+
Aa
-
like
comment

Nghiên cứu giảm bớt tội danh áp dụng án tử hình: Rất đáng suy ngẫm

Hạnh Văn - 14/05/2024 08:02

Ngày 10/5/2024, trong báo cáo gửi Quốc hội của VKSND Tối cao về kết quả công tác của ngành kiểm sát, Viện trưởng Lê Minh Trí đề cập là cơ quan này đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện 4 đề án. Đáng chú ý trong đó là đề án nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng tử hình.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí (đứng).

Cụ thể, Đề án này nghiên cứu những bất cập trong bộ luật Hình sự và bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu. Đề án này nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Văn phòng T.Ư Đảng về việc chuẩn bị đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo số liệu cập nhật từ 1/10/2023 đến 31/3/2024, Viện KSND tối cao thụ lý 259 hồ sơ/338 bị án tử hình, đã ban hành 258 quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm và trình Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình đối với 31 bị án, trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với 218 bị án.

Đây không phải lần đầu Viện trưởng Viện KSND tối cao đề cập tới chính sách hình sự liên quan đến hình phạt tử hình. Giữa năm 2023, Viện trưởng Viện KSND tối cao từng có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.

Hình phạt tử hình là biện pháp nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật, từng được coi là biện pháp hiệu quả để duy trì an ninh và chất lượng cuộc sống trong xã hội. Tuy nhiên, quan điểm hiện đại đang dần thay đổi, và việc thu hẹp hoặc loại bỏ hình phạt này đang trở thành một đề xuất được quan tâm trên toàn thế giới.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, khi các điều kiện chưa cho phép thì không nên nghĩ đến việc loại bỏ hình phạt tử hình. Bởi vì, sau khi loại bỏ hình phạt tử hình, họ phải khôi phục lại hình phạt tử hình nhằm trấn áp, răn đe tội phạm vốn chưa được kiểm soát nay có điều kiện phát triển bởi không còn sợ nguy cơ bị xử phạt tử hình. Ngoài ra hình phạt tử hình đảm bảo mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm của hệ thống hình phạt.

Điều 3 của Tuyên ngôn Thế giới về Quyền Con Người (1948) và Khoản 1 của Điều 6 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR, 1966) thể hiện rõ ràng quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người, và không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Sự tiến bộ của pháp luật đã dẫn đến việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trên toàn cầu.

Một tử tù ăn bữa ăn cuối cùng.

Ngày nay, luật pháp các quốc gia ngày càng thu hẹp phạm vi những tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới ngày càng thu hẹp lại. Các quốc gia hủy bỏ án tử hình cho rằng tác dụng của hình phạt này với việc ngăn chặn tội phạm cũng giống như các loại hình phạt khác.

Một trong những lập luận chính đối với việc loại bỏ hình phạt tử hình là việc nâng cao hy vọng tái hòa nhập của phạm nhân vào cộng đồng. Việc thi hành án tử hình không chỉ triệt tiêu những cơ hội này mà còn gây ra đau đớn thể chất và tinh thần không đáng có. Thay vào đó, hình phạt chung thân với các biện pháp hồi phục và tái hòa nhập xã hội có thể được xem xét như một lựa chọn nhân đạo và hiệu quả hơn.

Cho đến khi nào còn được sống, cho dù bị kết án tù chung thân, một người tù vẫn còn có hy vọng được tái hòa nhập cộng đồng, được giảm án, ân xá hay được giải tội. Việc thi hành án tử hình sẽ triệt tiêu những cơ hội này của họ. Thêm vào đó, hình phạt tử hình không chỉ gây đau đớn cho phạm nhân về thể chất khi bị hành quyết, mà còn khiến họ bị khủng hoảng tinh thần vô cùng nặng nề trong thời gian chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, không thể nói là so với hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình có tính nhân đạo hơn.

Một quan điểm từng được nêu ra là sử dụng hình phạt chung thân không được phép hưởng khoan hồng. Thay vì tước đoạt mạng sống, chúng ta bắt phạm nhân phải lao động suốt đời để biết thế nào là giá trị của lao động, bù đắp cho những mất mát của người bị hại, làm ra của cải vật chất để bù đắp lại.

Hiện nay đang là xu thế hội nhập, và việc hợp tác về mọi mặt giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã trở thành yêu cầu mang tính tất yếu khách quan. Để hòa nhập với tiến trình phát triển chung đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự điều chỉnh về chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cho phù hợp, trong đó có sự tương thích các quy định về hình phạt tử hình.

Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là một xu hướng tất yếu.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đặc biệt là những dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người, tội phạm ma túy…

Điều này không chỉ đặt gánh nặng và gây sức ép với các cơ quan nhà nước trong việc phải tìm ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả mà còn tác động đến tâm lý người dân trong việc ủng hộ việc áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm.

Vấn đề về việc bãi bỏ, duy trì hoặc khôi phục hình phạt tử hình đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng toàn cầu. Tại Việt Nam, không chỉ các cơ quan Nhà nước, mà cả xã hội và giới luật học đều đang dành sự chú ý đặc biệt đến vấn đề này. Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý hình sự, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống, bao gồm cả kinh tế, chính trị, và xã hội.

Quyết định về hình phạt tử hình không thể chỉ dựa vào ý chí chủ quan của nhà làm luật. Thay vào đó, nó cần phải được cân nhắc thận trọng, đặc biệt là khi ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đạo đức và dư luận xã hội. Việc này đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ cộng đồng và một quá trình đối thoại cởi mở để đảm bảo rằng quyết định cuối cùng phản ánh được giá trị và quan điểm của xã hội.

Đặc biệt ở Việt Nam, nền văn hóa và lịch sử đặt ra nhiều yếu tố đặc biệt khi xem xét vấn đề này. Do đó, việc đưa ra quyết định về hình phạt tử hình không chỉ là một vấn đề pháp lý, mà còn là một quyết định có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và giá trị của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Do đó, việc duy trì hoặc bãi bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam không chỉ là một quyết định pháp lý, mà còn là một quyết định về nhân quyền và giá trị nhân bản và cần phải được tiến hành với sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều