+
Aa
-
like
comment

Ngoài Covid-19, một bóng đen khác đang bao phủ kinh tế toàn cầu

03/12/2021 08:40

Sẽ như thế nào nếu như bạn đặt mua một món hàng cho Giáng sinh nhưng phải qua Giáng sinh… cả vài tuần, thậm chí tháng thì hàng mới về tới nơi? Bạn sẽ nghĩ gì nếu như đặt mua một chiếc áo nhưng đến khi hàng về thì cân nặng của bạn đã thay đổi, vì từ lúc đặt đến khi nhận hàng có khi mất… vài tháng? Nhưng đó chỉ là câu chuyện cá nhân. 

Ngoài Covid-19, một bóng đen khác đang bao phủ nền kinh tế toàn cầu

Còn đối với các doanh nghiệp, câu chuyện không đơn giản vậy. Và với nền kinh tế toàn cầu, chuyện càng không đơn giản!

Khi mùa nghỉ lễ năm nay đang tới gần, điều mà chúng ta nhận được là không ít cảnh báo về tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều người đã gọi nó với cái tên “cơn ác mộng của ngành vận tải”.

“Mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều”, Augerrevere – chủ công ty Custom Metal Designs, có địa chỉ tại Quận Cam, bang California (Mỹ) – chia sẻ trong chuyên mục The Weekly trên tờ ClickOrlando.com rằng hoạt động của công ty ông gặp rất nhiều khó khăn do các vấn đề liên quan đến vận chuyển nguyên liệu. “Nhiều nguyên liệu trước kia chúng tôi có thể nhận được sau vài ngày, cùng lắm là vài tuần thì giờ đây có khi chúng tôi phải đợi tới 7 tháng”, ông than thở.

Các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đe dọa nguồn cung của một loạt hàng hóa từ thực phẩm, đồ uống đến hàng điện tử dân dụng và thậm chí là đồ trang trí Giáng sinh.

Những nút thắt đó cũng góp phần gây ra áp lực lạm phát tăng cao trong khoảng thời gian gần đây. Một số nhà kinh tế học đã cảnh báo rằng lạm phát có thể sẽ còn tăng cao hơn và kéo dài trong khoảng thời gian lâu hơn so với dự báo.

“Thép khổ 14, sản phẩm chúng tôi mua hàng ngàn tấm mỗi năm, từng có giá 50 USD/tấm chỉ một năm trước thôi”, Aguerrevere cho biết. “Hiện tại, một tấm thép tương tự có giá lên tới 250 USD. Và cuối cùng thì ai phải trả tiền cho sự chênh lệch giá đó? Chính là người tiêu dùng”.

Điều gì gây nên khủng hoảng chuỗi cung ứng

Nhờ có sự xuất hiện của vaccine Covid-19 mà nền kinh tế toàn cầu đang rục rịch hồi phục trở lại sau đại dịch. Nhưng bù lại thì Covid-19 cũng đã kịp để lại không ít những hệ lụy kinh tế vô cùng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đà lan nhanh và rộng của dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu phải tạm thời dừng hoạt động, trong khi phần lớn các quốc gia đều ban bố các lệnh phong tỏa, dẫn tới việc sản lượng công nghiệp cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm mạnh.

Các tàu hàng cotainer đang chờ để cập cảng Long Beach (Ảnh: Getty Image).

Điều này đã dẫn tới tâm lý hỗn loạn nơi các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa, những đơn vị hiện tại không thể hoạt động giống như giai đoạn trước đại dịch vì nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm tình trạng thiếu hụt công nhân, linh kiện và nguyên liệu thô.

Nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới thậm chí còn phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp trong một vài tháng trở lại đây. Trong khi tại Anh, Brexit là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt lực lượng lái xe tải chở hàng. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại nền kinh tế số 1 thế giới, đi liền với sự ách tắc nghiêm trọng tại các cảng biển.

Không may thay, các chuyên gia như Tim Uy tới từ Moody’s Analistics lại nhận định rằng các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng sẽ diễn biến xấu đi trước khi có dấu hiệu cải thiện.

“Khi quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục đà vươn lên của mình, chúng ta lại càng có cái nhìn rõ hơn về mức độ ảnh hưởng từ tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn đang hiện diện trong từng góc nhỏ của cuộc sống thường nhật”, Uy chia sẻ với CNBC.

Tình trạng thiếu hụt lái xe tải chở hàng tại Anh đã khiến cho nhiều trạm xăng dầu ở xứ sở sương mù chẳng còn hàng để bán (Ảnh: Getty Image).

Các biện pháp phong tỏa biên giới và hạn chế đi lại, sự chưa “sẵn sàng” của hộ chiếu vaccine toàn cầu, nhu cầu bị “bóp nghẹt” của người tiêu dùng trong suốt thời gian giãn cách xã hội, tất cả cộng lại đã hình thành nên một “cơn bão hoàn hảo” khi mà hoạt động sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do các loại hàng hóa không thể được giao đúng hạn, chi phí và giá cả leo thang và tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ không cao như nhiều người mong đợi.

