+
Aa
-
like
comment

Nghiên cứu về hố đen vũ trụ, thiên hà đoạt giải Nobel Vật lý 2020

06/10/2020 17:57

Ba nhà khoa học từ Anh, Đức và Mỹ hôm nay đã đoạt giải Nobel Vật lý với 2 công trình vật lý thiên văn liên quan tới các nghiên cứu về hố đen và thiên hà.

Nghiên cứu về hố đen vũ trụ, thiên hà đoạt giải Nobel Vật lý 2020 - 1
Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm nay (Ảnh: Nobel Prize/Twitter)

Ngày 6/10, ba nhà khoa học đã được trao giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho 3 nhà khoa học với 2 công trình nghiên cứu riêng biệt.

Nhà khoa học Roger Penrose (Anh) giành giải thưởng với phát hiện rằng “sự hình thành của hố đen là một sự dự đoán chắc chắn của thuyết tương đối rộng”. Trong khi đó, nhà khoa học Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) được vinh danh vì “sự khám phá một vật thể siêu lớn ở trung tâm thiên hà của chúng ta”.

Năm ngoái, giải Nobel Vật lý 2019 đã được trao cho James Peebles vì “những phát hiện về lý thuyết trong ngành vũ trụ vật lý”. Ngoài ra, hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz cũng được đồng trao giải Nobel Vật lý năm ngoái với công trình “phát hiện hành tinh ngoài hệ mặt trời quay xung quanh một ngôi sao cùng loại với mặt trời”.

Hôm 5/10, các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Charles M. Rice (Mỹ) và Michael Houghton (Anh) đã mở màn mùa giải Nobel năm 2020 với giải thưởng Nobel Y Sinh học nhờ công trình nghiên cứu về vi rút viêm gan C.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà phát minh người Thụy Điển, sáng lập. Giải Nobel được trao tặng lần đầu vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.

Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Kinh tế.

Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.

Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).

Lịch trình trao giải Nobel năm 2020:

Ngày 7/10: Giải Nobel Hóa học

Ngày 8/10: Giải Nobel Văn học

Ngày 9/10: Giải Nobel Hòa bình

Ngày 12/10: Giải Nobel Kinh tế

Đức Hoàng/DT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều