+
Aa
-
like
comment

Ngoại giao độc lập trong tình hình mới

Huy Hoàng - 28/07/2022 11:03

Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ngày 20/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, những thay đổi thực sự mang tính cách mạng và to lớn hiện nay sẽ dẫn đến việc tạo ra một trật tự thế giới mới. Và theo ông, trong kỷ nguyên mới đó, chỉ những quốc gia nào có “chủ quyền thực sự” thì mới đảm bảo được động lực tăng trưởng cao và được tự do phát triển”. Tại sao ông ấy lại tuyên bố như vậy?

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Moscow ngày 20.7

Quyền tự quyết – xu thế mới của nhiều quốc gia

Có lẽ giờ đây chúng ta đã không còn quá xa lạ với cụm từ trật tự thế giới mới mà ông Putin đề cập trong bài phát biểu. Bởi trước sức ép của Mỹ và đồng minh, Nga và Trung Quốc đã ấp ủ từ rất lâu một kế hoạch lập nên một vùng trung tâm chính trị mới cho riêng mình. Nhưng điều đáng nói, cũng chính hai ông lớn này khi trong quá trình tạo lập thế lực cho bản thân, đã tạo ra một xu thế khó có thể đảo ngược trên khắp thế giới, đó là các nước nhỏ hơn lại đang ngày càng muốn tự chủ hơn, ít phụ thuộc hơn, làm ăn sòng phẳng hơn và đặc biệt là muốn tự định đoạt số phận cho riêng mình. Tập hợp tất cả những điều này được Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là một quốc gia có chủ quyền thực sự. Ông định nghĩa các quốc gia có chủ quyền thực sự là những nước “được tự do phát triển quốc gia”.

Có một điều cần phải hiểu là bối cảnh trật tự thế giới mới mà Nga đề cập rất khác so với thời lưỡng cực giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Khi ấy các nước hoặc là chọn làm đồng minh của Mỹ, hoặc là chọn làm đồng minh của Liên Xô, rất ít nước có thể đi theo đường lối trung lập. Nhưng trật tự thế giới mới ngày nay sẽ tạo điều kiện cho các nước nhỏ thực hiện hóa đường lối đó. Lý do rất đơn giản là bởi giờ đây đã có thêm một nhân tố mới là Trung Quốc, thậm chí là cả Ấn Độ. Càng nhiều nhân tố mới xuất hiện sẽ tạo ra càng nhiều cơ hội hơn cho các nước nhỏ đứng giữa những ông lớn này. Từ đó thi hành những chính sách mặc cả thích đáng để củng cố được vị thế trung lập cho quốc gia. Xu thế này tuy có vẻ phức tạp hơn là việc chọn cho mình một siêu cường để làm đồng minh. Nhưng nếu nhìn nhận một cách cẩn thận, sẽ thấy đứng ở vị thế trung lập, giữ cho bản thân mình quyền tự quyết bao giờ cũng mang lại lợi ích bền vững hơn cả.

“Quyền tự do phát triển quốc gia” mang lại nhiều lợi ích hơn là duy trì một mối quan hệ đồng minh

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters)

Điển hình như chuyến công du của Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê Út hôm 16/7 mới đây. Khi phía Mỹ đề nghị nâng sản lượng dầu thô cung cấp ra thị trường, Ả Rập Xê Út đã thông báo rằng quốc gia của họ không thể tăng thêm sản lượng được nữa. Và Mỹ nên kiên nhẫn chờ kết quả của cuộc họp OPEC sắp tổ chức tới đây. Việc Ả Rập Xê Út không bơm thêm dầu, đơn giản là vì giá dầu vẫn ở mức cao, việc gia tăng nguồn cung lúc này sẽ làm họ phải bán với cái giá rẻ mạt cho Mỹ.