“Cung sẽ đi sau cầu trong một khoảng thời gian, đặc biệt là khi tồn tại không ít những điểm nghẽn trong hầu như mọi mắt xích của chuỗi cung ứng. Ngoài tình trạng thiếu hụt lao động, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới container rỗng, chi phí vận tải, ách tắc tại cảng biển và sức chứa hữu hạn của hệ thống kho bãi”, lời của Uy.

Các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng – sự tắc nghẽn trong hệ thống sản xuất – đã ảnh hưởng tới một loạt các lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa từ tình trạng thiếu hụt các mặt hàng điện tử và xe hơi (bị làm trầm trọng hóa hơn do cơn khủng hoảng chip bán dẫn) cho tới những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung thịt, dược phẩm và các sản phẩm gia dụng.

Trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa tiêu dùng không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, giá cước vận tải đối với hàng hóa từ Trung Quốc xuất đi Mỹ và châu Âu lại tăng phi mã, cộng thêm sự thiếu hụt lái xe tải chở hàng từ hai khu vực này khiến cho quá trình đưa hàng hóa tới đích đến cuối cùng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Và chính những lý do trên đã khiến giá cả nhiều mặt hàng leo thang.

Chính dịch bệnh Covid-19 đã phơi bày cho chúng ta thấy mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn có tính kết nối cao, lại “mỏng manh” tới mức nào.

Ở thời điểm hoạt động “trơn tru”, các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể giúp hạ chi phí sản xuất, thậm chí còn thúc đẩy sáng tạo và sức cạnh tranh.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh, mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu không hề “hào nhoáng” như nhiều người vẫn nghĩ, với sự đứt gãy xảy ra trong một mắt xích của chuỗi cung ứng lại có tác động lan truyền ra các mắt xích còn lại, từ các nhà sản xuất cho tới bên cung cấp, nhà phân phối, và cuối cùng là người tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Ảnh hưởng tới tăng trưởng

Khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng xuất hiện như một trong những thử thách lớn nhất mà chính phủ các nước phải đối mặt. Những người dân mệt mỏi vì dịch bệnh sẵn sàng mở rộng hầu bao của mình nhưng các hàng hóa ở thời điểm hiện tại nếu không lâm vào tình trạng khan hiếm thì giá cũng đắt hơn trước rất nhiều.

Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới tăng trưởng, xuất phát từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. GDP trong quý III của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% so với quý trước đó, khi hoạt động công nghiệp mang lại nhiều thất vọng (khi chỉ tăng 3,1% so với mức dự báo 4,5% của Reuters).

Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng (Ảnh: AP).

“Lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra bởi dịch bệnh Covid-19, khi hoạt động tại nhiều cảng biển bị tê liệt trong quý III/2021. Cuộc khủng hoảng thiếu chip bán dẫn cũng vẫn diễn ra tương đối “nóng” trong quý này”, bà Iris Pang – nhà kinh tế học trưởng Trung Quốc đại lục tại ING chia sẻ thêm với CNBC.

Bà nói rằng: “Sự đứt gãy chuỗi cung ứng được dự báo sẽ kéo dài khi mà giá cước vận tải hàng hóa vẫn duy trì ở mức cao và tình trạng thiếu chip bán dẫn vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với một số ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi và thiết bị viễn thông”.

Một nhóm các nhà kinh tế học của Đức đã cảnh báo rằng các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất công nghiệp ở thời điểm hiện tại, và sẽ kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế số 1 châu Âu.

Giảm sút lợi nhuận

Không ít các chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực từ những tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco – Kristina Hooper cho rằng “nỗi lo sợ mang tên chuỗi cung ứng đang ngày một tăng lên”, với nhiều doanh nghiệp Mỹ đang phát đi những cảnh báo về tình trạng chi phí leo thang và lợi nhuận sụt giảm, theo CNBC.

“Dù ở đâu, các doanh nghiệp đều có thể sẽ phải đối mặt với tác động tiêu cực từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào tăng cao, và khó khăn trong quá trình tìm kiếm người lao động”, bà chia sẻ trong một báo cáo.

“Tuy nhiên, sẽ có một vài doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với phần còn lại… Đà tăng chi phí sẽ là yếu tố tác động mạnh nhất tới lợi nhuận của các công ty, đặc biệt là những công ty hoạt động trong một số lĩnh vực như vận tải, bán lẻ, xây dựng và kinh doanh xe hơi. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và y tế sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”, bà nhận định.

