Ngoại giao đang tạo “đà” cất cánh cho nền kinh tế như thế nào?
Trước diễn biến có phần tiêu cực của kinh tế thế giới, những tháng qua các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phát huy triệt để chính sách ngoại giao đa phương để thu hút dòng vốn đầu tư về cho Việt Nam, cũng như mở ra nhiều dư địa mới, giúp đất nước trụ vững trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế leo thang.
Theo lẽ thông thường, mỗi khi kinh tế khó khăn, dòng tiền sẽ chuyển từ trạng thái đầu tư sang phòng thủ. Tức các doanh nghiệp tập đoàn đa quốc gia sẽ e ngại việc đầu tư, hoặc thậm chí họ sẽ bán bớt tài sản, cắt giảm quy mô để nuôi sống công ty trong thời điểm khó khăn. Song cũng có không ít các nhà đầu tư lúc này có lượng tiền mặt rất lớn, nhưng họ lại mua vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, bạc, trái phiếu kho bạc Mỹ, …
Do đó, những tháng qua, các nhà lãnh đạo nước ta đã tích cực đi ngoại giao để thu hút dòng tiền đầu tư vào Việt Nam. Như tháng 8 vừa qua, các nhà lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có chuyến thăm đến Thụy Sĩ. Tại đây, buổi làm việc đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp tại Thụy Sĩ và các quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Đức và Ý, các hiệp hội kinh doanh và trường đại học tại Thụy Sĩ đã cùng tham gia vào sự kiện xúc tiến đầu tư của tỉnh Bắc Ninh. Cùng với Bắc Ninh, thì Nghệ An mới đây cũng đã vượt mốc 1 tỷ USD từ dòng vốn FDI.
Bên cạnh việc mời gọi các doanh nghiệp Tây Âu, thì Việt Nam còn đang nhiệt tình mở rộng cửa chào đón doanh nghiệp Trung Quốc. Như mới đầu tháng 9, hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc đã đến tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác, đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lũy kế đến nay toàn vùng này có hơn 401 dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 2,4 tỉ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
Còn ở cấp độ quốc gia, thì mới đây sự kiện thiết lập mối quan hệ cấp cao nhất với Hoa Kỳ đã mở ra nhiều dư địa mới cho kinh tế Việt Nam. Bởi từ giờ trở đi xuất khẩu của Việt Nam vào nền kinh tế số một thế giới sẽ còn động lực tăng mạnh hơn nữa. Chưa kể dòng vốn từ Mỹ vào nước ta tập trung mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ, qua đó giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được nâng cao về mặt giá trị.
Có thể thấy rằng, các hoạt động kết nối kinh tế của nước ta đang rất sôi nổi. Và tất cả là nhờ chính sách ngoại giao đa phương, bởi chính nó đã giúp Việt Nam xóa bỏ mọi rào cản nào trong quan hệ quốc tế, khi vừa thu hút được các tập đoàn Mỹ Âu, vừa nhận được sự quan tâm chủ động các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhận được sự quan tâm mạnh mẽ ở cả hai đầu là lợi thế rất lớn của nền kinh tế Việt Nam.
Chính sách ngoại giao đa phương đang không chỉ mang lại lợi ích về chính trị mà còn đã phát huy hiệu quả về mặt kinh tế. Và với đà này, Việt Nam đang cho thấy một triển vọng kinh tế rất tốt trong dài hạn.
Thực ra bối cảnh hiện nay khá giống với giai đoạn những năm 2008-2009, khi ấy xuất khẩu nước ta giảm mạnh do tác động bởi khủng hoảng tài chính. Nhưng cũng với chính sách ngoại giao đa phương, nền kinh tế Việt Nam sau hơn 10 năm đã vươn mình thành một thế lực mới tại Châu Á. Nó chứng mình rằng ngoại giao đã tạo đà rất mạnh cho nền kinh tế. Chưa kể bối cảnh hiện tại còn đã khác xa giai đoạn trước, khi vị thế của Việt Nam đã ở một tầm cao mới, điều này giúp các nhà đầu tư có thể tin tưởng, an tâm về tương lai khi chọn đầu tư tại Việt Nam.
Huy Hoàng