‘Ngoại giao bẫy nợ’ của Trung Quốc tại châu Phi và Nam Á
Năm 2013, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” 1.000 tỷ USD với những dự án hạ tầng lớn ở Nam Á và châu Phi. Năm 2017, “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh bị lật tẩy.
Câu chuyện Kenya và Uganda lao đao vì Trung Quốc ngừng rót vốn 4,9 tỷ USD cho chương trình phát triển hạ tầng Đông Phi, khiến dự án đường sắt nối hai nước gián đoạn và Kenya mắc kẹt trong hố nợ vừa được Bloomberg đăng ngày 19/7. Đó là hồi chuông cảnh báo mới về “ngoại giao bẫy nợ” đội lốt sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Bắc Kinh công bố năm 2013.
“Ngoại giao bẫy nợ” là cụm từ được nhà phân tích Ấn Độ Brahma Chellaney đưa ra trong bài viết cùng tên gây chấn động, đăng trên Project Syndicate hồi tháng 1/2017. “Sử dụng công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chính trị chiến lược là tuyệt chiêu của Trung Quốc”, chuyên gia Chellaney viết.
Ông giải thích thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đầu tư và (các công ty Trung Quốc) trực tiếp xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn ở các quốc gia có vị trí chiến lược tại Nam Á và châu Phi thông qua các khoản cho vay hàng tỷ USD. Hậu quả là các nước này trở thành con nợ của Trung Quốc, thậm chí đánh mất phần nào chủ quyền quốc gia.
Hải cảng Hambantota cho Trung Quốc thuê 99 năm
Ví dụ rõ ràng nhất của cái bẫy nợ tinh vi này là cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Gwadar tại Pakistan. Cảng Hambantota có tổng đầu tư 1 tỷ USD, nguồn vốn chủ yếu đến từ Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc, do hai công ty Trung Quốc xây dựng.
Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày hải cảng này chỉ tiếp nhận 1 tàu lớn, quá thảm hại so với con số 60.000 tàu di chuyển qua Ấn Độ Dương mỗi năm. Đến nỗi mà Hambantota bị đặt biệt danh là “hải cảng trống vắng nhất thế giới”. Nguồn thu không tồn tại, tất nhiên chính quyền Sri Lanka không thể trả nợ cho Trung Quốc.
Hậu quả là đến cuối năm 2017, Sri Lanka phải giao quyền quản lý cảng Hambantota cho Công ty CMPort của Trung Quốc theo hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm. Và trong vài năm qua, hàng loạt tàu quân sự Trung Quốc đã đến neo đậu ở các cảng Sri Lanka.
“Hambantota là ví dụ điển hình cho thấy quyết tâm thống trị hàng hải toàn cầu của Trung Quốc”, Bloomberg Intelligence dẫn lời nhà phân tích Rahul Kapoor nhận định.
Bất chấp việc mất chủ quyền tại cảng Hambantota, Sri Lanka vẫn ngập chìm trong nợ Trung Quốc, khoảng 8 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, nước này phải trả tới 2 tỷ USD tiền lãi, trong khi nguồn thu của chính phủ chỉ vào khoảng 5 tỷ USD. Tháng 5, Sri Lanka vay thêm 1 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Theo Reuters, trong năm 2019 nước này sẽ phải trả hơn 4 tỷ USD tiền lãi.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với cảng Gwadar ở Pakistan, một dự án quan trọng trong sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) 60 tỷ USD. Hồi tháng 3/2019, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, cho biết Pakistan nợ Trung Quốc tới 10 tỷ USD chi phí xây dựng cảng Gwadar và một số hạ tầng khác. Công ty Trung Quốc COPHC xây dựng hải cảng này và hồi tháng 4/2017, chính quyền Pakistan ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng trong 40 năm.
Theo hợp đồng, COPHC nuốt 91% doanh thu từ cảng Gwadar. Tuy nhiên ngay từ năm 2013 Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã cảnh báo hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng cảng Gwadar và việc Trung Quốc kiểm soát hạ tầng chiến lược này là một mối lo ngại lớn. Năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo Gwadar sẽ trở thành cảng hải quân của Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện tại đây.
Trong năm 2018, nhiều quan chức Pakistan đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về núi nợ khổng lồ. Đến tháng 10, nước này cắt giảm 2 tỷ USD từ vốn đầu tư 8,2 tỷ USD cho dự án đường sắt nối Karachi với Peshawar. Tuy nhiên, với tổng đầu tư 60 tỷ USD cho CPEC, 2 tỷ USD tiết kiệm được chỉ là con số rất nhỏ.
Các nước châu Phi chìm trong nợ
Tại châu Phi, sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng đang đẩy nhiều quốc gia chìm ngập trong hố nợ sâu không đáy. Theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – châu Phi, từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc cho các nước châu Phi vay khoảng 143 tỷ USD. Khoảng 80% đến từ các tổ chức nhà nước Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ cho châu Phi vay thêm 60 tỷ USD để phát triển hạ tầng.
Tại Đông Phi, Kenya vay Trung Quốc khoảng 9,8 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Phần lớn các dự án lớn tại nước này đều do các công ty Trung Quốc xây dựng. Tháng 12/2018, truyền thông Kenya gây chấn động khi đưa tin chính quyền Kenya thế chấp cảng Mombasa khi vay 3,2 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt 470 km từ Mombasa đến thủ đô Nairobi.
Trong trường hợp Kenya không thể trả nợ, Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp quản cảng Mombasa. Đây là một trong những hải cảng lớn và đông đúc nhất Đông Phi. Trong năm 2017, cảng này tiếp nhận gần 1.800 tàu lớn và được đánh giá là một trong những trung tâm vận tải của khu vực.
Phản ứng lại thông tin này, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trấn an dư luận rằng chính phủ “hoàn toàn có thể trả nợ và không có gì phải hoảng hốt”.
Tại Zambia, làn sóng phản đối đầu tư Trung Quốc bùng lên từ năm 2018. Chính phủ Zambia vay 8 tỷ USD từ Trung Quốc để phát triển hạ tầng trong khi GDP nước này chỉ là 26 tỷ USD, tổng nợ công lên đến 55,6% GDP. Tại thủ đô Lusaka của Zambia và nhiều nơi khác, các công ty Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng sân bay, đường sá, nhà máy, thậm chí cả đồn cảnh sát.
Một trong những dự án gây tranh cãi nhất là nhà ga 360 triệu USD ở sân bay Kenneth Kaunda, do công ty Trung Quốc thực hiện. Nguồn tin báo chí địa phương cho biết Đài Phát thanh và Truyền hình Zambia (ZNBC) và Công ty Điện lực quốc gia (ZESCO) đều đứng ra bảo lãnh các khoản vay của chính phủ bằng việc lập liên doanh với các công ty Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể quản lý tài sản quốc gia của Zambia. Africa Confidential đưa tin phía Trung Quốc có thể tiếp quản ZESCO. Đồng thời, cũng có tin Trung Quốc sẽ tiếp quản luôn sân bay Kenneth Kaunda của Zambia trong trường hợp nước này vỡ nợ.
Theo The African Report, hồi tháng 2 chính quyền Ethiopia xác nhận nợ nước ngoài của nước này lên đến 26 tỷ USD. Đại học Johns Hopkins (Mỹ) khảo sát và cho biết từ năm 2000, các ngân hàng Trung Quốc cho Ethiopia vay 12,1 tỷ USD.
Trong số các dự án hạ tầng gây nợ, lớn nhất là tuyến đường sắt Ethiopia – Djibouti với tổng đầu tư 4 tỷ USD. Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc cho Ethiopia vay 3,3 tỷ USD để thực hiện dự án này. Ngoài ra các công ty Trung Quốc còn chi 475 triệu USD cho dự án đường sắt ở Addis Ababa và gần 90 triệu USD cho một dự án đường cao tốc.
