Nghiêm khắc nhưng vẫn rất nhân văn
Theo thông cáo báo chí kỳ họp 49 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thống nhất đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương. Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua kiểm tra xác định Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công thương đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, do đồng chí đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Nghiêm khắc nhưng vẫn rất nhân văn
Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như trong nhiệm kỳ này. Nhìn thẳng vào sự thật, đó là điều chúng ta dễ dàng cảm nhận được qua kết quả làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có sự nhân nhượng, không có sự bao che, chỉ có sự thật là điều được phép tồn tại. Qua kết quả kiểm tra, thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt sai phạm của cán bộ cấp cao đã bị đưa ra. Không còn sự hiện diện của “hạ cánh an toàn”. Những hình thức xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng lỗi vi phạm đã được đưa ra.
Theo đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên đạt kết quả khá toàn diện. Kết quả thống kê trong 4 năm (từ năm 2016 đến năm 2019) cho thấy đã kiểm tra 220.560 tổ chức đảng và 1.060.542 đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức đảng và 40.941 đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 1.063 tổ chức đảng và 45.990 đảng viên bằng các hình thức khác nhau. Riêng Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra 47 tổ chức đảng, 52 đảng viên, trong đó có 9 đồng chí Uỷ viên Trung ương và thi hành kỷ luật 92 đảng viên. Các cấp uỷ đã giám sát 145.535 tổ chức đảng và 494.270 đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã giám sát 151.214 tổ chức đảng và 102.484 đảng viên. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã nhận được 80.986 đơn, thư tố cáo, phản ánh tổ chức đảng, đảng viên, trong đó đơn phải giải quyết là 20.751; đã giải quyết tố cáo 6.847 đảng viên, sau giải quyết tố cáo có kết luận đúng, đúng một phần là 3.439 đơn (chiếm 50,2%); đã giải quyết tố cáo 243 tổ chức đảng, đã kết luận tố cáo đúng có vi phạm đối với 74 tổ chức đảng, đúng một phần đối với 120 tổ chức đảng, phải thi hành kỷ luật 9 tổ chức đảng. Cấp uỷ các cấp đã giải quyết khiếu nại của 484 đảng viên, đã giải quyết xong 443 trường hợp (đạt 91,3%), kết quả giữ nguyên hình thức kỷ luật 359 trường hợp, tăng hình thức kỷ luật 15 trường hợp, giảm hình thức kỷ luật 46 trường hợp, xoá kỷ luật 23 trường hợp; uỷ ban kiểm tra các cấp đã giải quyết khiếu nại của 486 đảng viên, đã giải quyết xong 436 trường hợp (đạt 92,0%), kết quả giữ nguyên hình thức kỷ luật 277 trường hợp, tăng hình thức kỷ luật 13 trường hợp, giảm hình thức kỷ luật 98 trường hợp, xoá kỷ luật 48 trường hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nghiêm khắc, công minh trong quá trình làm việc, chúng ta cũng thấy được sự nhân văn, nhân đạo khi xem xét xử lý trách nhiệm đối với Đảng viên vi phạm. Đơn cử như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, theo kết luận kiểm tra, ông Hoàng mắc khuyết điểm rất nghiêm trọng, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, do đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Sự đau đớn khi xử lý cán bộ
Để có được một cán bộ lãnh đạo cần trải qua một quy trình dài đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện. Không phải ngày một ngày hai là chúng ta có tSự đau đớn khi xử lý cán bộhể nhào nặn ra một người có khả năng lãnh đạo. Việc xử lý cán bộ do mắc phải sai phạm là vô cùng đau đớn. Chắc chắn là không ai muốn chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình bị xử lý kỷ luật, mắc vào vòng lao lý, thậm chí là lâm vào cảnh tù đày. Tuy nhiên, đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, không thể nào có chỗ cho những sai trái tồn tại. Cán bộ sai phạm cũng như khối ung thư đang tồn tại trên cơ thể bộ máy Nhà nước, dù đau đớn nhưng chúng ta cũng phải cắt bỏ, nếu không nó sẽ di căn, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần.
Việc xử lý cán bộ sai phạm cũng như hành động “chặt cây sâu để cứu lấy khu rừng”. Dù đau đớn, dù không mong muốn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện một cách kiên quyết để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích của Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả