+
Aa
-
like
comment

Nghịch lý trong cuộc tranh giành vaccine Covid-19 toàn cầu

17/02/2021 19:19

Nếu chỉ người dân các nước giàu được tiêm chủng, vaccine sẽ giảm hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nước nghèo yếu thế trong cuộc đua với những quốc gia sẵn sàng chi đậm cho vaccine.

Nikkei Asian Review mô tả thế hệ vaccine Covid-19 đầu tiên là “phép màu của khoa học hiện đại”. Chỉ trong vòng hơn một năm kể từ khi xác định được virus, hàng chục quốc gia đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng hàng loạt.

Tuy nhiên, vấn đề là các quốc gia giàu có tích trữ vaccine, trong khi cư dân của những quốc gia nghèo vẫn không được bảo vệ. Trong khi đó, càng để lâu, virus càng có nhiều khả năng đột biến thành các biến thể kháng vaccine, làm kéo dài đại dịch.

“Càng nhiều người bị nhiễm, nguy cơ có các biến thể mới kháng vaccine ngày càng lớn”, bà Bettie Steinberg, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein nhận định. Sự tăng lên theo cấp số nhân khiến giới khoa học kinh hãi. Chẳng hạn, Nam Phi cho biết vaccine của gã khổng lồ dược phẩm Anh AstraZeneca kém hiệu quả đối với biến thể B. 1. 351 mới xuất hiện tại Nam Phi.

Các nước nghèo thiếu vaccine

“Tất cả chúng ta đều mong chờ vaccine sẽ làm giảm sự lây nhiễm. Nhưng câu trả lời là chúng không hoàn hảo. Do đó, không thể chờ đợi quá lâu”, ông John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, nhận định. Theo ông, cần cấp bách tăng lượng tiêm chủng và giảm sự lây lan của biến thể càng nhiều càng tốt.

Một nguy cơ khác là vaccine sẽ tập trung ở một số quốc gia giàu có. Trong khi đó, người dân của nhiều quốc gia nghèo hơn có thể không được tiêm chủng kịp thời.

Theo dữ liệu của Đại học Oxford, khoảng 19 triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm đủ liều vaccine. Israel dẫn đầu với 28% dân số (tính đến ngày 13/2). Trong khi đó, Mỹ đứng thứ hai với 4% và 11% dân số tiêm ít nhất một mũi. Anh theo sau cùng tỷ lệ 0,8% và 22% tiêm một mũi. Tỷ lệ tiêm chủng đủ liều trên toàn thế giới là 0,2%.

Theo dự báo của công ty tư vấn Airfinity, tối đa 10 tỷ liều vaccine có thể được cung cấp vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Rasmus Bech Hansen cảnh báo rằng con số này khó đạt được. “Hiện, các nhà sản xuất không thể đạt những mục tiêu này”, ông nói thêm.

Vaccine Covid-19 anh 2
Người dân của nhiều quốc gia nghèo có thể không được tiêm vaccine ngừa Covid-19 kịp thời.

Theo các nhà khoa học, 70-80% nhân loại phải được tiêm chủng đủ liều để cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính là các quốc gia giàu tích trữ vaccine.

Chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng (nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa Covid-19) đang thiếu vốn và có nguy cơ không thể hoàn thành sứ mệnh.

“92 nước nghèo (chủ yếu nhận vaccine do COVAX tài trợ) chỉ đủ tiêm cho 3% dân số vào cuối nửa đầu năm 2021”, bà Mandeep Dhaliwal, giám đốc Nhóm HIV, Y tế và Phát triển tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, tiết lộ. “Các quốc gia giàu nhất – chỉ chiếm 14% dân số – đã mua hơn một nửa số vaccine”, bà nói thêm. Theo bà Dhaliwal, thế giới sẽ mất nhiều năm để được tiêm chủng đầy đủ.

Bà kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chia sẻ công nghệ vaccine, tăng cường đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, mua vaccine để sản xuất hàng loạt và phân phối toàn cầu. “Chỉ tiêm vaccine cho một số cư dân của các quốc gia giàu có sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine”, bà nhấn mạnh.