Theo bà Hooper, tình trạng thiết hụt, đặc biệt là chip bán dẫn, sẽ sớm được cải thiện, với dự báo nguồn cung sẽ quay trở lại với mức bình thường vào quý II/2022. Tuy nhiên, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ vẫn tiếp diễn, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh vẫn tồn tại nguy cơ xuất hiện những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Chia sẻ về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Tim Huxley – Giám đốc điều hành Mandarin Shipping có trụ sở tại Hồng Kông – nhận định trong chuyên mục “Street Signs Asia” của CNBC rằng “vấn đề hiện tại sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể giải quyết dứt điểm”.

Theo ông, ngành công nghiệp tàu biển đang xây dựng nhiều hơn các đội tàu chuyên chở container. Tuy nhiên, phần lớn công suất vận tải mới kể trên sẽ phải chờ sớm nhất tới năm 2023 mới có thể hoàn thành, và từ giờ tới lúc đó, tình trạng thiếu tàu chở hàng vẫn sẽ tiếp diễn phức tạp.

Thêm vào đó, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường sá, cầu cống là rất cấp thiết, nhưng quá trình này cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều. “Tất cả những vấn đề kể trên sẽ vẫn đồng hành cùng với chúng ta trong quãng thời gian sắp tới”, ông nói.

“Và mỗi lĩnh vực có liên quan tới cuộc khủng hoảng này đều phải nỗ lực giải quyết những vấn đề của riêng mình”, ông Huxley chia sẻ.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Không có một giải pháp dễ dàng nào có thể giúp xoay chuyển tình thế hiện tại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng bằng việc thực hiện một vài hành động không quá phức tạp, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng đặc biệt trong bối cảnh mùa cao điểm mua sắm đang tới gần.

Hãy bắt đầu với công tác phân loại. Hãy làm việc với các nhà sản xuất, nhà phân phối và đơn vị cung cấp nhằm phát triển một kế hoạch phân loại hợp lý. Đâu là các thị trường chiến lược? Đâu là những sản phẩm mới mà người tiêu dùng đang háo hức chờ đợi? Mặt hàng nào mang lại biên lợi nhuận tốt nhất? Bạn có thể sẽ phải thực hiện phân loại càng chi tiết càng tốt để tìm ra những điểm mấu chốt kể trên và điều chỉnh cách tiếp cận kinh doanh của bạn.

Thứ hai, hãy gia tăng trao đổi với các bên để hiểu hơn những thách thức mà họ đang gặp phải. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với họ qua điện thoại, qua email hoặc qua những cuộc gọi video, đừng ngần ngại. Hãy đặt ra câu hỏi về những đánh giá của họ đối với chuỗi cung ứng. Hi vọng rằng bạn có thể xây dựng được một mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, để có những trao đổi thẳng thắn với nhau hơn. Việc đưa ra những kỳ vọng rõ ràng đối với các bên liên quan cũng vô cùng quan trọng. Hãy chủ động hỏi các đơn vị bán hàng về những thông tin họ cần từ bạn. Nếu như họ có được những thông tin hữu ích, họ có thể hoàn thành yêu cầu của bạn một cách tốt hơn.

Nhiều quốc gia phương Tây sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt đồ chơi phục vụ cho dịp Giáng sinh sắp tới (Ảnh: Getty Image).

Thứ ba, hãy tìm hiểu nhiều hơn về những nút thắt trong chuỗi cung ứng của chính bạn. Hãy nắm rõ điều gì đang xảy ra tại các cảng biển nếu như bạn là một nhà nhập khẩu hàng hóa. Đâu là điểm nghẽn? Hãy trao đổi với các đơn vị bán hàng, các bên trung gian vận chuyển về những vấn đề mà họ gặp phải hoặc những xu hướng mà họ nhìn nhận được. Việc duy trì sự liên lạc thường xuyên với các bên liên quan là tương đối quan trọng để có thể nhận về những thông tin chính xác nhất phục vụ cho quá trình ra quyết định và cân nhắc các lựa chọn.

Thứ tư, hãy tìm hiểu những lựa chọn cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thay thế ngay tại địa phương. Việc giảm thiểu các bước trung gian vận chuyển sẽ giúp chuỗi cung ứng của bạn vận hành một cách trơn tru hơn. Việc tìm đến các nhà cung cấp hàng hóa, linh kiện, nguyên vật liệu địa phương sẽ giúp giảm thời gian sản xuất cũng như rủi ro hàng hóa sẽ bị ách tắc đâu đó trong chuỗi cung ứng. Chi phí sẽ là một yếu tố cần phải cân nhắc, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa và nguyên vật liệu đáng tin cậy và quá trình vận chuyển nhanh nhất mới là những yếu tố quan trọng chiến lược nhằm đảm bảo bạn sẽ có đủ hàng hóa cho mùa nghỉ lễ sắp tới.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian nữa và không còn cách nào khác là chúng ta phải chấp nhận sự thật và thích ứng với nó. Tác động của nó đang phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu, và những cách làm trên sẽ phần nào giúp bạn “né” được cái bóng đen tối đó.

Thu Thanh 

Bài mới
Đọc nhiều