Nghiêm trị “kẻ thứ ba” trong vụ việc giữa CEO Phương Hằng và VOV
Cách đây chưa đầy một tuần, những lùm xùm xoay quanh bà Nguyễn Phương Hằng và Báo điện tử VOV đã trở thành tâm điểm dư luận, mà nguyên nhân là vì sự “nổi tiếng” của vị CEO công ty Đại Nam cùng những phản ánh của VOV về tình trạng “lạm phát livestream” thời gian qua. Nhưng đáng lẽ chỉ dừng lại ở vấn đề giữa 2 bên, thì vụ tấn công vào trang web của báo VOV đã khiến sự việc đi quá xa.
Cần phải nhìn nhận rằng, những tranh cãi, phản ánh giữa bà Phương Hằng và báo VOV vốn là một vấn đề giữa các bên, trong khuôn khổ của luật pháp. Khi livestream nói về chuyện từ thiện, về các nghệ sĩ, diễn viên, đơn giản mà nói, bà Phương Hằng đang thể hiện những ý kiến, quan điểm của cá nhân mình. Đó là quyền tự do ngôn luận của bất kỳ công dân Việt Nam nào. Và cũng như tất cả mọi người, bà Hằng tất nhiên cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm với những phát ngôn mà mình đưa ra.
Còn đài VOV, với vai trò là một cơ quan ngôn luận của Chính phủ, là tiếng nói của quốc gia, họ có nhiệm vụ cần phải thực hiện với xã hội. Đó là nêu lên những vấn đề, thực trạng trong xã hội mà họ cho rằng phải được phản ánh. Cũng như các công dân, mọi cơ quan, tổ chức trên đất nước Việt Nam, dù là cơ quan nhà nước, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Nhưng cũng như mọi mối quan hệ trong xã hội, tranh cãi, mâu thuẫn cũng là một phần tất yếu của cuộc sống. Những lùm xùm giữa bà Phương Hằng và VOV, suy cho cùng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dù được dư luận quan tâm, thì về bản chất, đó vẫn là vấn đề cần được giải quyết của riêng 2 bên, và chỉ 2 bên mà thôi, đó là CEO Nguyễn Phương Hằng và Báo điện tử VOV.
Thế nhưng, trớ trêu thay, sự việc này lại xuất hiện một “bên thứ ba”, vào đúng thời điểm nhạy cảm. Không như bà Hằng và VOV, “bên thứ ba” này đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đó là tấn công website của Báo điện tử VOV, gây tê liệt hoạt động của trang báo. Nhìn vào vụ việc, chưa có bằng chứng nào cho thấy ai là kẻ đứng sau vụ tấn công, nhưng không thể loại trừ khả năng những đối tượng phá hoại, chống đối nhà nước đã lợi dụng cơ hội này để “đục nước béo cò”.
Và ngay cả trong trường hợp không có những bài báo của VOV về vấn đề livestream của bà Hằng, thì cũng không có gì chắc chắn VOV sẽ không trở thành nạn nhân của một vụ tấn công. Thực tế là chỉ cần một cái cớ, bất kể là ai, nổi tiếng đến mức nào, các đối tượng này cũng sẽ rắp tâm lợi dụng để công kích, tấn công vào các kênh báo chí, truyền thông.
Nhưng dù động cơ của hành động này là gì, nhân danh giá trị nào, thì chỉ có thể gọi nó bằng 2 chữ: tội phạm. Những tên tội phạm đã tấn công vào một cơ quan nhà nước, mà ở đây là đại điện cho “Tiếng nói của Việt Nam”. Đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng vào khoản 2 điều 8 Luật An ninh mạng, gây hậu quả nghiêm trọng đối với cơ quan ngôn luận của Chính phủ.
Điều đó đặt ra một câu hỏi, là liệu các tờ báo có thể an tâm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội, trước pháp luật hay không, khi luôn nơm nớp lo sợ “chọc ổ kiến lửa” như vụ việc xảy ra với VOV? Nếu cứ mỗi một người nổi tiếng bị phản ánh, các tờ báo lại nhận lấy các cuộc tấn công mạng, những lời lẽ xúc phạm, công kích, hẳn sẽ chẳng còn một phóng viên, báo đài nào dám nói lên tiếng nói của mình. Và nếu phải sống trong sợ hãi như thế, thì giá trị cao cả nhất của báo chí có thể nói cũng đã bị giết chết.
Bất luận động cơ của vụ tấn công là gì, bất luận là ai, những kẻ đã tấn công vào báo VOV, vào một cơ quan nhà nước đang thực hiện chức năng của mình, cần phải bị pháp luật nghiêm trị. Đó không chỉ là sự thượng tôn pháp luật, là sự bảo vệ quyền tự do báo chí, mà còn là sự bảo vệ đối với toàn xã hội trước những thủ đoạn hèn hạ núp đằng sau những nguyên cớ lố bịch.
Hàn Nguyên