Hồi năm 2018, chính phủ Ethiopia đã phải đàm phán với Trung Quốc về việc tái cơ cấu nhiều khoản nợ liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thủ tướng Abiy Ahmed cho biết Bắc Kinh đồng ý kéo dài thời gian thanh toán một số khoản nợ lớn từ 10 lên 30 năm.
Nhiều nước đã tỉnh ngộ
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tính đến năm 2019 Trung Quốc đã cho vay nước ngoài 5.000 tỷ USD, tăng vọt so với mức 500 tỷ USD của năm 2000. Hơn 50 quốc gia đang phát triển trên thế giới nợ Trung Quốc với tỷ lệ trung bình tương đương 15% GDP. Các khoản vay của Trung Quốc cho các nước nghèo chủ yếu đổ vào phát triển hạ tầng.
Báo cáo của Viện Kiel khẳng định một phần lớn các khoản cho vay của Trung Quốc rất mù mờ, không được công khai cụ thể. Hơn 50% tiền Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay không được báo cáo cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB). Trung Quốc không hề công khai các khoản tiền cho Iran, Venezuela hay Zimbabwe vay.
Trong khi đó, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) phân tích tám quốc gia đang gặp khó khăn vì nợ Trung Quốc. Trong đó, nợ Trung Quốc của Djibouti tương đương 70% GDP.
Một nghiên cứu khác cho biết 7 nước châu Phi: Angola, Djibouti, Kenya, Namibia, Sri Lanka, Zambia và Zimbabwe nợ Trung Quốc và không có phương án trả.
Năm ngoái, trước khi đến châu Phi, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo các nước châu Phi rằng Trung Quốc “tạo ra sự phụ thuộc bằng các hợp đồng mờ ám, chính sách cho vay kiểu săn mồi và các thỏa thuận khiến nhiều quốc gia oằn mình trong nợ và thậm chí bị mất một phần chủ quyền”.
Sau những cảnh báo của cộng đồng quốc tế, nhiều quốc gia đã chùn tay, không dám thoải mái vay tiền của Trung Quốc để phát triển hạ tầng. Năm 2016, Tanzania hủy hợp đồng vay Trung Quốc 7,6 tỷ USD để xây tuyến đường sắt dài 2.200 km. Thay vào đó, nước này tiếp cận các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha để xây tuyến ngắn hơn với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Tháng 1/2018, Bangladesh hủy bỏ một dự án xây đường cao tốc dài 214 km từ thủ đô Dhaka đến vùng đông bắc với tổng đầu tư 2 tỷ USD, do một công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện. Chính quyền Bangladesh tự bỏ tiền ngân sách để thực hiện dự án này và tiết kiệm được 500 triệu USD.
Tháng 8/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố xem xét lại các dự án tiêu tốn tới 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc do chính phủ nhiệm kỳ trước ký, bao gồm dự án đường sắt 690 km kết nối các hải cảng nước này ở Biển Đông với eo biển Malacca. Ông Mohamad khẳng định Malaysia không chấp nhận “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” và hủy bỏ các dự án này.
Mới đây nhất, Philippines cũng náo động vì nguy cơ vay nợ Trung Quốc và mất quyền kiểm soát tài sản quốc gia. Theo Asia Times, Trung Quốc hứa cho chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vay 26 tỷ USD để phát triển hạ tầng, trong đó có 10 dự án rất lớn.
Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio cảnh báo một điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra là trong trường hợp Manila không thể trả nợ, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý một số tài sản quốc gia Philippines.
Thẩm phán Carpio khẳng định hoàn toàn có khả năng Trung Quốc đòi kiểm soát một số khu vực hiện do Philippines quản lý ở Biển Đông. Nghị sĩ Neri Colmenares mô tả các hợp đồng vay nợ Trung Quốc là “thảm họa” đối với Philippines.
(Theo Zing News)