Hay như một quốc gia khác là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên cốt cáng của NATO cũng chẳng sợ làm sứt mẻ quan hệ với Mỹ khi đặt mua một loạt hệ thống phòng không S-400 của Nga. Và để mặc cả, họ thậm chí còn làm khó dễ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO để buộc tổ chức này phải hủy bỏ các lệnh trừng phạt do đã từng mua vũ khí của Nga.

Xe tăng của Ukraine ở khu vực Lugansk, tháng 2/2022. Ảnh: AFP

Trái ngược với những quốc gia trên, thì Ukraine lại có phương hướng ngoại giao có thể xem là một dư âm còn sót lại từ thời chiến tranh lạnh. Khi mà họ muốn dựa hoàn toàn vào Hoa Kỳ để đối đầu với Nga. Nhưng thực tế đã cho thấy cuối cùng Mỹ chỉ xem Ukraine là một “con cờ” để gia tăng lợi ích. Quân đội Mỹ đã không tham chiến cứu đồng minh mà ngược lại còn lợi dụng cho vay hàng tỷ USD để kéo dài cuộc xung đột. Kế đến là Châu Âu, nhiều nước Châu Âu cũng vì xem Mỹ là đồng minh mà ra sức cấm vận Nga, để rồi cuối cùng Mỹ, một quốc gia xuất khẩu dầu thô top 10 thế giới đã thu về hàng tỷ USD nhờ giá dầu leo thang. Trong khi các nước Châu Âu do không sản xuất nổi một giọt dầu đã phải hứng chịu cảnh khí đốt lẫn xăng dầu thi nhau làm bão giá, đẩy đồng Euro trượt giá thê thảm xuống mức ngang bằng so với đồng usd.

Không khó để thấy Châu Âu, Ukraine đã lãnh đủ vì dựa dẫm vào Mỹ, mà cụ thể ở đây là dựa dẫm vào hai chữ an ninh do Mỹ cam kết. Một khi các nước không thể tự đứng được trên đôi chân của mình thì sẽ tự trở thành con cờ để người khác lợi dụng. Đó cũng là lý do vì sao mà Tổng thống Nga cho rằng chỉ những quốc gia nào có “chủ quyền thực sự” thì mới đảm bảo được động lực tăng trưởng cao trong trật tự thế giới mới này.

Việt Nam kiên định với đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ

Cho tới nay, lợi ích của ngoại giao độc lập đã quá rõ ràng. Nhiều năm qua, Việt Nam đã kiên trì với đường lối xây dựng quan hệ với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, không vì quốc gia này xung đột với quốc gia kia mà nghiêng về bên nào. Việt Nam có thể thân với Nga nhưng vẫn bắt tay với Mỹ, vừa có thể là đối tác hàng đầu của Hàn Quốc nhưng vừa là bạn bè với Triều Tiên. Vừa hợp tác đa lĩnh vực với Israel nhưng vẫn ủng hộ Palestin. Thậm chí, giữa lúc Anh và Pháp căng thẳng nhất thì Việt Nam vẫn tổ chức một chuyến thăm dài 7 ngày tới hai quốc gia này và ký kết nhiều hợp đồng kinh tế quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden

Còn về chính trị, trong sách trắng Quốc phòng Việt Nam có ghi rõ ràng về chính sách “bốn không”. Chính sách còn nhằm thể hiện rằng, Việt Nam không cần bất kỳ quốc gia nào thay mình để đảm bảo an ninh đất nước.

Thế giới đa cực hơn cũng đồng nghĩa có nhiều siêu cường hơn, và cũng vì thế mà họ sẽ cần nhiều con cờ hơn để đấu với nhau. Trong một thế giới phe phái đấu đá kịch liệt như hiện nay thì những nước nhỏ hơn luôn cần giữ gìn giá trị cốt lõi chính mình đó là quyền tự quyết của dân tộc. Chỉ như thế thì mới có thể tiếp tục phát triển, tiếp tục sinh tồn trong tình hình mới.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều