Nghiên cứu mới cảnh báo ‘chiến thuật vùng xám’ của dân quân biển Trung Quốc
Giới phân tích an ninh Đài Loan mới đây cảnh báo giới chức quân sự Đài Loan cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó mối đe dọa từ dân quân biển Trung Quốc.
Cụ thể, trong nghiên cứu mới “Dân quân biển Trung Quốc và xung đột vùng xám”, hai nhà phân tích Hoàng Ân Hạo và Hồng Minh Đức, đều thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ở Đài Loan, cho rằng việc sử dụng dân quân biển nằm trong “chiến thuật vùng xám” của Bắc Kinh để bảo vệ cái gọi là lợi ích của Trung Quốc mà không phải khơi mào chiến tranh, theo CNA.
Hai nhà phân tích chỉ ra hai vụ gần đây do Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám”, gồm vụ nhiều tàu cá Trung Quốc đụng khu trục hạm Shimakaze của Nhật Bản vào ngày 30.3 và vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 2.4. Trước đó vào ngày 16.3, hơn 10 tàu cá Trung Quốc cố tình đâm một tàu tuần duyên Đài Loan ở vùng biển gần quần đảo Kim Môn thuộc Đài Loan, theo hai nhà phân tích Hoàng và Hồng.
Chụp màn hình CNA
Lực lượng dân quân biển này được cho là hoạt động dưới sự kiểm soát và chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đóng vai trò quan trọng trong việc “thiết lập sự hiện diện đã rồi của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp”, theo hai nhà nghiên cứu Derek Grossman và Logan Ma thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ).
Hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc nhằm giành “chiến thắng mà không cần giao chiến” bằng cách gây áp đảo đối phương với những đội tàu cá được Lực lượng hải cảnh và có thể cả tàu chiến Trung Quốc ủng hộ phía sau, theo hai nhà nghiên cứu Grossman và Ma.
Để chuẩn bị đối phó mối nguy từ lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực, hai nhà phân tích Hoàng và Hồng cho rằng Đài Loan nên tăng cường tương tác và hợp tác với các lực lượng tuần duyên trong khu vực. Họ còn cho rằng quan trọng nhất là Đài Loan nên đóng thêm khinh hạm có khả năng tác chiến cao để ứng phó “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, theo CNA.
(Theo TNO)