“Điều bất lợi nhất là chúng ta không giàu”

Philippines là quốc gia đã ghi nhận hơn 549.000 ca nhiễm Covid-19, con số cao thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Năm 2020, nền kinh tế sa sút 9,5%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

“Vấn đề Covid-19 không hề dễ dàng. Đầu tiên, điều bất lợi nhất của chúng ta là chúng ta không giàu. Đây là cuộc chiến giữa những quốc gia trả giá cao nhất”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mở đầu bài phát biểu trước công chúng hôm 1/2. Bài phát biểu của ông Duterte đã phơi bày thách thức mà các quốc gia đang phát triển như Philippines phải đối mặt trong cuộc tranh giành vaccine toàn cầu.

Vị tổng thống thậm chí sử dụng quân bài địa chính trị, đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) trừ khi Mỹ bán thêm vaccine. “Nếu họ không cung cấp tối thiểu 20 triệu liều vaccine, tốt nhất là họ nên ra ngoài”, ông Duterte đề cập đến quân đội Mỹ trong cuộc họp với các thành viên nội các.

Vấn đề Covid-19 không hề dễ dàng. Đầu tiên, điều bất lợi nhất là chúng ta không giàu. Đây là cuộc chiến giữa những quốc gia trả giá cao nhất

– Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Ông cũng yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt Philippines trở thành quốc gia ưu tiên phân phối vaccine. Philippines còn tình nguyện trở thành “chuột bạch” cho Sputnik V – loại vaccine do Viện Gamaleya của Nga phát triển.

Các quan chức Philippines cho biết Sinovac Biotech của Trung Quốc đã phân bổ 25 triệu liều vaccine CoronaVac, bên cạnh 600.000 liều miễn phí mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết trong chuyến thăm gần đây.

Ông Harry Roque, người phát ngôn của ông Duterte, cho biết các liều CoronaVac do Trung Quốc tài trợ dự kiến ​​tới vào ngày 23/2. Tuy nhiên, Sinovac vẫn chưa nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines.

Trên thực tế, không phải mọi quốc gia đang phát triển đều trong tình trạng thiếu thốn. Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp dược phẩm phát triển mạnh nhờ chi phí sản xuất thấp và các chính sách của chính phủ.

Vaccine do Ấn Độ sản xuất thậm chí còn dư liều để gửi sang nước ngoài, bao gồm Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Brazil và Morocco. Đầu tháng này, Ấn Độ phê duyệt 100.000 liều cho Campuchia theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả việc sản xuất vaccine của đất nước là “bằng chứng sáng giá về sức mạnh, trình độ khoa học và tài năng của Ấn Độ”.

Thiếu tin tưởng

Nhưng tin xấu cũng song hành cùng tin tốt. Đất nước 1,3 tỷ dân đã báo cáo số ca nhiễm mới giảm đáng kể từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, điều này làm suy yếu nỗ lực thuyết phục người dân Ấn Độ sử dụng vaccine. Nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc tiêm vaccine, khi tỷ lệ lây nhiễm đang giảm và chính phủ khẳng định đã chiến thắng.

Tháng trước, cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Covaxin – được phát triển bởi công ty nội địa Bharat Biotech và tiêm chủng Oxford-AstraZeneca – do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Cả hai đều là vaccine hai liều, cần được tiêm cách nhau 28 ngày.

Tuy nhiên, Covaxin vẫn chưa được công chúng chấp nhận. “Người dân tiếp tục do dự về Covaxin, bởi dữ liệu về hiệu quả của chúng chưa được công bố”, giáo sư Rajinder K. Dhamija của Đại học Y Lady Hardinge tiết lộ.

Nhiều người dân Ấn Độ cảm thấy không cần thiết phải tiêm vaccine, hoặc chưa đủ tin tưởng vào hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Tương tự tại Ấn Độ, quá trình tiêm chủng ở Trung Quốc cũng bị triển khai chậm do người dân Trung Quốc lo ngại về mức độ an toàn và khả năng bảo vệ của vaccine. Một số khác cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng.

Nhiều người Trung Quốc cũng muốn chờ một loại vaccine do các nhà phát triển nước ngoài sản xuất. Nguyên nhân là những vụ bê bối trong quá khứ về các mũi tiêm kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất.

Jason, một sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh, tiết lộ sẽ đợi vaccine của hãng dược Mỹ Pfizer được phê duyệt tại Trung Quốc. Anh lo ngại vaccine được sản xuất trong nước không đủ khả năng bảo vệ như vaccine mRNA. Các công bố được nhà phát triển Trung Quốc đưa ra cũng không rõ ràng và mâu thuẫn.

(Theo Nikkei Asian Review)

Bài mới
Đọc nhiều