất” – sẽ giúp người dân mình phục hồi cuộc sống sau đại dịch; giải quyết bài toán khó về cơm, áo, gạo, tiền, chữa bệnh sau đại dịch, đang ám ảnh và chi phối trong tâm trí, cũng là nỗi quan tâm hàng đầu của biết bao người dân nước mình.

Chỉ riêng với chuyến công du gần đây nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến Nhật Bản 3 ngày nhưng người dân đã được thụ hưởng một loạt giá trị chất lượng cao, khi: Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi – đơn vị chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản muốn xây cơ sở sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam; Tập đoàn “vua cá ngừ Nhật Bản” Kiyomura – nơi cung cấp nguyên liệu chính cho nhiều món ăn cao cấp tại Nhật hợp tác mua cá ngừ Việt Nam với giá cao; Hơn mười tập đoàn công nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam, để giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam. Bấy nhiêu cũng đủ tín hiệu, cơ sở để người dân tin tưởng hơn những nút thắt trong cuộc sống sẽ được gỡ trong thời gian tới.

Đến đây thì hẳn ai cũng tự tin nhận định: Bầu trời tại Việt Nam đã ngày càng sáng hơn, mặc dù bóng ma Corona vẫn còn đang phủ.

Tường Vi 

Bài mới
Đọc nhiều